Bệnh tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng ba lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày, với các triệu chứng kèm theo là nôn, mất nước, rối loạn điện giải, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Do đó, hy vọng những thông tin chúng tôi cung cấp dưới đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về tiêu chảy.
Tiêu chảy là gì?
Tiêu chảy (ỉa chảy) là một trong những bệnh lý tiêu hóa phổ biến nhất, xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em. Tình trạng được nhận biết dễ dàng bởi dấu hiệu đi ngoài nhiều lần, phân lỏng kèm nước bất thường. Tuy nhiên, người bệnh cần phân biệt rõ với hiện tượng đại tiện nhiều nhưng phân đặc hoặc phân lỏng, dính ở em bé bú mẹ. Cả hai trường hợp này đều không phải là tiêu chảy.
Thông thường, tình trạng có thể phát triển từ nhẹ đến nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng nếu không được kiểm soát kịp thời. Vì vậy, ngay khi nhận biết dấu hiệu rối loạn, người bệnh nên chủ động thăm khám để điều trị sớm, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Triệu chứng đặc trưng của bệnh tiêu chảy
Dấu hiệu phổ biến và đặc trưng nhất của bệnh tiêu chảy là đi ngoài nhiều lần (nhiều hơn 3 lần/ngày), phân lỏng và kèm nước. Bên cạnh đó, những triệu chứng có thể đi kèm với bệnh bao gồm:
- Cảm giác sôi bụng, đầy bụng
- Đi ngoài liên tục, nhiều lần, ban đầu phân lỏng sau chỉ toàn nước
- Nôn
- Mệt lả
- Chuột rút
- Xuất hiện những biểu hiện mất nước: khát nước, da nhăn nheo, khô, cơ thể hốc hác, mắt trũng, mạch đập nhanh, hạ huyết áp, tiểu tiện ít hoặc không tiểu, chân tay lạnh,…
Biện pháp chẩn đoán bệnh tiêu chảy
Khi khám bệnh bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh tật, triệu chứng của tiêu chảy.
Xét nghiệm: Một số loại xét nghiệm mà bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ như sau
- Nuôi cấy phân để kiểm tra vi khuẩn hoặc ký sinh trùng bất thường trong đường tiêu hóa của trẻ.
- Đánh giá phân để kiểm tra tính chất của phân
- Xét nghiệm máu để loại trừ một số bệnh
- Siêu âm để loại trừ các vấn đề bất thường về cấu trúc giải phẫu của hệ tiêu hóa
- Xét nghiệm kiểm tra sự không dung nạp thực phẩm hoặc dị ứng.
- Nội soi đại tràng sigma. Xét nghiệm này cho phép bác sĩ xem toàn bộ khung đại tràng và một phần của ruột con của trẻ tìm ra nguyên nhân gây ra tiêu chảy, đau dạ dày, táo bón, tăng trưởng bất thường và chảy máu.
Trên đây là những chia sẻ về bệnh tiêu chảy thường gặp. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.