Bệnh đái tháo đường hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư, trung bình mỗi ngày có khoảng 80 người tử vong vì các bệnh liên quan đến đái tháo đường
80 người tử vong mỗi ngày vì liên quan đến bệnh đái tháo đường
Ngày 13/11, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tổ chức lễ mít tinh nhân ngày Phòng chống bệnh Đái tháo đường thế giới (14/11).
Thông tin tại lễ mít tinh cho biết, theo số liệu của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), đái tháo đường là một trong những vấn đề y tế toàn cầu của của thế kỷ 21, là gánh nặng tài chính cho chăm sóc y tế cản trở quá trình đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Ước tính tới năm 2045, có 1/10 người trưởng thành sẽ bị đái tháo đường (629 triệu người) và chi phí y tế liên quan đến bệnh này sẽ vượt quá 776 tỷ USD.
Còn theo nghiên cứu của Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, bệnh đái tháo đường hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Riêng trong năm 2017, có 29.000 người chết do các nguyên nhân có liên quan đến đái tháo đường, tương đương với 80 ca tử vong/ngày.
Tại Lễ Mít tinh, PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương nhấn mạnh, cũng như các nước đang phát triển khác, do trình độ hiểu biết còn hạn chế, người bệnh mắc đái tháo đường ở nước ta thường được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và thường đến bệnh viện với những biến chứng nặng nề kéo theo gánh nặng kinh tế gây ra do bệnh đái tháo đường cũng rất lớn.
Do vậy, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho rằng Lễ mít tinh Ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14/11/2018) là dịp để tất cả mọi người cùng hưởng ứng, cùng xây dựng ý thức xã hội, nhận rõ tầm quan trọng của việc phòng ngừa, điều trị kịp thời và hiệu quả của căn bệnh này
Chủ động tầm soát và phòng ngừa đái tháo đường bằng cách nào?
Theo PGS.TS Trần Ngọc Lương, bệnh nhân đái tháo đường phải chịu gánh nặng kinh tế lớn gồm chi phí trực tiếp; chi phí gián tiếp và chi phí vô hình. Cả 3 loại chi phí này đều ảnh hưởng lớn tới bệnh nhân và gia đình. Vì thế để nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh đái tháo đường không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành Y tế, mà là của cả xã hội.
Chưa kể, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng khẳng định, cùng với lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa số ngừơi mắc đái tháo đường typ 2 (bệnh liên quan mật thiết đến chế độ dinh dưỡng không hợp lý và “ lười” vận động) đang tăng nhanh, đặc biệt lo ngại đã ghi nhận các ca mắc là trẻ nhỏ 9 – 13 tuổi; thanh niên 20 – dưới 30 tuổi trong khi hơn 10 năm trước bệnh hầu hết chỉ ghi nhận sau tuổi 40 tuổi.
Để phòng chống bệnh, PGS.TS Trần Ngọc Lương khuyến cáo người dân tầm soát bệnh và chủ động phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm bằng chế độ vận động, sinh hoạt, ăn uống khoa học, hạn chế rượu bia, thuốc lá, thực phẩm chiên xào, chế biến sẵn.
Cũng tại Lễ mít tinh, TS. Jun Nakagawa, Phó Trưởng đại diện tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực mà Việt Nam đã làm trong công tác phòng và điều trị bệnh đái tháo đường đồng thời cũng sẽ luôn đồng hành để giúp Việt Nam quản lý tốt hơn bệnh không lây nhiễm.
“Với hơn 425 triệu người hiện đang sống với bệnh đái tháo đường trên thế giới, hầu hết các trường hợp này là bệnh Đái tháo đường týp 2, phần lớn có thể ngăn ngừa được thông qua hoạt động thể chất thường xuyên, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và duy trì môi trường sống lành mạnh”, TS. Jun Nakagawa nhấn mạnh.