Viêm khớp thái dương hàm là một bệnh khá phổ biến, tuy không nguy hiểm nhưng bệnh gây ra các triệu chứng đau nhức hàm, khó mở miệng, làm ảnh hưởng đến khả năng ăn uống từ đó làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Viêm khớp thái dương hàm là gì? Những điều cần biết về viêm khớp thái dương hàm qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Khớp thái dương hàm là khớp động duy nhất của phần sọ mặt, khớp bao gồm diện khớp của xương hàm dưới và diện khớp của xương thái dương cùng các thành phần khác như bao khớp, dây chằng khớp, đĩa khớp, mô sau đĩa. Khớp thái dương hàm có vai trò quan trọng, giúp cho hàm đóng, mở để thực hiện các hoạt động như ăn, nói, nuốt,…
Viêm khớp thái dương hàm (còn gọi là rối loạn khớp thái dương hàm, viêm khớp hàm thái dương) là bệnh lý rối loạn khớp hàm và các cơ mặt xung quanh dẫn đến tình trạng đau có chu kỳ, co thắt cơ, mất cân bằng khớp nối giữa xương hàm và xương sọ, chức năng của khớp thái dương hàm bị suy giảm làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Triệu chứng
Viêm khớp thái dương hàm có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên. Phần lớn người bệnh chỉ đau nhẹ và tự khỏi, nhưng đôi khi bệnh sẽ phát triển đến giai đoạn đau liên tục, dữ dội, nhất là khi ăn nhai.
Các triệu chứng của viêm khớp thái dương hàm có thể được tóm tắt như sau:
- Mỏi cơ khi ăn nhai, há miệng
- Đau các cơ nhai: đau vùng góc hàm, đau vùng thái dương, đau vùng dưới hàm
- Đau khớp thái dương hàm: đau vùng trước tai, đau trong tai
- Có thể đau các cơ vùng gáy, vùng cổ hay cánh tay
- Há miệng có tiếng kêu “lộp cộp”
- Há miệng hạn chế, há miệng lệch
- Ăn nhai khó
- Có thể đau các răng, nhất là răng cối
- Có thể nổi hạch ở một hoặc hai bên
- Có thể phì đại cơ nhai ở bên khớp bị viêm làm mặt phình to, mất cân đối.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm khá đa dạng, bao gồm:
- Chấn thương: Người bệnh có thể bị tai nạn, té ngã khi lao động hoặc chơi thể thao khiến vùng khớp thái dương hàm bị va đập mạnh. Ngoài ra, động tác há miệng quá rộng một cách đột ngột (ví dụ như ngáp) cũng có thể gây chấn thương lệch khớp thái dương hàm.
- Viêm khớp dạng thấp: Nguyên nhân này chiếm khoảng 50% trong các trường hợp viêm khớp thái dương hàm. Bệnh viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng đến các khớp vừa và nhỏ trong cơ thể, trong đó có khớp thái dương hàm.
- Thoái hóa khớp: Viêm khớp thái dương hàm do bệnh thoái hoá khớp thường xảy ra ở người cao tuổi, có nhiều khớp xương khác trên cơ thể đã bị thoái hóa.
- Bệnh lý răng hàm mặt: Tật nghiến răng, răng chen chúc, răng khôn mọc kẹt hay ngầm, lệch khớp cắn… cũng có thể dẫn đến viêm khớp thái dương hàm.
Đối tượng nguy cơ
Đối tượng bị viêm khớp thái dương hàm bao gồm
- Người có hàm răng không đều, răng khấp khểnh, răng thưa hoặc thiếu răng.
- Thói quen nghiến răng cũng là một yếu tố tăng nguy cơ mắc phải rối loạn khớp thái dương hàm.
- Bệnh viêm khớp thái dương hàm có thể xảy ra ở tất cả mọi đối tượng, nhưng nữ giới dậy thì và mãn kinh có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn.
Chẩn đoán
Khi có các dấu hiệu được nêu trên, bạn nên đến phòng khám răng hàm mặt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bác sĩ sẽ quan sát, nghe và sờ nắn vùng khớp thái dương hàm của bạn trong các vận động há mở, tới lui và đưa hàm sang bên. Khi phát hiện có vấn đề bất thường, bạn sẽ được cho chụp phim X-quang sọ nghiêng, Conebeam CT, MRI… tùy theo chỉ định của bác sĩ.
