Viêm âm đạo là tình trạng viêm nhiễm vùng kín mà hầu như chị em nào cũng từng bị ít nhất một lần. Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo bị viêm gây tiết dịch, ngứa, rát và có thể đau. Nó thường là kết quả của nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm. Cùng tìm hiểu yếu tố nguy cơ gây ra bệnh viêm âm đạo ở bài viết dưới đây
Bệnh viêm âm đạo là gì?
Âm đạo là ống nối giữa âm hộ và cổ tử cung. Nói cách khác, âm đạo chính là “đường ống” kết nối tử cung với thế giới bên ngoài.
Viêm âm đạo là tình trạng vi khuẩn có hại sinh sôi trong ống âm đạo của phụ nữ làm cho âm đạo bị viêm nhiễm, tiết ra dịch có mùi khó chịu, gây nên tình trạng ngứa và đau. Đây là một trong những căn bệnh phổ biến ở phụ nữ, chiếm đa số trong các bệnh phụ khoa thường gặp.
Viêm âm đạo có thể gặp ở bất cứ ai, cả trẻ em và người lớn. Những trẻ trong độ tuổi dậy thì, đã có kinh nguyệt và khí hư nhưng chưa quan hệ tình dục vẫn có khả năng bị bệnh phụ khoa. Đặc biệt, ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản, có hoạt động quan hệ tình dục thường xuyên, khả năng viêm nhiễm sẽ cao hơn so với người bình thường.
Viêm âm đạo có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh viêm nhiễm âm đạo có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản tổng thể của người phụ nữ.
Các yếu tố nào gây ra bệnh viêm âm đạo
Viêm âm đạo do vi khuẩn thường
Nguyên nhân thường gặp nhất của viêm âm đạo là do sự thay đổi của vi khuẩn thường trú trong âm đạo dẫn đến sự phát triển quá mức của một vài vi khuẩn khác. Ở điều kiện bình thường, vi khuẩn Lactobacillus (là loại vi khuẩn bảo vệ có lợi) chiếm ưu thế trong âm đạo so với vi khuẩn kỵ khí. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, vi khuẩn kỵ khí phát triển quá mức sẽ gây mất cân bằng hệ vi khuẩn âm đạo, gây ra viêm âm đạo.
Loại viêm âm đạo này liên quan đến quan hệ tình dục, đặc biệt nếu bạn có nhiều bạn tình hoặc có bạn tình mới, nhưng đôi khi bệnh cũng xảy ra ở những phụ nữ không hoạt động tình dục.
Viêm âm đạo do Lậu
Bệnh lậu là một trong những bệnh xã hội có tốc độ lây lan nhanh chóng. Vi khuẩn lậu có tên khoa học là Neisseria Gonorrhoeae hay song cầu trùng Gram có hình dạng như hạt cà phê. Lây lan nhanh chóng qua đường tình dục. Viêm âm đạo do vi khuẩn lậu thường kèm theo viêm âm hộ, viêm cổ tử cung.
Viêm âm đạo do Trichomonas
Trichomonas Vaginalis (ký sinh trùng roi) một loại ký sinh trùng đơn bào cực nhỏ lây truyền qua đường tình dục cũng có thể gây viêm âm đạo. Đây là nguyên nhân gây viêm âm đạo phổ biến thứ hai sau nguyên nhân nấm.
Đường lây truyền chủ yếu là lây qua quan hệ tình dục hoặc đôi khi là trong nước tắm nhiễm ký sinh trùng. Ở nam giới, Trichomonas lây nhiễm qua đường tiết niệu nhưng ít gây triệu chứng. Ở phụ nữ, Trichomonas thường lây nhiễm vào âm đạo và có thể gây ra triệu chứng.
Ở phụ nữ mang thai, nhiễm Trichomonas có thể làm tăng nguy cơ vỡ ối sớm và sinh non.
Viêm âm đạo do Gardnerella vaginalis
Gardnerella vaginalis là vi khuẩn gram âm kỵ khí, có hình que, vốn cũng có mặt thường xuyên trong âm đạo bình thường. Nhưng khi vi khuẩn này phát triển quá mức sẽ gây ra các triệu chứng viêm âm đạo.
Viêm âm đạo do nguyên nhân là nấm men
Nhiễm khuẩn nấm men (Candida), phổ biến nhất là nấm Candida albicans, xảy ra khi loại nấm men này phát triển quá mức trong âm đạo. Nấm men sống ở nhiều nơi và kể cả trong cơ thể. Nó còn gây nhiễm trùng ở niêm mạc miệng, nếp gấp da, các kẽ ngón và niêm mạc da.
Viêm âm đạo do nấm thường gặp ở phụ nữ đang mang thai hoặc người bị tiểu đường, nhất là người bị tiểu đường không kiểm soát bệnh tốt. Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường hoặc bị nhiễm HIV có nguy cơ cao bị tái phát viêm âm đạo do nấm.
