Bệnh u nang bạch huyết ở trẻ em là bệnh lý thường xuất hiện ngay sau sinh và tiếp tục khi trẻ được 2 tuổi. Căn nguyên của u bạch huyết ở trẻ em thường liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể và di truyền như hội chứng Down, Turner hoặc hội chứng Noonan. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về U bạch huyết qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
U nang bạch huyết, hay còn gọi là u bạch huyết (lymphangioma), là các khối u lành tính xuất phát từ mạch bạch huyết. Chúng thường chứa dịch bạch huyết, một chất lỏng giàu protein và tế bào miễn dịch. Đây là bệnh thường gặp ở nhi khoa, mặc dù lành tính nhưng có thể tiến triển và xâm lấn tương tự như u ác tính. U bạch huyết thường xuất hiện khi trẻ còn nhỏ và liên quan đến các bất thường về nhiễm sắc thể và di truyền, chẳng hạn như hội chứng Down, Turner và Noonan.
Các u nang này có thể chứa một hoặc nhiều nang nhỏ kết nối với nhau bằng các mạch bạch huyết, và có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trong cơ thể, nhưng thường thấy nhất ở cổ và nách.
U hạch bạch huyết có 3 loại khác nhau:
- Lymphangioma simplex (đơn giản): Gồm các kênh bạch huyết nhỏ và nông, thường xảy ra ở các mạch bạch huyết nhỏ do sự bất thường trong cấu trúc mạch. Khối u nằm trong lớp biểu bì da, xuất hiện dưới dạng cụm mụn nhỏ có màu hồng đến đỏ sẫm và là tổn thương lành tính.
- Cystic hygroma (u nang bạch huyết dạng nang): Là dạng phổ biến nhất, chứa các nang lớn đầy dịch bạch huyết màu vàng chanh, giàu protein. Các u này có nhiều kích thước to nhỏ khác nhau và thường bao gồm nhiều nang kết nối với nhau.
- Cavernous lymphangioma (dạng hang động): Gồm các không gian rộng lớn hơn trong mô bạch huyết, thường xuất hiện từ khi mới sinh. Tổn thương nằm sâu dưới da ở các mạch bạch huyết bị giãn rộng, thường gặp ở vùng cổ, lưỡi và môi. Khối u này nổi gồ lên trên bề mặt da và có xu hướng xâm lấn tổn thương sang các mô xung quanh.
Triệu chứng
Triệu chứng của u nang bạch huyết phụ thuộc vào vị trí và kích thước của khối u, cũng như từng loại u bạch huyết:
- Khối u mềm và sưng: Dễ thấy và sờ thấy, thường không đau.
- Khó thở hoặc nuốt: Nếu u nằm ở vùng cổ hoặc miệng.
- Nhiễm trùng tái phát: Do sự tích tụ dịch bạch huyết.
Tùy thuộc vào từng loại u hạch bạch huyết mà dấu hiệu nhận biết có thể khác nhau:
- U bạch huyết dạng đơn giản: Thường phát triển trên bề mặt da, xuất hiện các cụm mụn nhỏ có màu hồng, đỏ hoặc đỏ sẫm.
- U bạch huyết dạng hang: Thường xuất hiện từ khi mới sinh, vị trí hay gặp ở vùng cổ, lưỡi và môi. Các khối u dạng hang sẽ không xuất hiện rõ trên bề mặt da mà chỉ gồ lên một chút.
Hầu hết các khối u bạch huyết không gây đau, đôi lúc đau nhẹ nhưng không quá ảnh hưởng đến người bệnh. Nếu khối u bạch huyết phát triển lớn tại chân hoặc tay, có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.
Một số triệu chứng đi kèm có thể xuất hiện khi trẻ có khối u bạch huyết: Trẻ quấy khóc, khó ăn, cơ thể yếu ớt, hít thở khó khăn, chảy máu tại vùng có khối u.
Nguyên nhân
Phần lớn các trường hợp u bạch huyết xuất hiện ngay từ khi thai nhi còn trong bụng mẹ, tuy nhiên, triệu chứng không phải lúc nào cũng biểu hiện rõ ràng từ ban đầu. Trong giai đoạn bào thai, sự tắc nghẽn của hệ thống bạch huyết là nguyên nhân chính dẫn đến hình thành các khối u bạch huyết. Tình trạng tắc nghẽn này có thể do nhiều yếu tố, bao gồm tác động từ người mẹ như uống rượu bia quá nhiều hoặc nhiễm virus khi mang thai.
- U nang bạch huyết có thể là hậu quả của các rối loạn di truyền như hội chứng 3 nhiễm sắc thể (13, 18, 21) và hội chứng Noonan, và thường xuất hiện từ những tháng đầu tiên của thai kỳ.
- Một số nghiên cứu cho thấy, nhiều bệnh nhân có khối u bạch huyết dạng nang mắc phải hội chứng Down hoặc hội chứng Turner.
- Một số trẻ sơ sinh được phát hiện có u nang bạch huyết và đã được hút bớt dịch nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn. Các u nang này liên tục được lấp đầy chất lỏng, làm vùng tổn thương lan rộng thêm. Chỉ có phẫu thuật mới có thể loại bỏ hoàn toàn u nang bạch huyết.
Đối tượng nguy cơ
U bạch huyết là một dị tật của hệ thống bạch huyết có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng phần lớn các trường hợp xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh, và thường gặp ở vùng đầu và cổ.
Chẩn đoán
Chẩn đoán u bạch huyết thông thường chỉ cần thông qua thăm khám các triệu chứng lâm sàng có thể xác định được. Tuy nhiên, để phân biệt được loại u hạch bạch huyết hoặc tìm kiếm nhóm hạch bạch huyết nội tạng thì có thể tiến hành thực hiện siêu âm nhằm xác định chính xác vị trí, kích thước và mức độ tổn thương của khối u tới các tổ chức lân cận.
Phòng ngừa bệnh
U bạch huyết bẩm sinh thường được chẩn đoán trước sinh trong thời kỳ bào thai qua siêu âm. Mẹ bầu cần đi khám thai thường xuyên, siêu âm thai để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
Ngoài ra mẹ cũng hạn chế tiếp xúc với các chất độc hại như rượu, bia, phóng xạ.. Và bảo vệ sức khỏe của mình thật tốt để tránh nhiễm bệnh.
Điều trị như thế nào?
Đối với khối u bạch huyết ở vùng cổ của trẻ, nếu không gây khó thở, phương án điều trị thường được lựa chọn là tiêm xơ. Tiêm các chất bleomycin vào khối u này có tác dụng làm cháy và tổn thương niêm mạc bên trong của nang bạch huyết. Hiệu quả của tiêm xơ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, đối với những trường hợp đáp ứng tốt sau một lần tiêm xơ, khối u bạch huyết có thể giảm kích thước và tiêu biến hoàn toàn. Tuy nhiên, có những trường hợp khối u cần phải tiêm 2-3 lần để khối u co nhỏ đáng kể trước khi xem xét phương án phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ.
Tiêm xơ mang đến nhiều lợi ích như thực hiện thủ thuật nhanh chóng mà không cần phải lên bàn mổ. Quá trình này giúp giảm kích thước của khối u và cũng làm cho khối u dễ dàng bị loại bỏ toàn bộ khi cần thiết.
Phương pháp phẫu thuật được ưu tiên sử dụng khi khối u nằm ở vị trí có ranh giới rõ ràng và có tiên lượng để loại bỏ hoàn toàn.
Trên đây là những chia sẻ về U bạch huyết. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.