Bệnh viêm võng mạc sắc tố do đột biến gen gây ra, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe thị lực của mọi người. Người bệnh cần được khám và phát hiện sớm bệnh lý cũng như điều trị đúng cách để giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu hơn về viêm võng mạc sắc tố nhé.
Tổng quan chung
Võng mạc là lớp trong cùng của nhãn cầu. Võng mạc được cấu tạo bởi nhiều lớp tế bào (lớp tế bào thần kinh thị giác – lớp biểu mô sắc tố – lớp hắc mạc) Trên võng mạc chứa các tế bào đặc biệt, gọi là tế bào que và tế bào nón. Hai tế bào này có nhận cảm ánh sáng và gửi hình ảnh lên não.
- Các tế bào que dài rất nhạy cảm với ánh sáng, chúng cho phép ta nhìn thấy các vật trong điều kiện thiếu ánh sáng, giúp cho tầm nhìn được xa hơn.
- Các tế bào nón thì ngược lại cần nhiều ánh sáng, nhưng lại cho ta nhận biết các chi tiết rất nhỏ của vật nhìn vào, đảm bảo tập trung thị lực vào một điểm và giúp phân biệt các màu khác nhau.
Bệnh viêm võng mạc sắc tố còn được gọi là bệnh quáng gà là một tập hợp các bệnh có ảnh hưởng tới võng mạc. Bệnh võng mạc sắc tố thường gây phá hủy tế bào que trong võng mạc khiến thị lực bị mất dần dần, cuối cùng có thể dẫn đến mù lòa.
Triệu chứng
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của viêm võng mạc sắc tố có vai trò quan trọng trong việc giúp bác sĩ chẩn đoán sớm bệnh lý và điều trị kịp thời để ngăn ngừa nguy cơ biến chứng xảy ra.
Đối với những bệnh nhân mắc viêm võng mạc sắc tố, các dấu hiệu của bệnh thường xuất hiện trong giai đoạn sơ sinh, trẻ nhỏ. Dần dần, các dấu hiệu sẽ tiến triển nặng và rõ rệt hơn. Bệnh thường diễn tiến nặng, nghiêm trọng khi mọi người đã ở giai đoạn trưởng thành, trong điều kiện không được phát hiện và cũng không được điều trị đúng cách.
Các triệu chứng của bệnh:
- Thị lực suy giảm, đặc biệt là khi người bệnh ở trong môi trường ánh sáng yếu hoặc vào khi trời tối.
- Tầm nhìn ngoại biên bị hạn chế, thậm chí là mất hẳn, luôn có cảm giác mắt nhìn như ở trong đường hầm.
- Mắt nhìn kém nên người bệnh thường xuyên vấp ngã, chấn thương hoặc đi đứng khó vững.
- Một số trường hợp có thể mất tầm nhìn ngoại biên và tầm nhìn trung tâm, mắt không nhìn rõ được vật ở bên ngoài tầm nhìn và trung tâm tầm nhìn.
- Nhiều trường hợp người bệnh nhìn mờ, nhìn màu sắc không chuẩn và có thể chỉ nhìn thấy màu đen trắng.
- Ngoài ra, một số người có thể bị phù hoàng điểm, đục thủy tinh thể dưới bao sau.
Bệnh ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thị lực và luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mù lòa, do vậy mọi người cần đi khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu kể trên để được các bác sĩ chẩn đoán chính xác cũng như đưa ra các giải pháp phù hợp để điều trị kịp thời.
Nguyên nhân
Tình trạng thoái hóa biểu mô sắc tố võng mạc hình thành chủ yếu là do sự đột biến của gen di truyền. Trong đó, di truyền lặn chiếm gần 70%, di truyền trội chiếm khoảng 25%, còn lại là di truyền liên kết nhiễm sắc thể giới tính X. Nếu cả bố mẹ cùng mắc bệnh thì nguy cơ trẻ sinh ra cũng mắc bệnh này khá cao.