Phụ nữ có xu hướng dễ bị nhiễm nấm âm đạo hơn nếu bị căng thẳng do chế độ ăn uống thiếu khoa học, thiếu ngủ hoặc bệnh tật, dùng thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai hoặc thụt rửa quá thường xuyên.
Viêm âm đạo do virus
Virus cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm âm đạo. Loại virus thường gặp nhất là Herpes simplex (HSV), gây ra tình trạng nhiễm trùng herpes. Căn bệnh này có khả năng lây lan qua đường tình dục với triệu chứng đau kèm theo các vết loét ở khu vực âm đạo. Có những vết loét nằm bên trong âm đạo, chỉ có thể nhìn thấy khi khám phụ khoa.
Không chỉ có cơ quan sinh dục, tình trạng viêm “vùng kín” do herpes còn có nguy cơ ảnh hưởng đến miệng – họng nếu người bệnh quan hệ tình dục bằng miệng.
Viêm âm đạo không nhiễm trùng
Thuốc xịt âm đạo, thụt rửa, xà phòng thơm, chất tẩy rửa có mùi thơm và các sản phẩm diệt tinh trùng có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc kích thích các mô âm hộ và âm đạo. Các vật lạ, như giấy lụa hoặc tampon bị lãng quên, trong âm đạo cũng có thể gây kích ứng các mô âm đạo
Viêm âm đạo do thiểu dưỡng ở phụ nữ mãn kinh (teo âm đạo)
Giảm nồng độ estrogen sau khi mãn kinh hoặc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng có thể làm cho niêm mạc âm đạo mỏng, đôi khi dẫn đến kích thích âm đạo, nóng rát và khô.
Đối tượng nguy cơ bệnh viêm âm đạo
Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển viêm âm đạo bao gồm:
- Thay đổi nội tiết tố, chẳng hạn như những người liên quan đến mang thai, thuốc tránh thai hoặc mãn kinh
- Hoạt động tình dục
- Bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục
- Các loại thuốc, như kháng sinh và steroid
- Sử dụng chất diệt tinh trùng để ngừa thai
- Bệnh tiểu đường không được kiểm soát
- Sử dụng các sản phẩm vệ sinh như tắm bong bóng, xịt âm đạo hoặc khử mùi âm đạo
- Thụt rửa
- Mặc quần áo ẩm hoặc chật
- Sử dụng dụng cụ tử cung (DCTC) để ngừa thai
Cách giảm nguy cơ mắc bệnh viêm âm đạo
Để phòng ngừa viêm âm đạo nói riêng và viêm nhiễm vùng kín nói chung, bạn cần thực hiện:
- Tránh tắm bồn, nhất là bồn nước nóng và bồn tạo sóng. Thay vì vậy, hãy tắm bằng vòi hoa sen.
- Xả sạch xà phòng/sữa tắm khỏi vùng kín sau khi tắm. Không sử dụng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh, chẳng hạn như xà phòng có tác dụng khử mùi hoặc kháng khuẩn, gel tắm tẩy tế bào chết dạng hạt…
- Luôn giữ vùng kín khô ráo để tránh kích ứng.
- Lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh: Việc làm này nhằm tránh lây lan vi khuẩn từ hậu môn vào âm đạo.
- Đừng thụt rửa: Vùng kín của phụ nữ không cần biện pháp làm sạch ngoài việc tắm rửa hàng ngày. Việc thụt rửa nhiều lần chẳng những không có ích gì cho tình trạng nhiễm trùng âm đạo mà còn tiêu diệt các sinh vật có lợi cư trú trong âm đạo, đồng thời làm tăng nguy cơ viêm nhiễm vùng kín.
- Sử dụng bao cao su: Cả bao cao su dành cho nam và nữ đều giúp bạn tránh bị nhiễm trùng lây lan khi quan hệ tình dục.
- Mặc đồ lót bằng vải cotton: Nấm men phát triển rất mạnh trong môi trường ẩm ướt. Vải cotton thoáng mát, thấm hút tốt nên sẽ tạo ra môi trường thông thoáng cho vùng kín, hạn chế sự phát triển của nấm và vi khuẩn gây bệnh.
- Ưu tiên chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, giúp bạn ngăn ngừa các bệnh viêm nhiễm, bao gồm cả vùng kín. Vì lẽ đó, muốn tránh khỏi những phiền phức của tình trạng viêm âm đạo, chị em nên tránh sử dụng chất kích thích, hạn chế thức ăn cay nóng và nhiều dầu mỡ… để giúp vùng kín luôn thoáng mát, không tăng bài tiết âm đạo. Thay vào đó, chị em nên tăng cường rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu lợi khuẩn lactobacillus như sữa chua để bảo vệ vùng kín
- Thăm khám sức khỏe định kỳ : các chuyên gia về sức khỏe sinh sản còn khuyên bạn tạo thói quen khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần, nhất là khi bạn trên 40 tuổi, nhằm giúp phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý phụ khoa.