Da ở trên môi mỏng mỏng manh hơn nhiều so với các bộ phận khác trên cơ thể. Môi cũng tiếp xúc với các tác nhân môi trường, bao gồm ánh nắng mặt trời và không khí khô lạnh, dễ bị khô, nứt, bong tróc. Môi nứt nẻ là tình trạng phổ biến và thường vô hại. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về khô môi qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Khô môi là tình trạng thường gặp, nhất là vào thời tiết hanh khô và se lạnh khiến nhiều người cảm thấy khó chịu. Thực tế, môi khô ráp, nứt nẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả chủ quan và khách quan.
Hiểu đơn giản, khô môi là tình trạng môi trở nên thô ráp, dễ bong tróc và nứt nẻ. Hiện tượng này có xu hướng xảy ra nhiều hơn khi vào mùa lạnh, hanh khô, khi cơ thể không kịp bù đắp lượng nước, độ ẩm bị thiếu hụt. Vậy môi khô là dấu hiệu của bệnh gì?
Thực tế, hiện tượng bệnh lý này không phải là dấu hiệu của bệnh và cũng không gây nguy hiểm tới sức khỏe của con người. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp khắc phục sớm sẽ gây ra cảm giác khó chịu, ảnh hưởng tới thẩm mỹ và sự tự tin.
Triệu chứng
Khô môi là một trong những hiện tượng dễ nhận thấy nhất của cơ thể, có thể quan sát bằng mắt thường thông qua các dấu hiệu như:
- Môi bị khô, nứt nẻ và rất dễ tróc vảy
- Môi dễ bị sưng, loét
- Chàm môi
- Nứt môi, nếu tình trạng này nặng hơn có thể sẽ dẫn tới chảy máu
Khô môi, nứt nẻ sẽ gây ra cảm giác khó chịu, đau đớn, nhất là khi ăn các loại thực phẩm vị chua, cay hay mặn. Khô, nứt môi còn gây ảnh hưởng tới yếu tố thẩm mỹ, khiến người bệnh cảm thấy thiếu tự tin mỗi khi giao tiếp với người đối diện.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho đôi môi nứt nẻ, khô ráp. Một vài nguyên nhân phổ biến dễ gây ra tình trạng này.
- Môi khô nứt nẻ do thời tiết thay đổi: Tình trạng này thường xảy ra nhất khi không khí khô lạnh hoặc đôi lúc khi thời tiết thay đổi đột ngột.
- Khô môi vì cơ thể thiếu nước: Nếu bạn không uống đủ nước mỗi ngày sẽ khiến tình trạng bong tróc, khô môi nhẹ. Tình trạng thiếu nước trầm trọng sẽ khiến làn da bị khô ráp và đôi môi nứt nẻ, kém xinh.
- Thường xuyên sử dụng son lì: Son lì thường có những màu sắc rực rỡ nên chúng chứa chất tạo màu nhiều. Vì thế nếu chỉ dùng son lì mà không chăm chỉ dưỡng môi sẽ khiến đôi môi bị khô kèm theo bong tróc da, nứt nẻ rất mất thẩm mỹ.
- Môi khô nứt nẻ vì không dưỡng môi thường xuyên: Môi cũng chịu ảnh hưởng từ các tác nhân gây hại từ môi trường nên cũng sẽ gặp những vấn đề như khô ráp, bong tróc da. Việc bỏ quên thói quen dưỡng môi khiến cho môi nứt nẻ nhiều hơn, nhất là khi thời tiết vào đông hoặc trời hanh khô.
- Thói quen liếm môi, cắn môi: Các thói quen này khiến môi bị khô, mất nước, làm giảm độ ẩm của môi, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng môi khô, nứt nẻ.
Đối tượng nguy cơ
Những người ở trong môi trường khô hanh lâu ngày như sử dụng máy sưởi hoặc điều hòa lâu ngày vào mùa đông rất dễ khiến cơ thể mất đi độ ẩm và khiến môi khô, bong tróc.
Ngoài ra, những người thường xuyên liếm môi bằng lưỡi cũng dễ bị viêm môi do enzim trong nước bọt phá vỡ lớp dầu tự nhiên trên môi, khiến môi trở nên khô hơn.
Những người không chú ý chăm sóc môi cũng rất dễ bị khô môi. Có thể họ không có thói quen sử dụng son dưỡng, hoặc có thể họ đã sử dụng son dưỡng không phù hợp khiến môi bị khô lâu ngày.
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể chẩn đoán được khi kiểm tra bằng mắt thường mà không cần phải thực hiện các xét nghiệm nào khác.
Phòng ngừa bệnh
Để có thể ngăn ngừa được tình trạng khô môi bạn nên:
- Uống đủ nước
- Sử dụng son dưỡng môi khô nứt nẻ
- Bôi kem chống nắng cho môi khi ra ngoài trời nắng
- Tránh liếm, ngoáy hoặc cắn vào môi
- Giữ các vật lạ tránh xa miệng của bạn (bút, đồ trang sức, đồ vật bằng kim loại)
- Sử dụng máy tạo độ ẩm
- Tẩy tế bào chết cho môi
Điều trị như thế nào?
Tùy từng nguyên nhân gây khô môi mà có cách điều trị phù hợp. Nếu khô môi do thuốc điều trị, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ để khắc phục tác dụng phụ hoặc đổi thuốc khác. Trường hợp môi khô do thiếu hụt một số dưỡng chất, người bệnh nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống.
Môi khô, nứt nẻ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không chỉ riêng mùa đông. Tuy nhiên, nếu biết cách chăm sóc, mọi người vẫn có đôi môi mềm mại.
- Bạn nên lựa chọn son dưỡng môi không gây kích ứng, chứa các hoạt chất dưỡng ẩm cao như dầu khoáng, dầu quả bơ, bơ hạt mỡ… Sản phẩm không chứa paraben hoặc hương liệu; có thể có khả năng chống nắng với chỉ số SPF tối thiểu 30, chứa oxit titan và oxit kẽm.
- Thoa dưỡng ẩm môi thường xuyên, ít nhất ba lần mỗi ngày.
- Nên ngưng sử dụng son dưỡng ngay khi gặp tình trạng kích ứng, bỏng rát, châm chích hoặc ngứa ran, đến gặp bác sĩ da liễu – thẩm mỹ da để kiểm tra, điều trị sớm.
- Uống 1,5-2 lít nước mỗi ngày giúp tăng độ ẩm và duy trì độ đàn hồi cho da, ngăn khô môi. Khi môi khô, người bệnh thường làm ướt môi bằng cách liếm, nhưng điều này sẽ khiến môi thêm trầm trọng. Bên cạnh đó, cắn môi cũng dễ gây kích ứng, khiến vết thương lâu lành.
Nếu đã áp dụng những cách trên nhưng môi vẫn khô, nứt nẻ trong 2-3 tuần, người bệnh nên đến gặp bác sĩ da liễu – thẩm mỹ da để thăm khám và khắc phục triệu chứng.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.