Diệp hạ châu là loài thực vật được sử dụng trong y học từ rất lâu đời. Mỗi bộ phận của thảo dược chứa các thành phần khác nhau và đều có tác dụng làm thuốc. Tuy nhiên thực tế đây có phải là loại dược liệu có thể dùng nhiều liên tục được không? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để giải đáp câu hỏi trên cũng như tìm hiểu thêm về loại cây này.
Giới thiệu chung về cây diệp hạ châu
Cây Diệp hạ châu mọc hoang ở nhiều vùng miền trên nước ta. Loài cây này có sức sống mạnh mẽ, có thể chen chúc cùng lúc với đám cỏ dại ở các kẽ nứt trên lề đường. Cây nổi danh với khả năng hỗ trợ điều trị về gan, nhất là viêm gan B và thảo dược còn có thể hỗ trợ tiêu mỡ máu. Đây là loại dược liệu dân gian dễ tìm, đem đến nhiều tác dụng quý cho sức khỏe.
Cây diệp hạ châu
Diệp hạ châu là cây gì?
Diệp hạ châu (Phyllanthus amarus Schumach & Thonn) hay còn có tên gọi là cây chó đẻ răng cưa, cây cam kiềm, thuộc họ Thầu Dầu (Euphorbiaceae). Cây có chiều cao khoảng 30-70cm, mang nhiều cành nhỏ, màu hơi tím. Lá cây mọc so le, xếp thành hai dãy sát nhau dạng lá kép lông chim. Phiến lá có dạng thuôn, bầu dục hay trái xoan ngược, dài từ 0,5 đến 1,5cm, đầu nhọn hay hơi tù, màu xanh sẫm ở mặt trên, xanh nhạt ở mặt dưới, không cuống hoặc có cuống rất ngắn. Hoa diệp hạ châu có màu trắng mọc ở dưới lá. Quả nang hình cầu, nằm sát dưới lá.
Diệp hạ châu là cây ưa sáng, ưa ẩm và có thể sống trong môi trường thiếu ánh sáng. Cây thường mọc lẫn với các cây khác ở các bãi cỏ, nương rẫy, vườn nhà hoặc đôi khi ở vùng đồi núi.
Thành phần hoá học
Thành phần hoá học của Diệp Hạ Châu bao gồm các hoạt chất
- Lá Diệp hạ châu đắng chứa: Phyllanthin
- Lá khô chứa: hypophyllanthin, phyllanthin
- Trong cây có niranthin, nirtetralin, phylteralin.
Ngoài ra còn có các thành phần hoá học khác
- Flavonoid
- Alkaloid phyllanthin
- Quercitrin
- Rutin
- Các acid hữu cơ
Cây diệp hạ châu có mấy loại?
Diệp Hạ Châu thuộc chi Phyllanthus và không phải chỉ có một loại duy nhất. Thông thường chúng ta rất dễ nhầm lẫn giữa Diệp hạ châu đắng và Diệp hạ châu ngọt. Hai loại cây này có công dụng hoàn toàn khác biệt nhau nhưng với vẻ ngoài nhiều điểm chung nên khó phân biệt.
- Diệp Hạ Châu ngọt (Phyllanthus urinaria): có màu đỏ, phần gốc xanh đậm, cuống phân bố đều trên thân, quả sần sùi có nhiều nốt như mụn nhỏ li ti. Phiến lá Diệp hạ châu ngọt dài và dày hơn Diệp hạ châu đắng, sắc xanh cũng đậm hơn, khi nhai có vị ngọt. Dược tính kém hơn loại đắng nên ít được khai thác chữa bệnh mà cây thường chỉ được sử dụng làm nước pha trà uống.
- Diệp Hạ Châu đắng (Phyllanthus amarus): thường có màu xanh, có phân nhánh ở dưới gốc, cành lá khá thưa, ít nhánh, có phiến ngắn không dày, mỏng cỡ tờ giấy màu xanh nhạt. Khi nhai có vị đắng. Có dược tính cao hơn Diệp hạ châu ngọt, thích hợp dùng thuốc, nhất là cho người có các vấn đề về gan. Đông y nhìn nhận Diệp hạ châu đắng có vị đắng, tính mát được dùng để thông huyết, điều kinh, lợi tiểu, tán ứ, tiêu độc, sát trùng, thông sữa,.,
Diệp hạ châu đắng
Bật mí 8 tác dụng của cây diệp hạ châu
Chúng ta phải công nhận rằng Diệp hạ châu mang đến rất nhiều công dụng quý cho sức khỏe. Vậy Diệp hạ châu có tác dụng gì?
- Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường: Các chất chống oxy hóa trong Diệp hạ châu có tác dụng kiểm soát đường huyết và cải thiện lượng đường trong máu lúc đói, có ích trong việc duy trì đường huyết ổn định.
- Ngăn ngừa lở loét, chữa các bệnh dạ dày: Nghiên cứu cho rằng dịch chiết của diệp hạ châu làm giảm tiết acid dạ dày, chống viêm. Từ đó giúp làm giảm các vết loét và cải thiện tình trạng viêm loét dạ dày .
- Hỗ trợ điều trị bệnh về đường tiêu hoá, kích thích ăn ngon miệng: Diệp hạ châu có thể kích thích ăn ngon, hỗ trợ điều trị các bệnh về đường tiêu hoá như kiết lỵ, táo bón, viêm đại tràng, đau dạ dày, rối loạn tiêu hoá,..
