Dính thắng lưỡi môi trên là một trong những dị tật bẩm sinh khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vậy biểu hiện trẻ bị dính thắng môi trên là gì? Cùng Pharmacity tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết và cách xử lý kịp thời khi trẻ gặp tình trạng này.
Trẻ bị dính thắng môi trên là gì?
Thắng môi trên, còn được gọi là phanh môi, là một tấm niêm mạc và dải dây chằng nằm giữa chân răng của hai răng cửa hàm trên, tương đương với nhân trung ở phía ngoài. Chức năng của thắng môi là giúp môi trên ôm khít với miệng, tạo nên một nụ cười hài hòa.
Dính thắng môi trên là tình trạng phanh môi ngắn, dày và dính chặt vào phần lợi, gây hạn chế cử động của môi. Đây là một dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng không phải là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu được xử lý kịp thời.
Dính thắng môi trên có thể gây khó khăn trong việc cử động môi của trẻ
Những biểu hiện của dính thắng môi trên
Trẻ bị dính thắng môi trên thường có các biểu hiện sau:
- Trẻ khó thở khi bú mẹ.
- Trẻ gặp khó khăn trong việc ngậm vú và không thể ngậm sâu khi bú.
- Trẻ mệt mỏi và kiệt sức vì phải cố gắng nhiều khi bú.
- Trẻ tăng cân chậm hoặc không tăng cân.
- Bạn phải cho con bú liên tục nhưng trẻ vẫn có dấu hiệu chưa no.
- Trẻ gặp các vấn đề sức khỏe khác như đau bụng, đầy hơi, vàng da,…
- Trẻ hay quấy khóc, gắt gỏng vì bú không đủ lượng sữa.
Trẻ bị dính thắng môi trên có sao không?
Mặc dù dính thắng môi trên là tình trạng không đáng lo ngại, tuy nhiên nếu không được điều trị sớm có thể ảnh hưởng lớn đến việc bú mẹ đồng thời gây ra một số hạn chế trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như:
- Trẻ bú kém: Dẫn đến nguy cơ thiếu chất, cơ thể suy dinh dưỡng, phát triển chậm hơn so với những em bé bình thường.
- Hạn chế khả năng nhai, nuốt: Đặc biệt là trong giai đoạn tập ăn dặm, trẻ gặp khó khăn khi sử dụng thìa.
- Ảnh hưởng đến mẹ: Tình trạng này có thể khiến núm vú mẹ bị ngứa, đau hoặc nứt nẻ, nguy cơ dẫn đến viêm hoặc nhiễm trùng.
- Tính thẩm mỹ: Với trẻ lớn, dính thắng môi có thể ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của nụ cười.
- Khả năng giao tiếp: Dính thắng môi có thể gây khó khăn trong việc phát âm.
- Vấn đề sức khỏe răng miệng: Nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe răng miệng cao hơn do vệ sinh kém, mảng bám tích tụ dẫn đến sâu răng, viêm nướu,…
Trẻ bị dính thắng môi trên thường bú ít hơn bình thường
Cách điều trị dính thắng môi trên ở trẻ
Trường hợp dính thắng môi nhẹ không gây ảnh hưởng hay đau đớn cho trẻ thì có thể không cần can thiệp. Khi trẻ mọc đủ răng vĩnh viễn, các khe răng bị thưa có thể tự đóng khít.
Ngoài ra, mẹ có thể hỗ trợ con bằng cách dùng ngón tay chà xát nhẹ nhàng đỉnh môi của bé và kéo nhẹ môi nhằm giúp trẻ cải thiện khả năng cử động môi trên dễ dàng hơn.
Những trường hợp nặng hơn cần can thiệp y tế, bác sĩ có thể chỉ định tiểu phẫu cắt thắng môi hoặc sử dụng phương pháp laser. Sau phẫu thuật, các bác sĩ sẽ hướng dẫn chi tiết mẹ cách chăm sóc bé để đảm bảo quá trình hồi phục nhanh chóng.
Nếu chưa thể cho trẻ sơ sinh đi phẫu thuật ngay, mẹ có thể hỗ trợ bằng cách chuyển sang cho trẻ bú bình. Trẻ bị dính thắng môi thường sẽ bú bình dễ dàng hơn so với bú mẹ.
Trước khi quyết định phẫu thuật, bố mẹ cần chú ý lựa chọn địa chỉ uy tín để thăm khám và đưa ra cách điều trị phù hợp nhất.
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị dính thắng môi trên
Để chăm sóc trẻ bị dính thắng môi trên một cách tốt nhất, mẹ cần thực hiện những biện pháp sau đây:
- Cho bé bú thường xuyên hơn: Trẻ bị dính thắng môi trên thường bú được rất ít, do đó mẹ nên cho bé khoảng 1 – 2 giờ/lần, để đảm bảo bé không bị đói.
- Cho bé bú đúng tư thế: Khi cho trẻ bú, mẹ cần lưu ý cho bé bú đúng tư thế để tránh tình trạng tắc tia sữa gây ra sưng đau núm vú. Đặt bé sao cho toàn bộ thân bé hướng về phía mẹ, giữ lưng và đầu thẳng.
- Hạ cằm của bé xuống khi cho bú: Dính thắng môi trên gây khó khăn trong việc cử động môi của trẻ, do đó khi cho con bú, mẹ nên hạ cằm của bé xuống để bé ngậm núm vú được sâu hơn và bú sữa dễ dàng hơn.
- Cho bé bú sữa bằng bình: Với những trẻ bị dính thắng môi hoặc vừa trải qua phẫu thuật, mẹ nên vắt sữa bằng tay hoặc máy hút sữa và cho con bú bằng bình sữa để giảm bớt khó khăn cho bé.
- Vệ sinh răng miệng, lưỡi của bé sau khi bú: Sau khi bú mẹ cần làm sạch răng miệng cho trẻ một cách nhẹ nhàng bằng cách dùng khăn mềm ẩm hoặc gạc rơ lưỡi để lau sạch miệng và lưỡi của bé.
Vệ sinh răng miệng cho bé đúng cách bằng khăn mềm hoặc gạc rơ lưỡi
Trẻ bị dính thắng môi trên không chỉ đòi hỏi sự quan tâm và kiên nhẫn mà còn yêu cầu sự hỗ trợ từ phía bác sĩ và gia đình. Bằng cách kết hợp những biện pháp chăm sóc cần thiết, bố mẹ có thể giúp bé phát triển một cách khỏe mạnh nhất.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.