Viêm tá tràng là bệnh lý đường tiêu hóa rất hay gặp ở tất cả lứa tuổi. Tá tràng nằm ở phần đầu ruột non, là một phần của hệ tiêu hóa có vai trò hỗ trợ quá trình phân giải và hấp thụ thức ăn. Viêm tá tràng xảy ra khi niêm mạc của bộ phận này xuất hiện các vết loét và gây nên nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Cùng tìm hiểu các biểu hiện của viêm tá tràng và phòng ngừa tái phát viêm tá tràng ở bài viết dưới đây.
Các biểu hiện của viêm tá tràng
Viêm tá tràng là tình trạng niêm mạc của bộ phận này xuất hiện các vết loét. Lớp niêm mạc bên trong tá tràng có nhiệm vụ sản xuất ra chất nhầy và các loại enzyme nhằm hỗ trợ tiêu hóa. Nếu lớp bảo vệ này thương tổn và bị bào mòn thì sẽ xảy ra tình trạng viêm loét và lộ ra lớp tế bào bên dưới.
Mọi người có thể bị viêm loét dạ dày và tá tràng đồng thời do hai cơ quan này nằm gần nhau. Trên thực tế, nhiều trường hợp viêm tá tràng do trước đó bị viêm loét dạ dày. Viêm tá tràng có thể xảy ra ở mọi đối tượng (kể cả người già hay trẻ nhỏ).
Viêm tá tràng có thể biểu hiện cấp tính hoặc mạn tính. Các trường hợp cấp tính thường xuất hiện đột ngột trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, nếu viêm tá tràng mạn tính, triệu chứng có thể tiến triển từ từ và kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Đa số viêm tá tràng đều có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Ngoài ra, bệnh cũng không gây ra bất kỳ biến chứng lâu dài nào về sau.
Viêm tá tràng là khi xuất hiện các vết loét trên niêm mạc tá tràng
Dấu hiệu nhận biết khi bị viêm tá tràng
Khi bị viêm tá tràng có thể sẽ gây ra nhiều triệu chứng. Tùy thuộc vào tình trạng viêm loét nặng hay nhẹ mà người bệnh sẽ có các biểu hiện khác nhau.
-
Đau vùng thượng vị
Tùy vào mức độ viêm mà cơn đau có thể âm ỉ hoặc đau dữ dội ở vùng thượng vị (vị trí phía trên rốn và dưới xương ức). Nếu vết viêm loét càng nặng thì mức độ đau sẽ càng xuất hiện với tần số dày và gây đau nhiều hơn.
Đau vùng thượng vị là triệu chứng điển hình của viêm loét dạ dày tá tràng
-
Khó tiêu, bụng ậm ạch khó chịu
Khi bị viêm thì chức năng của tá tràng sẽ suy giảm. Từ đó làm cho lượng thức ăn được đưa vào sẽ được xử lý và chuyển hóa rất chậm. Thức ăn cũ không được tiêu hóa hết, bị dồn lại khiến bệnh nhân sẽ cảm thấy đầy bụng, khó chịu.
-
Ợ hơi, ợ chua
Khi lượng thức ăn tồn đọng quá lâu trong dạ dày tá tràng, sẽ bị lên men và hình thành khí. Đồng thời kích thích dạ dày tiết ra nhiều acid dẫn đến tình trạng ợ hơi, ợ chua ở người bệnh.
-
Buồn nôn
Khi dạ dày tá tràng bị viêm sẽ khiến cho chức năng hoạt động của chúng bị suy giảm. Thức ăn khi ăn vào chưa tiêu hóa được hết, dồn lại và bị đẩy lên sẽ gây tình trạng trào ngược dạ dày. Do vậy người bệnh sẽ thường có cảm giác bị buồn nôn.
-
Sụt cân
Dạ dày tá tràng khi bị viêm sẽ hoạt động rất kém, khiến người bệnh sẽ không có cảm giác đói hoặc nếu muốn ăn thì cũng không cảm thấy ngon miệng. Nếu tình trạng chán ăn xảy ra lâu ngày sẽ khiến cơ thể không hấp thụ được chất dinh dưỡng và sụt cân nghiêm trọng.
-
Sốt – một trong những dấu hiệu nhận biết bị tá tràng
Đối với người bệnh bị tá tràng nếu cơ thể xảy ra phản ứng sốt thì điều này chứng tỏ cơ thể và hệ tiêu hóa của bạn đang có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
Nếu bị sốt khi đang bị viêm tá tràng chứng tỏ cơ thể và hệ tiêu hóa đang có nguy cơ nhiễm khuẩn cao
Bên cạnh đó, nếu cơn đau viêm tá tràng xuất hiện đi kèm cùng các triệu chứng nguy hiểm dưới đây thì cần tới ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời:
- Đau bụng liên tục, dữ dội đi kèm với sốt cao.
- Tình trạng nôn liên tục trong nhiều giờ.
- Bị đi ngoài và nôn ra máu.
- Đau bụng dữ dội khi đang mang bầu.
Các yếu tố tăng cường nguy cơ tái phát
Viêm tá tràng có thể do rất nhiều nguyên nhân gây nên. Do vậy nguyên nhân bị tá tràng ở mỗi người là khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh viêm tá tràng và yếu tố tăng nguy cơ tái phát :
Nguyên nhân trực tiếp
Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tá tràng là do một loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori. Một lượng lớn vi khuẩn xâm nhập vào tế bào niêm mạc ruột non của bạn gây tình trạng viêm. Helicobacter pylori có những đặc điểm đặc biệt giúp chúng tồn tại trong nhiều năm trong môi trường axit.