- Chống oxy hóa và bảo vệ gan: Diệp Hạ Châu được cho là có tác dụng hỗ trợ, bảo vệ chức năng gan. Trong một nghiên cứu cho thấy Diệp Hạ Châu đắng ức chế DNA Polymerase ở virus viêm gan B và các virus có liên quan khác. Bên cạnh đó hoạt chất Carbon tetrachloride ở trong cây Diệp hạ châu cũng có tác dụng làm giảm hàm lượng collagen trong máu và làm giảm mức độ xơ gan ở động vật điều trị so với đối chứng. Hoạt chất lignan phyllanthin và hypophyllanthin chứa trong cây Diệp hạ châu giúp bảo vệ gan hiệu quả khỏi những tổn thương do những tác nhân độc hại và có tác dụng giảm sự tích tụ chất béo trong gan.
- Chống viêm: Thành phần hoạt chất trong Diệp Hạ Châu có khả năng kháng viêm và giúp giảm viêm, giảm sưng tấy trong cơ thể. Năm 2017, một nghiên cứu khác trên chuột cống cũng đã cho thấy khả năng chống viêm được nhận xét là có mức độ tương đương với hoạt chất giảm đau ibuprofen của diệp hạ châu.
- Hỗ trợ điều trị bệnh nhiễm trùng: Nghiên cứu năm 2012 người ta đã phát hiện ra rằng chiết xuất Diệp hạ châu có tác dụng kháng khuẩn chống lại vi khuẩn H.Pylori và có thể tiêu diệt Helicobacter pylori (HP) gây các bệnh viêm loét dạ dày. Hạn chế sự sinh trưởng và phát triển của các loại vi khuẩn này trong đường tiêu hóa.
- Giúp lợi tiểu: Nghiên cứu năm 2018 đã phát hiện ra cây Diệp hạ châu tác động lên Prostaglandin E2 làm thúc đẩy bài tiết Na+ và nước qua thận. Diệp hạ châu cũng là một phương thuốc dân gian để lợi tiểu và trị phù thũng.
- Ngăn ngừa các bệnh sỏi đường tiết niệu: Một số bộ tộc thổ dân Nam Mỹ, những vị pháp sư đã sử dụng Diệp hạ châu để chữa sỏi mật và đặt tên cho dược liệu này là cây Tán Sỏi. Theo một nghiên cứu khác, hoạt chất alkaloid của Diệp hạ châu có tác dụng chống co thắt cơ vân, cơ trơn, ngăn ngừa sỏi thận hình thành bằng cách không cho các tinh thể hình thành từ đó hỗ trợ điều trị sỏi thận, sỏi mật. Chính vì vậy mà dược liệu này được xem là phương pháp chữa sỏi thận, sỏi mật tiềm năng.
Diệp hạ châu chống oxy hóa và bảo vệ gan
Cách sử dụng cây diệp hạ châu
Diệp hạ châu thường được thu hái quanh năm để làm thuốc. Tuy nhiên nên thu hái tốt nhất vào mùa hè hoặc mùa thu. Sau khi thu hoạch đem về rửa sạch, chế biến thành từng khúc nhỏ tùy vào mục đích sử dụng. Bộ phận thường dùng để làm thuốc là toàn cây bỏ rễ con. Có thể dùng thảo dược ở dạng tươi hoặc khô.
Cách sử dụng Diệp hạ châu: Khi dùng ở dạng bôi hoặc đắp ngoài thì không cần giới hạn liều lượng. Dùng đường uống từ 20-40g từ 5-7 ngày. Nên tham khảo ý kiến của chuyên gia để sử dụng thảo dược an toàn và hiệu quả.
Khi sử dụng diệp hạ châu cần lưu ý điều gì?
Một số bài thuốc từ Diệp hạ châu có thể gây đầy bụng và có khả năng tương tác với các loại thuốc, thực phẩm chức năng khác. Diệp hạ châu có các tác dụng phụ như hạ đường huyết, đi ngoài, đầy bụng, buồn nôn. Cần cẩn thận khi đang sử dụng thuốc điều trị huyết áp.
Mặc dù những thành phần của Diệp hạ châu rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên cần lưu ý khi gặp những vấn đề bất thường cần liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Không nên uống Diệp hạ châu thay thế nước lọc
Câu hỏi liên quan
Uống diệp hạ châu nhiều có tốt không?
Tác dụng của Diệp hạ châu rất nhiều, là thảo dược rất tốt trong việc điều trị bệnh lý nhưng lại không thích hợp để dùng liên tục. Theo các thầy thuốc đông y thì việc dùng diệp hạ châu thường xuyên là sai lầm, đặc biệt là việc dùng uống thay thế nước lọc hàng ngày để mát gan, đẹp da.
Không thể dùng Diệp hạ châu tùy tiện mà cần theo liệu trình cụ thể. Chúng ta có thể dùng từ 5-7 ngày rồi ngưng một thời gian mới bắt đầu liệu trình mới. Với đặc tính mát từ Diệp hạ châu, các chuyên gia khuyến cáo việc lạm dụng thảo dược sẽ gây lạnh gan dẫn tới xơ gan.
Ai không nên sử dụng cây diệp hạ châu?
Ở người tỳ vị hư hàn dễ bị khó tiêu, đầy bụng, sợ lạnh, hay đi đại tiện lỏng nát không nên dùng Diệp hạ châu vì có thể khiến cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Không nên dùng Diệp hạ châu cho phụ nữ đang mang thai và trẻ em dưới 12 tuổi.
Người tỳ vị hư hàn không nên sử dụng Diệp hạ châu
Hầu hết mọi người đều có thể sử dụng Diệp Hạ Châu, nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Khi có những triệu chứng bất thường người bệnh cần đi khám để nhận được chẩn đoán và điều trị từ người có chuyên môn. Việc tự ý dùng Diệp hạ châu để phòng và chữa bệnh là không nên. Đặc biệt không sử dụng thảo dược quá liều vì có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.