Ung thư thanh quản là ung thư biểu mô thanh quản, chủ yếu thuộc loại ung thư tế bào vảy, xảy ra khi biểu mô tăng trưởng một cách mất kiểm soát và hình thành khối u. Ung thư thanh quản là bệnh nguy hiểm đối với bệnh nhân. Cùng tìm hiểu thêm các thông tin cần biết về bệnh ung thư thanh quản qua bài viết sau.
Tổng quan chung
Ung thư thanh quản các khối u ác tính xuất phát từ biểu mô thanh quản (gồm ba tầng). Đây là loại ung thư thuộc đường hô hấp trên. Ở giai đoạn phát triển, ung thư có thể xâm lấn các khu vực xung quanh và lan rộng đến các vùng khác của cơ thể.
Ung thư thanh quản được chia làm 5 giai đoạn. Cũng như các loại ung thư khác, dấu hiệu ung thư thanh quản thường có biểu hiện không rõ ràng làm người bệnh dễ bỏ qua. Ung thư thanh quản có thể xâm lấn đến các mô xung quanh và di căn xa theo đường bạch huyết và đường máu, hay gặp nhất là di căn xa đến phổi.
Triệu chứng ung thư thanh quản
Dấu hiệu ung thư thanh quản cần được nhận biết vì ung thư thanh quản có tỷ lệ chữa khỏi lên đến 80% nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm và đa phần các trường hợp phát hiện bệnh muộn thường là do chủ quan. Triệu chứng của ung thư thanh quản phụ thuộc vào kích thước và vị trí khối u, bao gồm:
Triệu chứng cơ năng
- Khàn tiếng: Là triệu chứng sớm và chủ yếu của ung thư thanh quản, biểu hiện giọng khàn, kéo dài và tăng dần, dùng thuốc không đỡ. Tính chất khàn thô, cứng (rè, giọng cứng như gỗ).
- Ho khan, tiếp là ho khạc đờm nhầy lẫn máu.
- Khó chịu ở họng, cảm giác như có dị vật mắc ở họng.
- Rối loạn nuốt: Khi khối u lan ra ngoài thanh quản đến hạ họng, người bệnh có thể bị nuốt vướng, nghẹn, đau.
- Khó thở thanh quản: Xảy khi khối u lan rộng che lấp lòng thanh quản.
Triệu chứng thực thể
Bên cạnh các triệu chứng cơ năng trên, người bệnh còn có thể xuất hiện hạch cổ, sớm thấy nhất ở ung thư thượng thanh môn.
Ung thư thanh quản thường xuất hiện một số triệu chứng cơ năng như khó chịu ở cổ họng, khó nuốt
Nguyên nhân gây ung thư thanh quản
Nguyên nhân ung thư thanh quản hiện nay vẫn chưa được hiểu chính xác. Bất kỳ tác nhân nào làm thay đổi sự tăng trưởng của tế bào biểu mô thanh quản đều có thể dẫn tới ung thư thanh quản. Sự thay đổi trong DNA của tế bào là khởi đầu của một bệnh lý ác tính. Một sự biến đổi của DNA sẽ thay đổi quá trình tăng trưởng tế bào, hầu hết các trường hợp tế bào sẽ sinh sôi mất kiểm soát thay vì chết theo chương trình.
Mặc dù không chắc chắn lý do làm thay đổi DNA của tế bào biểu mô thanh quản nhưng nhiều yếu tố đã được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc ung thư thanh quản như: thuốc lá, rượu, làm việc trong nhà máy hóa chất, mỏ có niken, amiang, đã bị tia xạ vùng trước cổ, nhiễm khuẩn vùng răng miệng, tai mũi họng dai dẳng, thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin, viêm thanh quản mạn tính, tình trạng sừng hóa, bạch sản, u nhú của dây thanh âm.
Ung thư thanh quản được tìm thấy ở đa số ở những người hút thuốc lá
Đối tượng nguy cơ mắc ung thư thanh quản
Mặc dù nguyên nhân ung thư thanh quản vẫn chưa được biết chính xác nhưng những người có các yếu tố sau đây được xếp vào nhóm đối tượng nguy cơ, có khả năng mắc ung thư thanh quản cao:
- Giới tính: nam giới mắc ung thư thanh quản với tỷ lệ cao gấp 4 lần nữ giới.
- Tuổi: tuổi càng lớn nguy cơ mắc bệnh càng cao, đặc biệt ở nhóm những người trên 55 tuổi.
- Dân tộc: người mỹ gốc phi mắc ung thư thanh quản cao hơn người da trắng.
- Nghề nghiệp: làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với niken, acid sunfuric và bụi amiang làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản .
- Hút thuốc lá: cũng như ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư bàng quang, ung thư thực quản, những người hút thuốc lá cũng dễ mắc ung thư thanh quản hơn. Những người hút thuốc lá trên 25 điếu/ngày hoặc kéo dài trên 40 năm có nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao gấp 40 lần so với nhóm người không hút thuốc.
