Cắt tóc máu cho bé có được cho là có thể giúp tóc mọc nhanh, dày và đẹp hơn theo quan điểm của nhiều người. Tuy nhiên việc cắt tóc máu có ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé hay không? Cùng Pharmacity tìm hiểu thông tin chi tiết qua bài viết sau đây.
Tóc máu là gì?
Tóc máu là lớp tóc đầu tiên của trẻ sơ sinh, đã hình thành từ khi em bé còn trong bụng mẹ. Từ tuần thai thứ 24 trở đi, tóc máu bắt đầu hình thành và tiếp tục phát triển dài ra cho đến khi em bé chào đời.
Thường thì khi bé được 3 tháng tuổi, vùng tóc sau gáy của bé sẽ tự rụng và thay thế bằng tóc mới. Đây là hiện tượng bình thường diễn ra ở trẻ sơ sinh mà bố mẹ không cần phải lo lắng.
Tóc máu có vai trò bảo vệ thóp non nớt của trẻ, giữ ấm phần đầu. Lớp tóc này sẽ dần rụng đi để chuẩn bị cho lớp tóc thực sự sau này.
Tóc máu là gì? Tóc máu là lớp tóc đầu tiên của trẻ sơ sinh
Quan niệm dân gian của việc cắt tóc máu cho bé
Cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh ngày nào tốt? Theo quan niệm dân gian, việc cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh là một cột mốc quan trọng, có thể được thực hiện vào các thời điểm như khi trẻ đầy tháng, sau 3 tháng 10 ngày, 6 tháng sau sinh hoặc sau khi trẻ tròn 1 tuổi.
Thời điểm cắt tóc máu cho trẻ có thể khác nhau tùy thuộc vào quan điểm và suy nghĩ của mỗi gia đình. Một số gia đình chọn cạo tóc máu cho bé ngay từ tháng đầu tiên sau sinh hoặc sau hơn 3 tháng là vì họ tin rằng bé đã trải qua 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ, thì xem như gần đủ 1 năm hình thành và phát triển khỏe mạnh.
Do đó, theo quan niệm này, việc cắt tóc máu cho bé là cách để chứng tỏ bé đã lớn và chính thức bắt đầu cuộc sống bên ngoài bụng mẹ, đồng thời mang lại những điều may mắn cho bé.
Có nên cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh? Khi nào nên cắt tóc máu?
Trên thực tế, việc có nên cắt tóc máu cho bé hay không thường gây ra nhiều tranh cãi. Sự thật là việc cắt tóc máu sớm hay muộn không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Tuy nhiên việc cắt tóc máu sớm cũng không được khuyến khích vì một số lý do sau đây:
- Trong những tháng đầu sau sinh, da đầu và thóp của bé còn non nớt, dễ bị xước hoặc tổn thương khi sử dụng kéo hoặc tông đơ cắt tóc.
- Việc cắt tóc máu có thể làm mất đi lớp bảo vệ tự nhiên của da đầu và thóp của bé, làm cho phần đầu của bé không được giữ ấm tốt và dễ tổn thương hơn.
Do đó, thời điểm thích hợp để cắt tóc máu cho bé thường là sau khoảng 6 tháng, khi bé đã trở nên cứng cáp hơn. Nếu tóc máu không làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bé, thì không cần thiết phải cắt. Chỉ nên tỉa bớt tóc cho bé nếu có những sợi tóc dài gây khó chịu và vướng víu.
Cắt tóc máu cho bé cần được cân nhắc kỹ lưỡng vì vùng đầu của trẻ chưa hoàn thiện
Những lưu ý cần biết khi cắt tóc máu cho bé
Khi quyết định cắt tóc máu cho bé, bố mẹ cần nhờ sự hỗ trợ những người có chuyên môn và kinh nghiệm cắt tóc máu để đảm bảo an toàn. Ngoài ra để đảm bảo quá trình cắt tóc cho bé diễn ra thuận lợi, cần lưu ý một số điều sau:
- Chọn thời điểm thích hợp: Cắt tóc cho bé vào ban ngày thường tốt hơn, thời điểm này bé ít quấy khóc và dễ chịu hơn.
- Chuẩn bị trước khi cắt: Sử dụng dầu gội dịu nhẹ cho trẻ sơ sinh để làm mềm và làm sạch da đầu của bé trước khi cắt tóc để quá trình diễn ra dễ dàng và nhanh chóng hơn.
- Tránh cắt tóc khi bé đang ốm: Khi bé đang quấy khóc, mệt mỏi hoặc mới tiêm vaccine, không nên cắt tóc máu cho bé vì có thể khiến bé bất hợp tác và tăng nguy cơ tổn thương.
- Đảm bảo an toàn: Nếu bé còn nhỏ và chưa thể ngồi vững, đặt bé ngồi hoặc nằm thoải mái trên đùi bạn.
- Đánh lạc hướng sự chú ý của bé: Sử dụng đồ chơi mà bé yêu thích và trò chuyện với bé để làm cho bé quan tâm và không phản ứng tiêu cực khi cắt tóc.
- Nên dùng tông đơ: Ưu tiên sử dụng tông đơ thay vì dao cạo, vì dao cạo có thể nguy hiểm và dễ gây tổn thương ngoài da.
- Tắm bằng nước ấm: Sau khi cắt tóc, hãy cho bé tắm bằng nước ấm để loại bỏ vụn tóc có thể gây ngứa hoặc khó chịu.
Gội đầu cho trẻ sơ sinh bằng nước ấm sau khi đã cắt tóc máu xong
Tóm lại, việc cắt tóc máu cho bé có thể là một truyền thống hoặc quan niệm cá nhân của mỗi gia đình, nhưng không có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng việc này ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Tuy nhiên, bố mẹ cần đảm bảo rằng quá trình cắt tóc máu phải diễn ra một cách an toàn và thoải mái cho bé.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.