Vi khuẩn Helicobacter pylori là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh dạ dày và trong đó có viêm tá tràng
Yếu tố nguy cơ
- Lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm: Sử dụng các loại thuốc này trong thời gian dài có thể dẫn tới sự ức chế các chất có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày, từ đó gây đau và viêm loét.
- Thường xuyên bị stress, lo lắng, căng thẳng khiến dạ dày bị mất cân bằng các chức năng, dẫn tới tăng tiết dịch vị dạ dày khiến cho lớp niêm mạc bị phá vỡ hàng rào bảo vệ, dẫn tới các tổn thương.
- Do thói quen ăn uống và lối sống sinh hoạt xấu, gây hại cho sức khỏe như: Ăn không đúng bữa, quá đói hoặc quá no, sử dụng các chất kích thích như bia rượu ảnh hưởng tới hoạt động co bóp của dạ dày, tăng tiết dịch vị, tổn thương niêm mạc,….
- Do hoá chất hay các nguyên nhân tự miễn,…
Các biện pháp phòng ngừa và quản lý tái phát
Có tới 80% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Nếu sau khi điều trị khỏi bệnh, bệnh nhân bị tái nhiễm vi khuẩn HP thì viêm loét dạ dày tá tràng sẽ dễ tái phát. Các nguyên nhân gây tái phát viêm tá tràng gồm:
- Bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị
Hầu hết người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng thường không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, hay bỏ dở giữa chừng khi thấy triệu chứng thuyên giảm hoặc tự ý mua kháng sinh để trị bệnh.
Trong khi đó, nếu sử dụng thuốc kháng sinh không đúng phác đồ thì có thể khiến vết loét dạ dày nặng hơn, vi khuẩn HP kháng thuốc kháng sinh, dẫn tới khó điều trị dứt điểm bệnh và khiến bệnh dễ tái phát.
- Lối sống không khoa học
Các thói quen sống không khoa học như ăn nhiều chất chua, cay; ăn uống không đúng giờ; uống nhiều rượu bia; làm việc căng thẳng, hay bị stress,… là nguyên nhân khiến viêm tá tràng thường tái phát.
Biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nguy cơ tái phát viêm tá tràng
- Đi khám bệnh và tuân thủ đúng phác đồ điều trị được bác sĩ chỉ định. Hiện nay, các phác đồ tiêu diệt vi khuẩn HP thường kết hợp nhiều loại kháng sinh để sử dụng trong khoảng 4 – 6 tuần. Người bệnh nên thực hiện điều trị nghiêm túc để loại bỏ hoàn toàn chủng vi khuẩn cứng đầu này, giảm nguy cơ tái phát về sau.
- Sử dụng thuốc đúng liều lượng, đúng loại thuốc kháng sinh mà bác sĩ kê đơn, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về dùng.
- Nếu trong gia đình có người mắc bệnh lý tá dạ dày, tá tràng do nhiễm HP thì song song với việc điều trị HP cho người bệnh, cần kiểm tra nhiễm HP cho mọi thành viên trong gia đình để có biện pháp ngăn ngừa tái nhiễm.
- Nên thường xuyên kiểm tra tình trạng bệnh để có hướng điều trị phù hợp.
- Xây dựng thói quen rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Không sử dụng những thực phẩm chưa được nấu chín kỹ hoặc có dấu hiệu mốc, nhiễm khuẩn, ôi thiu.
- Uống nước sạch, sử dụng nước sạch trong suốt quá trình chế biến thức ăn.
- Ăn chín, uống sôi, tránh dùng chung các dụng cụ ăn uống như chén, bát, đũa, muỗng,…
- Thực hiện thói quen ăn uống lành mạnh. Ăn các khẩu phần vừa phải, ăn nhiều bữa, và thư giãn khi ăn.
- Kiểm soát stress: stress có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của loét dạ dày tá tràng. Cần biết cách đối phó cơn stress bằng nhiều biện pháp như: tập thể dục, dành thời gian cho bạn bè, gia đình, viết nhật ký.
- Không hút thuốc: Thuốc lá làm tăng axit dạ dày, do đó làm tăng nguy cơ phát triển ổ loét, cũng như kéo dài thời gian lành ổ loét.
- Hạn chế hoặc ngừng uống rượu: rượu sẽ gây kích ứng và xoáy mòn niêm mạc dạ dày – ruột, gây nên loét, chảy máu.
- Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ giúp cho hệ thống miễn dịch và giúp bạn chống lại stress. Tránh vừa ăn xong, ngủ liền.
- Thay thuốc giảm đau. Nếu có thể, tránh dùng thuốc chống viêm không steroid – aspirin, ibuprofen, ketoprofen và naproxen. Thay vào đó, thay thuốc giảm đau chứa acetaminophen.
- Tuân thủ khuyến nghị của bác sĩ. Bác sĩ có thể khuyên bạn dùng thuốc giảm độ axit dạ dày hoặc thuốc chẹn axit không cần đơn để ngăn ngừa tái phát viêm dạ dày.
Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng là một “cuộc chiến” dài hơi nên người bệnh cần phối hợp tốt với bác sĩ, có một chế độ sinh hoạt điều độ, khoa học để chữa bệnh triệt để, giảm nguy cơ tái phát.