Bệnh tiểu đường tuýp 1 (Type 1 diabetes) là bệnh xuất hiện rất sớm khi còn là trẻ em hoặc thanh thiếu niên nên còn được gọi là tiểu đường vị thành niên. Thống kê cho thấy, bệnh đái tháo đường tuýp 1 ít phổ biến hơn tuýp 2 (5-10% trong số người mắc bệnh đái tháo đường). Cần được chăm sóc và điều trị đúng cách để không dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 1
Dấu hiệu tiểu đường tuýp 1 thường khó phát hiện và tăng dần theo thời gian:
- Khát nhiều
- Nhanh đói
- Khô miệng
- Đi tiểu thường xuyên
- Đau bụng và nôn
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Nhìn mờ
- Mệt mỏi
- Thở nặng, khó khăn (thở kiểu Kussmaul)
- Dị cảm ở da
- Nhiễm trùng da, đường tiết niệu, âm đạo thường xuyên
- Đái dầm ban đêm ở trẻ mà trước đó không có
Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường tuýp 1
Insulin là hormone cần thiết giúp di chuyển glucose vào các mô của cơ thể. Tuy nhiên, khi tế bào beta trong tuyến tụy bị phá hủy khiến cơ thể không còn hoặc chỉ còn rất ít insulin. Điều này dẫn đến việc glucose trong máu không được chuyển hóa thành năng lượng chính là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường tuýp 1, vì vậy người bệnh phải điều trị bằng insulin suốt đời.
Biến chứng của bệnh tiểu đường tuýp 1
Người bệnh nếu không kiểm soát tốt và không được điều trị, chăm sóc đúng cách sẽ dẫn đến các biến chứng tiểu đường tuýp 1 bao gồm:
- Bệnh tim mạch: Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ đông máu, tăng huyết áp và cholesterol. Những vấn đề này có thể gây ra đau ngực, đau tim, đột quỵ hoặc suy tim.
- Vấn đề về da: Những người mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm. Ngoài ra cũng có thể gây ra mụn nước hoặc phát ban.
- Mang thai: Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường loại 1 có nguy cơ sinh sớm, dị tật bẩm sinh, thai chết lưu và tiền sản giật cao hơn.
- Bệnh võng mạc: Vấn đề về mắt này xuất hiện ở khoảng 80% người lớn mắc bệnh đái tháo đường loại 1 sau hơn 15 năm. Hiếm khi xảy ra trước tuổi dậy thì, bất kể đã mắc bệnh bao lâu. Để ngăn chặn và bảo vệ thị lực hãy kiểm soát đường huyết, huyết áp, cholesterol và chất béo trung tính một cách chặt chẽ.
- Tổn thương thận: Khoảng 20% đến 30% những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 mắc bệnh thận và nguy cơ tăng lên theo thời gian. Nhiều khả năng xuất hiện từ 15 đến 25 năm sau khi khởi phát bệnh tiểu đường. Tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề khác nghiêm trọng như suy thận và bệnh tim.
- Lưu lượng máu kém và tổn thương thần kinh: Tổn thương thần kinh và động mạch cứng có thể làm giảm cảm giác và nguồn cung cấp máu đến bàn chân. Điều này làm tăng nguy cơ chấn thương và làm cho vết loét, vết thương khó lành. Trong trường hợp xấu, có thể dẫn đến mất một chi. Tổn thương thần kinh cũng có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa như cảm giác buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.
Kết luận
Tóm lại, tiểu đường tuýp 1 là một bệnh lý nguy hiểm và cần được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, với sự hiểu biết đúng đắn và các biện pháp kiểm soát hiệu quả, người bệnh có thể sống khỏe mạnh và bình thường. Việc duy trì một lối sống lành mạnh, theo dõi chặt chẽ chỉ số đường huyết và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ là những yếu tố then chốt giúp kiểm soát bệnh. Hãy luôn cập nhật kiến thức về tiểu đường tuýp 1 và tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng và các chuyên gia y tế để giảm bớt lo lắng và sống tích cực hơn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.