Giãn tĩnh mạch là bệnh thường gặp, càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng, suy giãn tĩnh mạch ở người trẻ có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Nhiều người trẻ bị suy giãn tĩnh mạch do đặc thù nghề nghiệp hay đứng lâu, ngồi nhiều, ít vận động,…Bệnh nếu không được phát hiện, điều trị đúng cách sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tìm hiểu ngay!
Giãn tĩnh mạch là gì?
Giãn tĩnh mạch là tình trạng giãn, sưng, và xoắn tĩnh mạch nông (tĩnh mạch nằm ở gần sát phia dưới da). Các tĩnh mạch này thường xuất hiện ở mặt sau của bắp chân hoặc ở mặt trong của chân, và thường gặp ở nữ giới, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi, hơn là nam giới.
Suy giãn tĩnh mạch
Ở giai đoạn nhẹ, có thể không phải là một tình trạng nghiêm trọng đối với sức khỏe và chủ yếu là vấn đề về thẩm mỹ. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu về nguy cơ của các rối loạn khác trong hệ thống tuần hoàn. Giãn tĩnh mạch có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như chảy máu, dày lên và xơ cứng da ở chân và mắt cá chân, chàm, viêm tắc tĩnh mạch và loét chân.
Nguyên nhân gây bệnh giãn tĩnh mạch
Giãn tĩnh mạch nguyên phát bắt đầu từ tĩnh mạch nông do cấu trúc của tĩnh mạch bị yếu và suy giảm chức năng của van tĩnh mạch hiển, sự yếu đi của thành mạch và áp lực lên tĩnh mạch cao. Có khoảng 50% bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch có yếu tố gia đình.
Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ phát triển bệnh giãn tĩnh mạch bao gồm tuổi tác (nguy cơ tăng theo tuổi), mang thai, giới tính (nữ), béo phì, đứng hoặc ngồi lâu.
Giãn tĩnh mạch thứ phát là hậu quả của tăng áp lực tĩnh mạch, liên quan đến suy tĩnh mạch sâu, hoặc tắc nghẽn tĩnh mạch sâu dẫn đến làm giãn tĩnh mạch nông.
Suy tĩnh mạch mạn tính: Là tình trạng tĩnh mạch hoạt động kém do tăng áp lực tĩnh mạch, và có sự thoát dịch và các thành phần của máu ra ngoài cấu trúc cơ của của chi. Suy giãn tĩnh mạch có thể xảy ra ở bệnh nhân giãn tĩnh mạch, nhưng thường do bệnh lý ở tĩnh mạch sâu. Suy tĩnh mạch sâu nguyên phát là do sự bất thường về cấu trúc hoặc chức năng thành tĩnh mạch hoặc van tĩnh mạch dẫn đến dòng trào ngược ở vị trí van tĩnh mạch. Suy tĩnh mạch sâu thứ phát là hậu quả của sự tắt nghẽn và/hoặc sự kém hoạt động của van do huyết khối tĩnh mạch sâu.
Mộ số cách điều trị suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch có thể do cấu trúc cùa thành mạch bị yếu do yếu tố gia đình, hoặc do tuổi tác. Suy giãn tĩnh mạch cũng có thể do sự tăng áp lực lên tĩnh mạch, xuất hiện do đứng lâu, ngồi nhiều, béo phì, mang thai… Vì vậy, những thay đổi lối sống một cách tích cực có thể giúp phòng ngừa, điều trị suy giãn tĩnh mạch hiệu quả.
Điều trị hỗ trợ, thay đổi lối sống
- Tránh ngồi quá lâu hoặc đúng quá lâu;
- Có thời gian nghỉ ngơi và nâng chân cao, nên nâng chân cao hơn vị trí của tim để cải thiện tuần hoàn tĩnh mạch;
- Mang vớ y khoa hoặc vớ áp lực, nhưng không mang dây nịt hoặc quần vớ bó sát cũng như quần áo bó sát;
- Tập thể dục đềi đặn, đi bộ vừa phải;
- Nếu bị béo phì, nên giảm cân, loại bỏ cân nặng dư thừa giúp loại trừ bớt áp lực không cần thiết trên tĩnh mạch.
Điều trị bằng thuốc
Các thuốc giãn tĩnh mạch tác động trên tĩnh mạch giúp làm bền thành tĩnh mạch, giảm tính thấm mao mạch flavonoids (Phân đoạn Flavonoid tinh chế vi hạt, diosmin, rutin and rutosides, aescin, dịch chiết hạt dẻ ngựa, dịch chiết Ginkgo biloba, phối hợp Ginkgo biloba + Heptaminol+ troxerutin…).
Bạn có thể tham khảo Ginkor Fort
Steroid dùng ngoài có thễ dùng trong thời gian ngắn để giảm viêm.
Điều trị bằng phẫu thuật và phẫu thuật
Áp dụng cho trường hợp bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch kéo dài, có tĩnh mạch giãn to ngoằn ngoèo, suy tĩnh mạch giai đoạn nặng có các triệu chứng như viêm da, sưng phù. Phẫu thuật cũng có thể áp dụng vì lý do thẩm mỹ.
Các thủ thuật và phẫu thuật thường dùng:
- Chích xơ tĩnh mạch, laser nội mạc tĩnh mạch, sóng cao tần.
- Phẫu thuật loại bỏ tĩnh mạch bị suy giãn.
Giãn tĩnh mạch nếu không được phát hiện và điều trị sớm về lâu dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu tình trạng giãn tĩnh mạch của bạn gây khó chịu hoặc trở nên nghiêm trọng, hãy đến bệnh viện thăm khám để được chuẩn đoán và điều trị đúng cách.
Tài liệu tham khảo:
- Harrison’s Principles of Internal Medicine 21st Edition, McGraw Hill.
- Nicolaides. A et al. International Angiology. 2018;37(3):232-254.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Bạn có thể xem thêm:
- 10 bệnh xương khớp thường gặp nhất
- Những điều cần biết về bệnh thoái hóa khớp gối
- Dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên bệnh nhân nguy cơ cao