Phòng ngừa bệnh
Bạn có thể phòng ngừa viêm khớp thái dương hàm bằng cách áp dụng kết hợp những cách sau đây:
- Tập luyện tư thế hàm khoa học
Bạn nên cử động khớp với tần suất khoa học, cần thực hiện bài tập tư thế hàm khoa học theo khuyến nghị của bác sĩ để tránh bị hạn chế vận động khớp sau này. Hoặc có thể áp dụng phương pháp điều trị cắn khớp răng như đặt mão trên răng, máng chống nghiến răng, sử dụng phương pháp điều trị chỉnh nha để thay đổi vị trí của một số hoặc tất cả các răng.
- Thư giãn, giảm căng thẳng
Thư giãn và giảm căng thẳng giúp phòng ngừa viêm khớp thái dương hàm và nhiều bệnh lý khác. Bạn nên thực hiện những điều sau đây:
-
- Hít thở sâu: Hít vào từ từ bằng mũi, giữ hơi thở trong vài giây, sau đó thở ra từ từ bằng miệng. Lặp lại 5-10 lần.
- Thiền: Ngồi thoải mái, tập trung vào hơi thở và loại bỏ mọi suy nghĩ khỏi tâm trí.
- Yoga: Các tư thế yoga giúp thư giãn cơ bắp và giảm căng thẳng. Bạn có thể tham gia các lớp yoga hoặc tập yoga tại nhà theo video hướng dẫn.
- Tập thể dục: Hoạt động thể chất giúp giải phóng endorphin, hormone giúp cải thiện tâm trạng. Hãy đi bộ, chạy bộ, bơi lội, hoặc tập bất kỳ môn thể thao nào yêu thích.
- Dành thời gian cho sở thích: Làm những việc yêu thích giúp giải tỏa căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
- Giao tiếp xã hội: Giao tiếp với bạn bè, gia đình hoặc tham gia các hoạt động xã hội giúp giảm căng thẳng và tăng cường sự hỗ trợ tinh thần.
- Xông tinh dầu: Một số loại tinh dầu như hoa oải hương, hoa cúc, cam bergamot có tác dụng thư giãn và giảm căng thẳng.
- Xoa bóp, massage hàm:
Xoa bóp, massage khu vực xung quanh khớp thái dương hàm để làm giảm sự căng cứng của cơ và tăng cường lưu thông máu đến khu vực này là cách phòng bệnh hiệu quả. Bạn có thể massage nhiều lần trong ngày, kiên trì thực hiện để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Điều trị như thế nào?
Điều trị dùng thuốc:
Chủ yếu để giảm triệu chứng, bao gồm các loại thuốc sau:
- Thuốc giảm đau và kháng viêm
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng dùng với liều thấp có thể giúp giảm đau, kiểm soát tật nghiến răng và mất ngủ.
- Thuốc giãn cơ có thể dùng vài ngày hoặc vài tuần giúp giảm đau do các cơn co thắt cơ vùng khớp thái dương hàm.
Trị liệu không dùng thuốc:
- Đeo máng nhai: Một khí cụ mềm dẻo đặt giữa hai hàm răng, thường được làm bằng nhựa trong suốt, giúp thư giãn và định vị lại khớp.
- Vật lý trị liệu: Bao gồm các biện pháp massage, chườm ấm, chiếu tia hồng ngoại nhằm tăng tuần hoàn vùng khớp và cải thiện triệu chứng đau. Ngoài ra, các bài tập vận động và phục hồi chức năng hàm dưới đóng vai trò quan trọng ở những bệnh nhân rối loạn khớp thái dương hàm đã điều trị phẫu thuật can thiệp khớp.
- Tư vấn tâm lý: Nhằm loại bỏ các thói quen xấu như nghiến răng, chống cằm, cắn móng tay…
Thủ thuật hoặc phẫu thuật:
- Nắn chỉnh khớp thái dương hàm là thủ thuật đưa lồi cầu định vị trở lại trên đĩa khớp trong trường hợp mới bị há miệng hạn chế lần đầu trong thời gian không quá 3 tuần.
- Mài chỉnh hoặc tái tạo khớp cắn bằng phục hình, niềng răng, phẫu thuật chỉnh hình xương, giúp cải thiện tiếp xúc răng và vận động hàm.
- Phẫu thuật nội soi khớp thái dương hàm khi không đáp ứng với điều trị bảo tồn.
- Phẫu thuật thay khớp thái dương hàm là giải pháp cuối cùng khi tất cả các phương pháp điều trị khác đều thất bại.
Trên đây là một số chia sẻ về Viêm khớp thái dương hàm. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn và gia đình của bạn.