Từ lâu, bạn đã nghe nói đến thực phẩm chức năng – loại thực phẩm không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng cơ bản mà còn có khả năng phòng ngừa bệnh tật. Điều bạn cần biết bây giờ chỉ là những thông tin đúng về nó để mua được loại thực phẩm chức năng phù hợp.
Tuy không có tác dụng chữa bệnh nhưng thực phẩm chức năng lại giúp tăng cường sức khỏe nhờ chứa các chất chống oxy hóa (beta-caroten, lycopen, vitamin E, vitamin C…), chất xơ cùng nhiều thành phần khác tùy theo loại. Thế nên, nó rất “được lòng” người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm bệnh nhân lớn tuổi hoặc những người có quan niệm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Đáng buồn thay, thị trường thực phẩm chức năng hiện nay đang rơi vào tình trạng hỗn độn, thật giả lẫn lộn. Một số loại được quảng cáo bằng lời lẽ trên mây với tác dụng thần kỳ (như cải lão hoàn đồng, chữa trị tận gốc các căn bệnh lâu năm…). Người nào tỉnh táo thì còn phân biệt được thật giả, còn ai bị đánh trúng tâm lý muốn mau hết bệnh thì nhanh chóng “sập bẫy”. Hậu quả là không ít người tiêu dùng mua phải loại thực phẩm chức năng kém chất lượng, chẳng những không có ích gì cho sức khỏe mà còn gây ra nhiều tác dụng phụ khó lường.
Vậy thì đây, nếu bạn đang hoang mang khi đứng trước “một rừng” thực phẩm chức năng với mục đích tìm được loại phù hợp với mình, hãy đọc và ghi nhớ những lưu ý này:
Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống
Không phải cứ viêm đại tràng là mua thực phẩm chức năng đại tràng, suy gan là uống thực phẩm chức năng gan… Nếu vậy thì còn cần gì tới bác sĩ nữa! Cho nên, đừng vội vàng nạp bất cứ thứ gì vào người khi bạn chưa tham khảo ý kiến chuyên gia. Một buổi nói chuyện với bác sĩ sẽ giúp bạn có câu trả lời cho câu hỏi: “Liệu mình có thực sự cần đến thực phẩm chức năng không? Và nếu có thì loại nào phù hợp với mình?”.
Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, kiểm định của cơ quan chức năng
Bạn đừng ham rẻ mà mua các loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Nhất thiết phải mua ở những đại lý uy tín, thương hiệu có tiếng. Trên bao bì sản phẩm phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ với đầy đủ thông tin về nhà sản xuất (như tên, địa chỉ, số điện thoại, hotline…). Đồng thời, sản phẩm phải qua kiểm duyệt của cơ quan chức năng và hợp pháp về tiêu chuẩn được chính phủ cho phép lưu thông trên thị trường.
Đọc kỹ thành phần, liều lượng sử dụng và khuyến cáo
Cùng là viên uống giúp ngăn ngừa thiếu máu, đột quỵ nhưng mỗi loại thực phẩm chức năng sẽ có thành phần khác nhau. Bạn cần kiểm tra thành phần hoạt chất, giá trị dinh dưỡng của sản phẩm chứ đừng vội chọn mua theo lời quảng cáo. Phải biết được nhu cầu cơ thể để tìm mua những loại thực phẩm chức năng hữu ích, tránh trường hợp “tiền mất tật mang”.
Đối với liều lượng sử dụng, bạn nên bắt đầu với liều lượng thấp để cơ thể nhận được tác dụng chậm, từ từ. Lý do là các loại thuốc có xuất xứ châu Âu thường có liều lượng cao, phù hợp với thể trạng to lớn của người dân nước họ, trong khi người châu Á có thể trạng nhỏ bé hơn. Ngoài ra, còn một thông tin khác cũng cần lưu ý, đó là khuyến cáo khi sử dụng. Hầu hết các loại thuốc nói chung và thực phẩm chức năng nói riêng đều có khuyến cáo không thích hợp với một số đối tượng như huyết áp cao, suy gan, suy thận… Do đó, nếu bạn mắc một chứng bệnh mãn tính, cần đọc kỹ khuyến cáo trước khi mua thực phẩm chức năng.
Để ý phản ứng của cơ thể khi uống
Sau khi uống thực phẩm chức năng một vài giờ, bạn cần để ý xem cơ thể có xảy ra các phản ứng bất thường như ngứa, nổi mẩn, khó thở, buồn nôn… hay không. Nếu có, phải ngưng ngay việc dùng thuốc. Thực tế đã ghi nhận rất nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm chức năng, nhẹ thì mẩn ngứa, khó chịu, nặng thì sốc phản vệ, thậm chí tử vong.
