Người bị bệnh xuất huyết võng mạc cần phải được điều trị sớm để tránh ảnh hưởng xấu đến thị lực. Khi tìm ra nguyên nhân gây bệnh thì quá trình điều trị sẽ trở nên dễ dàng hơn đồng thời hiệu quả điều trị sẽ cao hơn. Vậy nguyên nhân, triệu chứng của xuất huyết võng mạc là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Võng mạc là màng thần kinh lót trong nhất của nhãn cầu, bám dính hắc mạc từ phía trước là vùng Ora serrata đến phía sau quanh bờ dây thần kinh thị, có chức năng chuyển năng lượng ánh sáng thành thị lực rồi gửi thông tin ngược về não qua những dây thần kinh thị giác.
Võng mạc được chia làm 4 lớp:
- Biểu mô sắc tố: chỉ 1 lớp tế bào nằm sát hắc mạc, những tế bào này chứa sắc tố.
- Tế bào thị giác: có 2 loại, tế bào chóp giúp nhìn được các vật trong điều kiện đủ ánh sáng và tế bào que giúp nhìn được trong bóng tối.
- Tế bào 2 cực: làm nhiệm vụ truyền dẫn xung động thần kinh.
- Tế bào đa cực: truyền xung động thần kinh lên đường thần kinh thị giác, các sợi trục của tế bào này tập trung lại thành dây thần kinh thị giác.
Mạch máu nuôi dưỡng võng mạc gồm có:
- Động mạch: Võng mạc nuôi dưỡng nhờ 2 hệ thống động mạch. Lớp biểu mô sắc tố và thị giác do hệ thống động mạch hắc mạc nuôi bằng thẩm thấu. Lớp tế bào 2 cực và đa cực do động mạch trung tâm võng mạc nuôi dưỡng.
- Tĩnh mạch: Các tĩnh mạch trung tâm võng mạc tập trung thành 2 nhánh chui vào đĩa thị theo trục thị thần kinh sau cùng đổ vào tĩnh mạch mắt dưới.
Xuất huyết võng mạc là một trong những biến chứng của một bệnh lý mạch máu võng mạc, xảy ra khi máu không ở trong mạch máu mà thoát ra ngoài võng mạc, gây ảnh hưởng xấu đến chức năng thị lực của mắt như nhìn mờ, đau và đỏ mắt. Tình trạng mờ mắt của bệnh nhân nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng và vị trí xuất huyết.
Triệu chứng
Xuất huyết võng mạc thường có các biểu hiện sau:
- Mắt đỏ, nhìn mờ.
- Thấy mạng nhện, ruồi bay cản trước mắt
- Thấy sương mù hoặc bóng tối.
- Thấy màu đỏ trong tầm nhìn.
- Trong tầm nhìn ngoại vi thấy có ánh sáng lóe lên nhanh chóng.
- Hình ảnh bị bóp méo.
- Đau đầu.
- Thị lực giảm mạnh.
- Đột ngột mù, mất hoàn toàn khả năng nhìn.
Nguyên nhân
Những nguyên nhân gây xuất huyết võng mạc thường gặp nhất là:
- Do bị cận thị nặng: Đây là căn bệnh rất phổ biến ở học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng hay những nhóm đối tượng thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị công nghệ điện tử (như điện thoại, máy tính, tivi,..). Bệnh cận thị có xu hướng ngày càng nặng hơn và có thể dẫn tới tình trạng xuất huyết võng mạc.
- Do mắc bệnh tiểu đường: Bệnh nhân tiểu đường nếu không được điều trị tích cực và kiểm soát bệnh tốt có nguy cơ biến chứng rất cao, trong đó có biến chứng về mắt. Cụ thể, tình trạng tổn thương vi mạch máu, rò rỉ mạch máu ở bệnh nhân tiểu đường có thể dẫn tới thiếu máu võng mạc, tổn thương võng mạc.
