Đái tháo đường ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh theo nhiều cách, từ các triệu chứng mệt mỏi do bệnh mang lại đến các vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm vì chi phí điều trị, vì biến chứng hay vì phải ăn kiêng…
Đái tháo đường đôi lúc cản trở bệnh nhân tận hưởng cuộc sống. Bệnh nhân mắc căn bệnh mạn tính này không thể ăn uống tự do, phải thường xuyên kiểm tra đường huyết, dùng thuốc; biến chứng của bệnh nguy hiểm liên quan đến một số bệnh về mắt như bị giảm thị lực, bệnh nhiễm trùng bàn chân, tay dẫn đến tàn tật, bệnh về thận, tim mạch. Tất cả vấn đề đó làm cho cuộc sống người bệnh trở nên căng thẳng và không còn cảm thấy hạnh phúc.
1. Bệnh đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) là một bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin mà nó sản xuất. Insulin là một loại hormone điều chỉnh lượng đường trong máu.
Tăng đường huyết là một tác động phổ biến của bệnh đái tháo đường không kiểm soát được và theo thời gian dẫn đến tổn thương nghiêm trọng đến nhiều hệ thống của cơ thể, đặc biệt là các dây thần kinh và mạch máu.
2. Phân loại bệnh đái tháo đường
Bệnh tháo đường có thể phân ra theo cơ chế bệnh sinh là thiếu insulin tuyệt đối hoặc tương đối. Bệnh có 4 loại chính:
- Đái tháo đường loại 1: trước đây người ta thường gọi bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin (do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối).
- Đái tháo đường loại 2: còn gọi là bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin (do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin).
- Đái tháo đường thai kỳ (được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về đái tháo đường loại 1 hoặc loại 2 trước đó).
- Các loại đái tháo đường đặc biệt do các nguyên nhân khác, như đái tháo đường sơ sinh hoặc đái tháo đường do sử dụng thuốc và hoá chất như sử dụng glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô…
3. Một số bí quyết sống khỏe cho bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường
Tiến sĩ William Polonsky, CDE, Giám đốc Viện Đái tháo đường, cho biết: “Nhiều người trở nên quá tải, thất vọng hoặc kiệt sức bởi những khó khăn hàng ngày của bệnh đái tháo đường, và bởi những nhu cầu tự chăm sóc bản thân không ngừng nghỉ, thường là gánh nặng, có khả năng dẫn đến tức giận, trầm cảm, sợ hãi, và thậm chí vô vọng”.
Tuy nhiên người bệnh có thể duy trì chất lượng cuộc sống với bệnh mạn tính này nếu nắm vững các quy tắc sau.
Dinh dưỡng
Chế độ ăn là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị bệnh đái tháo đường với mục đích nhằm đảm bảo cung cấp đủ, cân bằng cả về số lượng và chất lượng các thành phần dinh dưỡng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng và đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe.
Vì vậy, đối với bệnh nhân nên cần lưu ý các thức ăn hằng ngày.
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm tăng đường huyết nhanh như (khoai lang nướng, bánh mỳ, bột dong, đường kính, mật ong).
- Tránh ăn các thức ăn: thịt mỡ, nội tạng động vật, dầu cọ, dầu dừa, hoặc các thực ăn chiên rán kỹ.
- Không nên sử dụng lại dầu đã sử dụng ở nhiệt độ cao: xào, rán…
- Chọn các dầu thực vật thay thế cho mỡ động vật: dầu đậu nành, dầu hướng dương…
- Chọn thực phẩm có ít chất béo bão hòa như: cá, thịt nạc, đậu phụ, lạc, vừng.
- Có thể sử dụng trứng 2-4 quả/tuần, ăn cả lòng đỏ và lòng trắng.
Vận động
Tăng hoạt động thể lực giúp làm cải thiện đường huyết, kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Kết hợp luyện tập thể lực với can thiệp dinh dưỡng sẽ có hiệu quả giảm HbA1c nhiều hơn.
Trước khi bắt đầu chương trình luyện tập thể lực, bệnh nhân đái tháo đường nên được kiểm tra các biến chứng có thể ảnh hưởng bởi vận động thể lực cường độ cao: bệnh mạch vành, bệnh võng mạc, bệnh thần kinh ngoại biên và biến chứng bàn chân đái tháo đường. Không tập thể dục nếu glucose huyết >14,0 hoặc <5,5 mmol/L, hoặc cảm thấy đói, mệt.
Người bệnh nên chọn hình thức hoạt động thể lực phù hợp mà có thể duy trì lâu dài. Đi bộ là hình thức vận động thuận tiện về thời gian và không tốn chi phí.
- Loại hình luyện tập thông dụng và dễ áp dụng nhất: đi bộ tổng cộng 150 phút mỗi tuần (hoặc 30 phút mỗi ngày), không nên ngưng luyện tập 2 ngày liên tiếp.
- Có thể thay thế bằng cách chia nhỏ thời gian tập thể dục trong ngày. Ví dụ: đi bộ sau 3 bữa ăn, mỗi lần 10-15 phút.
- Những hoạt động tăng tiêu thụ năng lượng hàng ngày có lợi cho kiểm soát đái tháo đường: làm vườn, đi bộ lên cầu thang, lau nhà,…
- Tránh ngồi kéo dài và mỗi 20 tới 30 phút nên đứng dậy đi lại.
Một số hình thức thể dục khác có lợi ích như thể dục dưới nước phù hợp với người bị thoái hoá khớp: bơi lội, đi bộ nhanh trong nước. Việc chẩn đoán sớm có thể được thực hiện thông qua xét nghiệm lượng đường trong máu với chi phí tương đối thấp.
Các biện pháp can thiệp vừa tiết kiệm chi phí vừa khả thi ở các nước thu nhập thấp và trung bình bao gồm: kiểm soát đường huyết, đặc biệt là ở bệnh đái tháo đường loại 1.
Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường loại 1 cần điều trị bằng tiêm insulin, đái tháo đường loại 2 có thể điều trị bằng thuốc uống. Bên cạnh việc tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, kiểm tra đường huyết thường xuyên, thì người bệnh nên chăm sóc bàn chân thường xuyên (bệnh nhân tự chăm sóc bằng cách giữ vệ sinh chân; đi giày dép phù hợp; tìm kiếm sự chăm sóc chuyên nghiệp để kiểm soát vết loét; và kiểm tra chân thường xuyên bởi các chuyên gia y tế).
4. Kết luận
Bệnh đái tháo đường là căn bệnh nguy hiểm và dễ gây ra biến chứng nguy hiểm liên quan đến bệnh mắt, thận, thần kinh, tim mạch, vì thế việc chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm có thể giúp người bệnh kiểm soát bệnh ở mức tối ưu.
Theo đó khi được chẩn đoán bệnh đái tháo đường người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh. Tiền đái tháo đường: Thay đổi tương lai ngay hôm nay.