Bệnh tả là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra, có thể lây lan nhanh chóng và gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Ở người cao tuổi, bệnh tả đặc biệt nguy hiểm do hệ miễn dịch yếu và khả năng phục hồi chậm. Việc nhận biết và điều trị kịp thời là rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro và bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng, và cách chăm sóc người cao tuổi mắc bệnh tả.
Nguyên nhân gây bệnh tả ở người cao tuổi
Bệnh tả (Cholera) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính diễn ra ở đường tiêu hóa, gây ra bởi phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae. Biểu hiện chính của bệnh chính là nôn, tiêu chảy nhiều gây mất nước và điện giải nghiêm trọng, sốc nặng và có thể dẫn đến tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.
Vi khuẩn vibrio cholerae là nguyên nhân gây ra bệnh tả ở người. Vibrio cholerae có dạng cong hình dấu phẩy, có khả năng di động nhanh nhờ có một lông, chúng phát triển tốt trong môi trường có nhiều dinh dưỡng, môi trường kiềm như trong nước, thức ăn, trong cơ thể của các động vật biển (cá, cua, sò biển…)… đặc biệt là trong nhiệt độ lạnh, phẩy khuẩn tả có thể sống được vài ngày đến 2 – 3 tuần. Phẩy khuẩn tả có bị tiêu diệt bởi nhiệt độ (80°C/5 phút), hoá chất diệt khuẩn thông thường và môi trường axit.
Độc tố cholera do vi khuẩn tả sản sinh trong ruột non chính là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra bệnh. Độc tố này liên kết với thành ruột, cản trở dòng chảy bình thường của natri và clorua, làm cho cơ thể tiết ra một lượng nước khổng lồ, dẫn đến tiêu chảy và nhanh chóng mất một lượng lớn nước và điện giải.
Nguồn nước ô nhiễm là nguồn bệnh chính của bệnh tả, ngoài ra sò ốc sống, trái cây tươi sống, rau quả và các loại thực phẩm khác cũng có thể chứa vi khuẩn cholerae.
Triệu chứng bệnh tả ở người cao tuổi
Trên lâm sàng có nhiều thể bệnh, biểu hiện có thể nhẹ hoặc tối cấp. Tuy nhiên thể tả điển hình có biểu hiện như sau:
Thời kỳ ủ bệnh: Người bệnh thường không có triệu chứng, thời gian ủ bệnh có thể từ vài giờ đến khoảng 5 ngày. Trong giao dịch quốc tế, thời gian kiểm dịch đối với bệnh tả là 5 ngày theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới.
Thời kỳ khởi phát: Người bệnh có thể có triệu chứng cảm giác đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy số lượng phân và số lần ít, cảm giác sôi bụng. Thời gian thường không quá 24 giờ.
Thời kỳ toàn phát: Các triệu chứng lâm sàng rõ rệt với 3 triệu chứng, hội chứng chính là tiêu chảy, nôn, từ đó dẫn đến rối loạn nước và điện giải.
- Nôn: Người bệnh nôn dễ dàng, nôn nhiều, liên tục trong ngày, khó kiềm chế được.
- Tiêu chảy: Người bệnh đi ngoài liên tục, nhiều lần, khó cầm, số lượng vài chục lần, thậm chí 50 lần/ ngày hoặc có thể nhiều hơn không đếm được. Trong khi tiêu chảy có đặc điểm không có triệu chứng mót rặn và không đau bụng quặn cơn. Tính chất phân của người bị bệnh tả: phân nước, trong lẫn với hạt màu trắng như gạo hoặc phân như nước vô gạo, thường có mùi khá tanh, không thối, không có nhầy, không có máu. Trong phân chứa nhiều vi khuẩn tả, tế bào thượng bì, ion K+ và HCO3-, tuy nhiên do đặc điểm không gây tổn thương niêm mạc ruột nên khi làm xét nghiệm hồng cầu bạch cầu trong phân soi tươi thường âm tính.
- Rối loạn nước và điện giải: người bệnh bị mất nước, mất điện giải do hậu quả của nôn và tiêu chảy. Người bệnh thường sụt cân nhanh, da khô nhăn nheo, hốc hác, mắt lõm sâu, chân tay lạnh. Trường hợp nặng hơn có thể hạ thân nhiệt dưới 35 độ C, chuột rút, co cứng cơ do rối loạn nước và điện giải. Khi mất nước và điện giải nhiều, có thể dẫn tới sốc giảm thể tích với biểu hiện người mệt lử, ý thức không tỉnh táo, mạch nhanh, huyết áp tụt kẹt thậm chí không đo được, tiểu ít hoặc vô niệu.
Thời kỳ bình phục: Sau khoảng vài ngày nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.
Biến chứng nguy hiểm:
Bệnh tả thường có diễn biến nhanh chóng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời:
- Sốc: nếu không được bù nước và điện giải kịp thời có thể dẫn đến tình trạng tụt huyết áp, mạch nhỏ yếu, nhịp tim nhanh gây rối loạn tuần hoàn máu và đe dọa tính mạng người bệnh.
- Hạ đường huyết: do người bệnh mệt mỏi, không thể ăn uống cùng với niêm mạc ruột non bị tổn thương làm giảm hấp thu các chất dinh dưỡng khiến lượng đường trong máu hạ thấp hơn ngưỡng bình thường.
- Nồng độ kali thấp: tiêu chảy trong một thời gian dài khiến một lượng lớn kali trong cơ thể bị mất đi theo đường phân dẫn đến tình trạng hạ kali máu gây ra rối loạn nhịp tim.
