Bệnh viêm amidan là sự tổn thương cấp hoặc mãn tính tại tuyến amidan. Không chỉ gây triệu chứng khó chịu, căn bệnh này còn để lại nhiều di chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng máu… Vì vậy, việc chủ động hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm amidan từ sớm góp phần tăng khả năng phòng và trị bệnh thành công.
Tổng quan chung
Amidan là những tế bào lympho để bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Amidan cũng là nơi sản xuất kháng thể IgG rất cần thiết trong miễn dịch. Amidan là hàng rào miễn dịch vùng họng miệng, hoạt động mạnh từ 4-10 tuổi, sau đó đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của amidan giảm rõ và không còn hoạt động mạnh nữa.
Khi vi khuẩn ồ ạt xâm nhập và tấn công mũi họng, amidan phải chống lại, vượt quá mức sẽ xảy ra tình trạng bị viêm sưng, đỏ. Hậu quả của sự tập trung tiêu diệt vi khuẩn tại amidan thường để lại xác vi khuẩn và xác bạch cầu, mô hoại tử thành các cục mủ rất hôi, lâu lâu rớt ra khỏi amidan. Khi amidan bị viêm nhiều lần, khả năng chống vi khuẩn bị yếu đi, do chính các ổ viêm nằm trong amidan, lại là nơi khởi phát cho những đợt viêm vùng họng. Viêm amidan chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em, thường do vi khuẩn gây ra.
Triệu chứng
Các triệu chứng có thể xảy ra không hoàn toàn giống nhau. Chúng có thể bao gồm:
- Đau họng.
- Khó nuốt hoặc nuốt đau.
- Các hạch cổ sưng to, đau.
- Khàn giọng hoặc thay đổi giọng nói.
- Sốt hoặc ớn lạnh.
- Đau đầu
- Đau tai.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Đau bụng.
- Cảm thấy đau nhức và mệt mỏi.
- Cổ họng đỏ hoặc sưng.
- Amidan đỏ hoặc to.
- Họng hoặc amidan có thể tiết dịch màu trắng.
- Khó thở hoặc ngáy.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây viêm amidan do hệ miễn dịch suy giảm dễ bị các yếu tố bất lợi như vi khuẩn (Streptococcal…), virus (cúm, Parainfluenza, herpes simplex, Epstein-Barr…) tấn công. Ngoài ra, việc sử dụng rượu bia, thuốc lá gia tăng cũng khiến tình trạng viêm amidan ở người lớn tăng cao.
Những yếu tố như sự thay đổi đột ngột của thời tiết, ô nhiễm môi trường, khói bụi độc hại; người bệnh có tiền sử mắc các bệnh viêm VA, viêm xoang, viêm răng… cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường.
Theo đó, một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng amidan bị viêm là:
- Đã từng mắc các bệnh đường hô hấp hay các bệnh truyền nhiễm như ho gà, sởi…
- Vệ sinh khoang miệng không sạch sẽ
- Có dị tật ở cổ họng hay amidan
- Môi trường ô nhiễm (khói bụi, vệ sinh không kỹ…)
- Sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, hoặc sản phẩm đông lạnh (như kem, đá…)
- Thời tiết thay đổi đột ngột
Đối tượng nguy cơ
Viêm amidan có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là những người có tiền sử bệnh về đường hô hấp, các bệnh liên quan đến đường thở như viêm mũi, viêm xoang… Nếu không điều trị dứt điểm, bệnh dễ tái phát, dẫn đến tình trạng mãn tính.
Ngoài ra, trẻ nhỏ cũng là nhóm có nguy cơ cao vì:
- Trẻ thường bị viêm amidan do vi khuẩn, thường gặp nhất ở trẻ từ 5 – 15 tuổi.