Phải uống thực phẩm chức năng một thời gian dài (ít nhất 4 tháng trở lên)
Không phải ngày một ngày hai mà thực phẩm chức năng phát huy tác dụng. Trước khi quyết định uống loại thuốc này, bạn cần xác định mình phải uống ít nhất 4 tháng để thu về kết quả tốt nhất.
Song nói vậy không có nghĩa là uống thuốc bổ càng lâu càng tốt. Nên uống liên tục từ 4–6 tháng, sau đó tạm ngưng một thời gian trước khi uống trở lại.
So sánh giá thành
Cùng một tên thuốc, thậm chí bao bì y chang nhau nhưng giá thành mỗi nơi mỗi khác. Đó có thể là do một loại được nhập hoàn toàn, còn loại kia là thuốc nội (sản xuất trong nước theo công thức ngoại). Tùy theo túi tiền mà bạn cân nhắc chọn loại vừa tốt mà giá lại phải chăng. Đừng suy nghĩ kiểu: “Thuốc đắt mới tốt”. Trên thực tế, một hộp thực phẩm chức năng đắt đỏ chưa chắc đã tốt hơn những loại thuốc bổ sung có hoạt chất tương tự nhưng rẻ tiền hơn.
Thận trọng khi kết hợp thuốc với thực phẩm chức năng
Một số loại thực phẩm chức năng sẽ bị giảm tác dụng khi dùng cùng lúc với các loại thuốc khác. Chẳng hạn như, thực phẩm chức năng bổ sung canxi, sắt, magie, kẽm có thể làm giảm hiệu quả của thuốc kháng sinh đường uống (doxycyline, tetracycline và các thuốc khác). Hay nhiều loại thuốc bổ có thể tương tác nguy hiểm với thuốc chống đông máu (như warfarin, aspirin), dẫn đến xuất huyết nghiêm trọng.
Chính vì thế, lời khuyên cho bạn vẫn là hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn bổ sung thực phẩm chức năng cùng lúc với các loại thuốc khác.
Thực phẩm chức năng không thể thay thế hoàn toàn nhóm thực phẩm tự nhiên
Đừng thần thánh hóa công dụng của thực phẩm chức năng đến độ coi chúng như thần dược với suy nghĩ: “Chỉ cần uống sản phẩm đều đặn là được, không cần bổ sung thêm thực phẩm nào khác”. Suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Các khuyến cáo cho biết không nên dùng quá nhiều thực phẩm chức năng trong thời gian dài vì có thể gây ra viêm loét dạ dày.
Bên cạnh đó, dù có nhiều công dụng đến mấy thì thực phẩm chức năng cũng không thể đa-zi-năng đến mức thay thế toàn bộ chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Vậy nên, bạn nhất thiết phải xây dựng chế độ ăn uống hợp lý với đầy đủ 4 nhóm chất (bột đường, chất béo, chất đạm và vi chất). Tuyệt đối không được lạm dụng thực phẩm chức năng như một loại thuốc điều trị.
Cuối cùng, hãy quên thuốc bổ đi nếu bạn hoàn toàn khỏe mạnh
Nếu bạn phải dùng bất kỳ một loại thuốc nào, hãy tìm một lý do chính đáng. Điều đó nghĩa là đừng thấy người ta uống thì mình cũng mua về uống bởi “không bổ dọc thì bổ ngang”. Một người hoàn toàn khỏe mạnh thì không cần đến thuốc bổ. Bởi lẽ, dù tốt đến đâu thì thực phẩm chức năng vẫn là một loại thuốc, sẽ ít nhiều tác động đến cơ thể bạn. Chưa kể dùng không đúng cách còn gây ra hậu quả khôn lường.
Kết luận: Tuy được xem là sự giao thoa giữa thuốc và thực phẩm, nhưng thực phẩm chức năng không phải loại thuốc chữa bách bệnh. Những thành phần dinh dưỡng có trong mỗi viên thực phẩm chức năng thực chất đã có mặt trong đại đa số các loại thực phẩm tự nhiên hàng ngày. Như vậy, chỉ cần một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng là bạn đã đáp ứng được nhu cầu cần thiết của cơ thể. Hãy lắng nghe cơ thể mình và tuyệt đối không để hấp lực từ những viên thuốc nhỏ nhỏ xinh xinh kia cám dỗ, bạn nhé!