Viêm da cơ địa là một loại bệnh dị ứng miễn dịch có yếu tố di truyền. Đây là một bệnh lý mạn tính về da, bệnh dai dẳng, thường xuyên tái phát. Viêm da cơ địa gây gứa dữ dội và làm tổn thương da, từ mức độ nhẹ như ban đỏ đến nặng hơn như lichen hóa (dày da) và chứng đỏ da.
Phân loại viêm da cơ địa thường gặp
Bệnh viêm da cơ địa thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh, sớm nhất là 3 tháng tuổi. Bệnh được chia thành các giai đoạn:
- Ở giai đoạn cấp tính, tổn thương là các mảng hoặc mảng có vẩy, đỏ, dày, ngứa dữ dội, có thể bị xước do gãi.
- Ở giai đoạn mạn tính, trầy xước và chà xát tạo ra những tổn thương khô, lichen hóa trên da.
- Phân bố tổn thương phụ thuộc vào tuổi. Ở trẻ sơ sinh, tổn thương đặc trưng xảy ra ở mặt, da đầu, cổ, mí mắt và mặt duỗi của các chi. Ở trẻ lớn và người lớn, các tổn thương xảy ra trên các mặt gấp như cổ, khuỷu tay, khoeo chân.
Dấu hiệu và triệu chứng của mỗi loại
Ngứa dữ dội là một đặc điểm chính. Ngứa thường xuất hiện trước các tổn thương và trầm trọng hơn khi không khí khô, đổ mồ hôi, kích ứng tại chỗ, quần áo len và căng thẳng về cảm xúc.
- Ở trẻ sơ sinh (0-30 ngày đầu chào đời) và nhũ nhi (1-12 tháng tuổi): 2 bên má, quanh miệng, trán, thân mình, cổ, bẹn, các kẽ da (nếp da) có ban đỏ, tróc vảy, nhiều mụn nước nhỏ vỡ ra chảy dịch gây viêm trợt. Vết loét đóng vảy, khô, có thể bị nhiễm vi khuẩn. Ở một số bệnh nhi còn có dấu hiệu đi kèm khác như: tiêu chảy, viêm tai giữa. Bệnh làm trẻ mất ngủ, quấy khóc.
- Ở trẻ em (2-12 tuổi): da khô ráp, nứt nẻ, ngứa ở vùng da sau đầu gối, trên đầu gối, khuỷu tay, các nếp da (kẽ da),… Ở vùng da ngứa hình thành mảng lichen hóa dạng đĩa. Trẻ bị bệnh thường kèm với tình trạng đục thủy tinh thể, viêm kết mạc dị ứng.
- Ở người trưởng thành: ở giai đoạn cấp tính, người bệnh xuất hiện nhiều ban đỏ, bề mặt da có mụn nước nhỏ, nông, chảy dịch gây phù nề, vảy tiết. Vùng da tổn thương thấy ngứa, nóng rát và sưng đau. Da khô sần sùi kéo dài dai dẳng. Khi bệnh ở dạng mạn tính thì da tổn thương trở nên thâm sạm, dày sừng, nứt nẻ, ngứa âm ỉ đến dữ dội.
Cách phòng ngừa bệnh viêm da cơ địa
Tuy không có cách phòng bệnh triệt để bởi những người bị viêm da cơ địa có làn da nhạy cảm, chỉ một tác nhân nhỏ cũng đủ để bệnh khởi phát, nhưng bạn vẫn có thể áp dụng những cách sau để ngừa, giảm việc viêm da cơ địa tái phát và kéo dài:
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ và thường xuyên, đặc biệt sau khi đổ nhiều mồ hôi.
- Bôi kem dưỡng ẩm cho da sau khi tắm để tránh làm khô da.
- Hạn chế tắm nước nóng để tránh kích thích da, gây ngứa và viêm.
- Sử dụng cố định loại nước hoa, mỹ phẩm, xà phòng tắm gội dịu nhẹ, phù hợp với da.
- Bạn phải đọc kỹ thành phần để tránh gây kích ứng cho da.
- Hạn chế ăn hải sản, uống rượu bia, không hút thuốc lá,… có thể kích thích dị ứng, gây ngứa ngáy.
- Không tự ý mua thuốc chống dị ứng, cần uống theo toa của bác sĩ.
- Mặc áo thoáng mát, vải mềm, mỏng trong thời tiết nóng.
- Uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.