- Trẻ trong độ tuổi đi học thường tiếp xúc gần với bạn bè trong trường lớp, rất dễ bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn gây viêm amidan.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán xác định viêm amidan và phân biệt với các bệnh khác, Bác sĩ sẽ thực hiện như sau:
- Khám bệnh: Bác sĩ sử dụng một loại đèn đặc biệt để soi chiếu trong các khoang của tai, mũi và họng để tìm ra ổ nhiễm khuẩn. Sau đó, bác sĩ khám ở cổ xem người bệnh có bị sưng hạch bạch huyết hay không, nghe tiếng ran phổi và khám vùng lách có bị to không.
- Xét nghiệm: Xét nghiệm máu toàn phần và xét nghiệm dịch tiết được lấy từ họng người bệnh để tìm ra nguyên nhân dẫn tới nhiễm khuẩn.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa viêm amidan, người bệnh có thể chú ý tới những điều sau đây:
- Thực hành vệ sinh răng miệng tốt: Vì vi trùng rất nguy hiểm, chúng có thể tích tụ trong miệng và cổ họng. Vì vậy, việc duy trì vệ sinh răng miệng tốt là điều cần thiết để ngăn ngừa viêm amidan. Nguy cơ nhiễm trùng có thể giảm hơn nữa nếu sử dụng nước súc miệng sát trùng, đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên để giúp loại bỏ vi khuẩn trong khoang miệng.
- Tăng cường miễn dịch: Một hệ thống miễn dịch tốt có thể chống lại các tác nhân gây viêm amidan hiệu quả. Bạn có thể tăng cường hệ thống miễn dịch một cách tự nhiên bằng cách áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng vitamin và khoáng chất, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát căng thẳng và ngủ đủ giấc.
- Tránh dùng chung vật dụng cá nhân: Việc dùng chung đồ dùng cá nhân như cốc, dao kéo và bàn chải đánh răng có thể làm tăng khả năng lây nhiễm bệnh viêm amidan. Vì vậy, điều quan trọng là không sử dụng đồ dùng cá nhân với người khác.
- Giữ ẩm cổ họng: Giữ ẩm cho cổ họng giúp giảm nguy cơ kích ứng và viêm họng, có thể dẫn đến viêm amidan. Lựa chọn tốt nhất là nước, nhưng bạn cũng có thể nhâm nhi súp/cháo ấm hoặc trà thảo mộc để giữ ẩm cho cổ họng.
- Không hút thuốc và tránh hít khói thuốc lá: Hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc có thể gây kích ứng cổ họng, khiến cổ họng dễ bị nhiễm trùng hơn và có thể gây viêm amidan. Để ngăn ngừa viêm amidan và các rối loạn hô hấp khác, bỏ thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc là điều cần thiết.
Điều trị bệnh như thế nào?
Trường hợp viêm nhẹ không cần điều trị vì đa số trường hợp gây ra bởi virus, bệnh sẽ tự khỏi sau khoảng 1 tuần.
Bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh hoặc cắt amidan khi tình trạng bệnh nặng. Khi điều trị kháng sinh, cần phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng, cách sử dụng, thời gian điều trị và tái khám.
Trường hợp viêm amidan nặng thì cắt amidan là 1 phẫu thuật đơn giản, dễ thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng. Với bệnh nhi, ba mẹ cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có điều kiện gây mê an toàn để đưa bé đến cắt amidan.
Viêm amidan cấp có thể để lại một số biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh, người bệnh không nên coi thường. Nên khi thấy trẻ có dấu hiệu của bệnh nên đi khám và được điều trị triệt để đúng cách.
Kết luận
Viêm họng amidan là một bệnh lý phổ biến, gây nhiều phiền toái và đau đớn. Để phòng tránh và điều trị hiệu quả, bạn cần chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách, tăng cường hệ miễn dịch bằng chế độ ăn uống lành mạnh, và tránh tiếp xúc với khói thuốc. Khi có triệu chứng viêm amidan như đau họng, khó nuốt, và sốt, hãy đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Việc tuân thủ đúng liệu trình điều trị của bác sĩ sẽ giúp bạn nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Hãy bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình bằng những biện pháp phòng ngừa đơn giản nhưng hiệu quả này.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.