Mang thai và sinh con là hành trình thiêng liêng nhưng cũng đầy thử thách đối với người phụ nữ. Bên cạnh những niềm vui, sự hạnh phúc, nhiều phụ nữ sau sinh phải đối mặt với những thay đổi về tâm lý phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh.
Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng, tuyệt vọng xuất hiện sau sinh. Trầm cảm sau sinh có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài. Bệnh có thể được phát hiện sớm, được điều trị và trong một số trường hợp có thể dự phòng.
Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm sau sinh?
Hiện nay vẫn chưa thể kết luận nguyên nhân chính nào dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Bởi đây là dấu hiệu tâm lý, ở mỗi người sẽ do nguyên nhân khác nhau và có những người bị, có người không. Triệu chứng này là sự kết hợp nhiều yếu tố, từ tinh thần, thể chất, tâm lý gây nên. Có thể kể tên 5 nguyên nhân bên dưới:
- Thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể: Trong những giờ đầu sau sinh, nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể giảm mạnh đột ngột, từ đó có thể kéo theo trạng thái trầm cảm. Điều này tương tự như việc căng thẳng và thay đổi tâm trạng do nồng độ hormone thay đổi nhẹ trước mỗi chu kỳ kinh nguyệt.
- Có bệnh sử bị trầm cảm: Những phụ nữ mắc chứng trầm cảm trước, trong hoặc sau khi mang thai, hay những người đang điều trị trầm cảm có nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh cao hơn so với người bình thường.
- Yếu tố cảm xúc: Mang thai không theo kế hoạch hay mang thai ngoài ý muốn có thể làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người mẹ trong thai kỳ. Ngay cả khi mang thai đúng theo kế hoạch, một số mẹ bầu vẫn cần một khoảng thời gian dài để thích nghi với việc sẽ có em bé. Ngoài ra, khi bé có vấn đề về sức khỏe hoặc phải điều trị dài ngày trong bệnh viện, người mẹ có thể trải qua những cảm xúc như buồn, giận, có lỗi. Đây là những cảm xúc làm ảnh hưởng đến tự tin và gây áp lực lên người mẹ.
- Mệt mỏi: Rất nhiều phụ nữ cảm thấy vô cùng mệt mỏi sau khi sinh, họ phải mất hàng tuần trời để sức khỏe và năng lượng hồi phục trở lại. Ở những sản phụ sinh con theo phương pháp mổ lấy thai, thời gian hồi phục có thể còn dài hơn.
- Yếu tố đời sống: Thiếu sự giúp đỡ của người thân. Trải qua sự kiện căng thẳng như có người thân vừa qua đời, người thân trong gia đình mắc bệnh, thay đổi nơi ở, cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh.
Hậu quả và tác động của bệnh trầm cảm sau sinh đến sức khỏe của mẹ và bé
Đối với sức khỏe của mẹ:
- Ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần: Trầm cảm sau sinh khiến người phụ nữ cảm thấy buồn bã, chán nản, lo âu, mất ngủ, rối loạn ăn uống,… thậm chí có suy nghĩ tiêu cực hoặc tự tử.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất: Mệt mỏi, suy nhược cơ thể, đau nhức đầu, rối loạn tiêu hóa,…
- Gây khó khăn trong việc chăm sóc con cái: Mẹ có thể cảm thấy bực bội, cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn khi chăm sóc con, thậm chí có những hành vi nguy hiểm đối với con.
- Gây tan vỡ hạnh phúc gia đình: Vợ có thể trở nên xa cách với chồng, ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng.
- Nguy hiểm đến tính mạng: Trong những trường hợp trầm cảm nặng, người mẹ có thể có suy nghĩ tự tử hoặc làm hại con.
Đối với sức khỏe của bé:
- Ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần và thể chất của bé: Trẻ có thể chậm phát triển, dễ cáu kỉnh, quấy khóc, thiếu ngủ hoặc gặp các vấn đề về học tập và giao tiếp.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh về tâm lý: Trẻ có nguy cơ cao mắc các rối loạn tâm lý như lo âu, trầm cảm khi trưởng thành.
- Gây ảnh hưởng đến mối quan hệ mẹ – con: Trẻ có thể cảm thấy thiếu sự quan tâm, yêu thương từ mẹ, dẫn đến những tổn thương tâm lý lâu dài.
Các phương pháp điều trị cho người mắc trầm cảm sau sinh
Bệnh trầm cảm sau sinh con nếu ở giai đoạn tạm thời thì sự giúp đỡ của gia đình chính là cách để người mẹ nhanh chóng phục hồi. Ngoài ra, cũng nên chắc chắn là bà mẹ bị trầm cảm sau sinh được bác sĩ điều trị, tuy nhiên, nếu đơn thuốc không phù hợp thì cần phải thay đổi đơn thuốc để nâng cao hiệu quả điều trị.
Hãy có cách ứng xử bình thường với những người bị trầm cảm sau sinh, đừng coi họ như người bị bệnh và hãy giúp họ trông con để họ được nghỉ ngơi thật nhiều và làm những điều mà bản thân cảm thấy thích.
Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị trầm cảm sau sinh con thì điều quan trọng không kém chính là phải duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, vitamin B6 hoặc vitamin tổng hợp trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể điều trị bằng cách tìm đến các chuyên gia tâm lý để có được những buổi nói chuyện thoải mái và bày tỏ nỗi lòng.
Để có được kết quả điều trị tốt nhất thì bản thân người bị trầm cảm sau sinh con cần phải tin tưởng mình sẽ tốt hơn, kiên nhẫn và tin tưởng vào phương pháp điều trị của bác sĩ. Hãy thư giãn và quên đi đau đớn, đừng ép bản thân làm những điều mình không thích hoặc những điều gây khó chịu thì căn bệnh trầm cảm sẽ nhanh khỏi.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.