- Bệnh tăng huyết áp: các mạch máu nhỏ của người bệnh cũng dễ bị tổn thương. Một trong số đó là tình trạng chảy máu trong mắt khiến thị lực của bệnh nhân bị suy giảm.
- Bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc cũng có nguy cơ vỡ mạch máu võng mạc.
- Trẻ sinh non có thể xảy ra tình trạng mạch máu bất thường lan rộng ở võng mạc và khi vỡ ra gây xuất huyết.
Đối tượng nguy cơ
Các đối tượng sau dễ bị xuất huyết võng mạc cũng như nguy cơ biến chứng cao hơn như:
- Trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non thường có hệ mạch máu non nớt.
- Người bị tắc tĩnh mạch võng mạc.
- Người mắc bệnh tiểu đường
- Người bị tăng huyết áp
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh xuất huyết võng mạc, các bác sĩ sẽ chỉ định một số biện pháp như sau:
- Soi đáy mắt: Đây là phương pháp thường được áp dụng nhiều nhất trong việc chẩn đoán bệnh.
- Chụp mạch huỳnh quang: Với những trường hợp này, các bác sĩ sẽ tiêm thuốc nhuộm huỳnh quang cho bệnh nhân để có thể kiểm tra rõ hơn về tình trạng mạch máu trong võng mạc của người bệnh.
- Kiểm tra thị lực: Bác sĩ sẽ kiểm tra xem bệnh nhân có nhìn rõ không, có thấy dấu hiệu ruồi bay trước mắt, ánh sáng lóe lên hay tình trạng sương mù trước mắt,… hay không?
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa bệnh xuất huyết võng mạc một cách hiệu quả nhất, dưới đây là những điều bạn cần chú ý:
- Trong quá trình học tập và làm việc, thì bạn cần lưu ý những điều sau:
- Ngồi đúng tư thế
- Cung cấp đủ ảnh sáng cho nơi làm việc và học tập
- Hạn chế làm việc liên tục với các thiết bị điện tử
- Nên bảo vệ đôi mắt để tránh cận thị hoặc tránh tăng độ cận.
- Những người bị huyết áp cao và đái tháo đường cần phải kiểm soát tốt các chỉ số sức khỏe, tập thể dục đều đặn, hình thành lối sống thư giãn lành mạnh, giảm áp lực tinh thần và có một chế độ ăn uống hợp lý.
- Phụ nữ mang thai thì cần đảm bảo bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là vitamin và khoáng chất để củng cố cho độ bền của các mạch máu bởi trong thời gian thai kỳ, mẹ dễ bị tiểu đường hoặc gặp các vấn đề về mạch máu.
- Cần theo dõi cẩn thận xuất huyết võng mạc ở trẻ sơ sinh, nhất là đối với trẻ sinh non, cha mẹ cần cho trẻ khám sàng lọc chuyên khoa mắt ngay sau sinh.
Điều trị như thế nào?
- Khi có những triệu chứng nghi ngờ bệnh xuất huyết võng mạc, người nhà cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc các cơ sở uy tín về chuyên khoa Mắt để được chuyên gia xem xét mức độ tổn thương, vị trí xuất huyết võng mạc.
- Bên cạnh đó, việc tìm ra nguyên nhân gây xuất huyết võng mạc cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ cải thiện và phòng ngừa xuất huyết tái phát, hỗ trợ ngăn ngừa cho mắt còn lại.
- Hiện nay ở các nước phát triển, họ tập trung phát triển nhiều kỹ thuật mới để điều trị xuất huyết võng mạc như Laser, vi phẫu mạch máu, thuốc tiêm nội nhãn. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà một trong ba phương pháp trên được sử dụng hoặc cả ba.
- Để chăm sóc mắt tránh nguy cơ bị xuất huyết võng mạc cần bổ sung các dưỡng chất chuyên biệt, điều trị ổn định cao huyết áp, tiểu đường…. giúp bảo vệ thủy tinh thể và võng mạc nhằm cải thiện thị lực.
Hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về bệnh xuất huyết võng mạc.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.