Biểu hiện của thoái hóa biểu mô sắc tố võng mạc xuất hiện từ khi trẻ mới ra đời, hoặc có thể xuất hiện muộn hơn ở giai đoạn từ 10-30 tuổi.
Đối tượng nguy cơ
Nếu có bố hoặc mẹ mắc bệnh viêm võng mạc sắc tố thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Bệnh lý này thường gặp ở nam giới hơn là nữ giới.
Chẩn đoán
Một số phương pháp chẩn đoán như:
- Soi đáy mắt
- Điện võng mạc
Nghi ngờ ở những bệnh nhân có quáng gà và tiền sử gia đình. Các bệnh võng mạc khác có thể kích thích viêm võng mạc sắc tố cần được loại trừ bao gồm: giang mai, rubella, ngộ độc phenothiazin hoặc chloroquine và di căn 1 mắt của ung thư ở nơi khác.
Các thành viên gia đình nên được kiểm tra và làm xét nghiệm nếu cần thiết hoặc muốn thiết lập cây phả hệ Bệnh nhân có hội chứng di truyền có thể muốn được tư vấn di truyền trước khi có con.
Phòng ngừa bệnh
Viêm võng mạc sắc tố không thể điều trị dứt điểm và có nguy cơ biến chứng cao. Vì vậy, cách tốt để giảm thiểu sự ảnh hưởng của bệnh chính là xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Mọi người cần:
- Thực hiện các xét nghiệm gen trước khi xác định mang bầu để giảm thiểu nguy cơ trẻ sinh ra có bộ gen đột biến.
- Tầm soát nguy cơ mắc bệnh ở trẻ sơ sinh để bác sĩ có thể đưa ra giải pháp xử trí kịp thời.
- Không sử dụng thiết bị điện tử để làm việc, giải trí trong thời gian quá dài mà cần cho mắt nghỉ ngơi sau khoảng 45 phút làm việc.
- Tránh thức khuya, ngủ không đủ giấc, làm việc quá sức dẫn tới cơ thể bị suy nhược.
- Bổ sung đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể và cho mắt như các loại vitamin A, D, C, E bằng thực phẩm lành mạnh.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn, có gas, chất kích thích có hại cho mắt.
- Vệ sinh mắt khoa học theo chỉ dẫn của bác sĩ nhãn khoa mỗi ngày.
- Khám mắt định kỳ mỗi năm để chủ động kiểm soát sức khỏe thị lực và phát hiện sớm các bệnh lý bất thường.
Bệnh viêm võng mạc sắc tố tuy tỷ lệ người mắc không nhiều nhưng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của mắt. Vì vậy, bất kỳ ai cũng cần có ý thức với việc thăm khám sức khỏe thị lực thường xuyên hoặc khi phát hiện dấu hiệu bất thường để giảm thiểu nguy cơ mù lòa.
Điều trị như thế nào?
- Việc bổ sung vitamin A hàng ngày với liều 15000UI sẽ giúp làm chậm thời gian mù lòa trong viêm võng mạc sắc tố.
- Các nhà khoa học nghiên cứu một số phương pháp điều trị có thể liên quan đến việc cấy ghép võng mạc, cấy ghép võng mạc nhân tạo, liệu pháp gen đã được thực hiện và ghi nhận có hiệu quả điều trị, tuy nhiên hiện chưa phổ biến và chi phí khá cao.
- Ngoài ra, bệnh nhân điều trị viêm võng mạc sắc tố cần đi khám định kỳ và ngay khi có những dấu hiệu bất thường để phát hiện các bệnh lý có thể kèm theo như: tật khúc xạ, đục thể thủy tinh, glôcôm, bong võng mạc… Việc đi khám định kỳ và khám khi có bất thường sẽ giúp điều trị kịp thời, bảo tồn thị lực tối ưu.
Hi vọng với những chia sẻ ở bài viết trên giúp các bạn hiểu hơn về bệnh viêm võng mạc sắc tố.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.