- Suy thận cấp: do bị mất quá nhiều nước, ảnh hưởng đến thể tích tuần hoàn làm giảm lượng máu được lọc tại thận dẫn đến tăng các chất thải độc hại trong cơ thể. Mặc dù đã đã được bù dịch đầy đủ.
Những lưu ý khi chăm sóc người cao tuổi mắc bệnh tả
Điều trị bệnh tả
Nguyên tắc điều trị: Điều trị bệnh tả cần tuân thủ nghiêm ngặt 3 nguyên tắc:
- Cách ly người bệnh nhiễm phẩy khuẩn tả.
- Bổ sung đầy đủ, nhanh chóng nước và điện giải cho người bệnh.
- Dùng kháng sinh phù hợp để diệt vi khuẩn.
Chăm sóc người già mắc bệnh tả đúng cách là rất quan trọng để giảm nhẹ triệu chứng và các biến chứng nguy hiểm.
Bù nước – điện giải
Bù nước – điện giải giữ vai trò quan trọng trong điều trị cho người cao tuổi mắc bệnh nhân tả. Bởi mất nước và rối loạn điện giải là nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh lý này.
Đối người cao tuổi mắc bệnh tả nên bù dịch bằng oresol hoặc các loại dung dịch có sẵn tại nhà như nước lọc, súp rau củ quả, nước dừa,… Tuy nhiên cần tránh tuyệt đối các loại đồ uống ngọt có đường vì chúng có thể gây tiêu chảy thẩm thấu và tăng natri máu.
Đồng thời hạn chế các loại chất kích thích như thức uống chứa cafein (cà phê, nước tăng lực,..), trà,… vì chúng gây lợi tiểu và kích thích đi tiêu.
Tốt nhất nên bù nước theo nhu cầu của người bệnh đối với các trường hợp tiêu chảy chưa mất nước, thông thường là 50-100ml dịch/kg cân nặng trong 24 giờ đầu.
Với những trường hợp nặng, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được để được điều trị bù nước bằng đường truyền tĩnh mạch.
Các loại dịch truyền có thể được sử dụng cho bệnh nhân mắc vi khuẩn tả là:
- Natri clorid 0,9%
- Ringer lactat
- Natri bicarbonat 1,4%
- Glucose 5%
Trong quá trình truyền, cán bộ điều dưỡng, bác sĩ sẽ theo dõi các dấu hiệu sinh tồn (mạch, huyết áp,…) và một số chỉ số khác như hematocrit, áp lực tĩnh mạch trung tâm, điện giải đồ để điều chỉnh tốc độ và liều lượng truyền dịch cho phù hợp.
Sau khi đã hết nôn và có thể uống được, bệnh nhân sẽ được chuyển sang phương pháp bù dịch bằng dung dịch uống.
Dinh dưỡng
Dinh dưỡng giúp bệnh nhân phục hồi nhanh và giảm các biến chứng nặng. Vì vậy khẩu phần ăn hàng ngày của người bệnh tả nên được tiếp tục và tăng dần. Nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, cá, trứng, các loại rau củ quả tươi. Bệnh nhân tiêu chảy dễ bị mất protein, kali qua đường ruột. Do đó khuyến khích sử dụng thêm các thực phẩm giàu kali như chuối, nước dừa và nước hoa quả tươi.
Một số thức ăn dễ tiêu hóa đồng thời cũng được khuyên cho bệnh nhân tiêu thụ như súp, bánh quy lạt giòn, sốt táo, cơm trắng, bánh mì nướng.
Đồng thời, người bệnh cần hạn chế các thực phẩm giàu chất xơ thô, cứng, sữa và các chế phẩm từ sữa, thức ăn chứa nhiều chất béo và có chứa quá nhiều đường. Vì nguy cơ gây khó tiêu và làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy.
Sử dụng thuốc: Dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn
Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc kháng sinh sau đây như nhóm Fluoroquinolon (Ciprofloxacin, Norfloxacin, Ofloxacin…); Azithromycin
Vệ sinh nhà cửa, môi trường
Chăm sóc người bệnh tả không thể thiếu bước vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, môi trường xung quanh. Điều này làm giảm lan truyền vi khuẩn gây bệnh cho những người xung quanh và làm tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh.
Cần vệ sinh nhà cửa bằng các loại thuốc tẩy chuyên dụng. Đặc biệt là những nơi có dính chất thải của người bị tiêu chảy.
Rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước và sau khi ăn, khi đi vệ sinh, hoặc tham gia các hoạt động hằng ngày cũng là một cách để tránh lây lan bệnh.
Theo dõi tiến triển của bệnh
Bệnh tả nếu không được điều trị, chăm sóc đúng cách thì có thể diễn biến nặng dẫn tới tử vong. Vì vậy, cần phải theo dõi sát tiến triển của bệnh cho đến khi khỏi hoàn toàn.
Bạn cần nắm rõ các triệu chứng nặng như sụt cân nhanh, da khô nhăn nheo, hốc hác, mắt lõm sâu, chân tay lạnh,… để đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất. Bởi đây là những dấu hiệu của mất nước và rối loạn điện giải thường gặp ở bệnh tả nặng.
Kết luận
Bệnh tả ở người cao tuổi là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Việc hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng, và cách chăm sóc sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ sức khỏe cho những người thân yêu. Người cao tuổi cần được chăm sóc đặc biệt, từ việc bù nước và điện giải đúng cách, sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ định, đến việc duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý. Hãy luôn giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ và theo dõi tiến triển của bệnh một cách sát sao. Sự quan tâm và chăm sóc chu đáo sẽ giúp người cao tuổi vượt qua bệnh tật và sống khỏe mạnh.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.