- Rượu: người uống rượu dễ bị ung thư thanh quản hơn, đặc biệt ở những cá nhân vừa hút thuốc lá vừa lạm dụng rượu. Nguy cơ tăng tỷ lệ với lượng rượu uống vào. Uống rượu tăng khả năng mắc ung thư thanh quản lên 3 lần.
Uống rượu làm tăng nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao gấp 3 lần
- Tiền sử: những người mắc ung thư vùng đầu mặt cổ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản . Bố mẹ, anh chị em hoặc con cái được chẩn đoán mắc ung thư vùng đầu mặt cổ cũng làm tăng nguy cơ lên đến 2 lần.
- Chế độ ăn: ăn nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn và các thức ăn chiên rán cùng với sự thiếu hụt vitamin A làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Human papillomavirus (HPV): được cho là làm biến đổi các tế bào biểu bì và biểu mô cơ thể như biểu mô cổ tử cung, hậu môn, miệng và họng. HPV lây truyền qua đường tinh dục, bao gồm cả quan hệ bằng miệng.
Chẩn đoán ung thư thanh quản
Khi có kết quả chẩn đoán ung thư thanh quản, bước tiếp theo, bác sĩ cần phải xác định giai đoạn ung thư để đánh giá xem ung thư đã lan rộng ra khu vực lân cận và có tình trạng di căn xa hay không.
Ung thư thanh quản được phân chia giai đoạn như sau:
-
- Giai đoạn 0: được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ.
- Giai đoạn T1: ung thư đã hình thành ở thượng thanh môn, thanh môn hoặc hạ thanh môn, chưa xâm lấn sang các khu vực khác
- Giai đoạn T2: khối u ở hai dây thanh, có thể lan lên thượng thanh môn hoặc xuống hạ thanh môn.
- Giai đoạn T3: khối u nằm trên thanh quản và có thể phát triển sang các khu vực lân cận (vùng sau thanh quản, vùng cận thanh quản, vùng trước thanh quản hoặc bên trong sụn tuyến giáp).
- Giai đoạn T4: Giai đoạn 4 được chia thành 3 giai đoạn nhỏ hơn là 4A, 4B và 4C.
- Giai đoạn 4A: Khối u đã phát triển qua sụn tuyến giáp và / hoặc lan đến các mô bên ngoài thanh quản (chẳng hạn như tuyến giáp, khí quản, thực quản, cơ lưỡi hoặc cơ cổ). Khối u có thể đã hoặc chưa lan đến hạch bạch huyết ở cùng bên cổ và chưa lan đến các bộ phận xa của cơ thể.
- Giai đoạn 4B: Khối u phát triển vào khu vực phía trước cột sống ở cổ (không gian đĩa đệm), bao quanh động mạch cảnh, hoặc đang phát triển xuống không gian giữa phổi. Ung thư có thể đã hoặc chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận.
- Giai đoạn 4C: Ung thư đã di căn đến các bộ phận xa của cơ thể, chẳng hạn như phổi, gan hoặc xương.
Phòng ngừa bệnh ung thư thanh quản
Ung thư thanh quản là bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa bằng các biện pháp sau:
- Bỏ hút thuốc lá và không sử dụng các sản phẩm thuốc lá không khói khác
- Hạn chế tối đa việc tiêu thụ rượu và các thức uống chứa cồn. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nguy cơ phát triển ung thư thanh quản sẽ giảm đáng kể trong vòng 5 đến 10 năm không sử dụng rượu.
- Sử dụng thiết bị an toàn khi thường xuyên phải tiếp xúc với amiăng hoặc các chất độc khác tại nơi làm việc.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý. Nghiên cứu cho thấy một chế độ ăn uống có nhiều trái cây tươi và rau quả, đặc biệt là cà chua, trái cây họ cam quýt (như cam, bưởi và chanh), dầu ô liu, dầu cá… có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh để phòng ngừa ung thư thanh quản
Điều trị ung thư thanh quản như thế nào?
Việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, vị trí, kích thước khối u và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Các phương pháp điều trị ung thư thanh quản bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.
Ung thư thanh quản được chẩn đoán sớm thường được chỉ định điều trị bằng xạ trị hoặc phẫu thuật.
Nếu ung thư ở giai đoạn nặng, bác sĩ có thể kết hợp cả 3 phương pháp phẫu thuật cắt bỏ (một phần hoặc toàn bộ thanh quản) kết hợp nạo vét hạch, xạ trị và hóa trị để điều trị cho người bệnh.
Trường hợp phải cắt bỏ thanh quản, để giúp bệnh nhân phục hồi giọng nói, bác sĩ có thể tiến hành lắp van thanh âm khí thực quản, tập giọng nói thực quản hoặc lắp thiết bị điện vào cổ họng để tạo ra âm thanh.
Ung thư thanh quản là bệnh nguy hiểm và cần được phát hiện sớm để có thể kiểm soát hoặc đối phó kịp thời, tránh những biến chứng nặng hơn. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy an tâm và nhẹ nhàng hơn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.