Rối loạn tiền đình ngoại biên là bệnh rất thường gặp với các triệu chứng như chóng mặt, giảm thính lực, buồn nôn, ói mửa,… Rối loạn tiền đình ngoại biên thường xảy ra khi tai trong hoặc dây thần kinh tiền đình bị tổn thương.
Rối loạn tiền đình ngoại biên là gì?
Dựa vào vị trí giải phẫu, rối loạn tiền đình được chia thành 2 loại:
- Rối loạn tiền đình trung ương
- Rối loạn tiền đình ngoại biên: Là loại rất thường gặp, chiếm hơn 90% người mắc bệnh rối loạn tiền đình.
Triệu chứng đặc trưng của rối loạn tiền đình ngoại biên là chóng mặt khi thay đổi tư thế. Bệnh nhân có cảm giác bị dịch chuyển, mọi vật xung quanh xoay tròn hoặc chính bệnh nhân xoay tròn so với những vật xung quanh.
Rối loạn tiền đình ngoại biên là bệnh lành tính, ở dạng nhẹ, triệu chứng chóng mặt chỉ thoáng qua trong thời gian ngắn.
Triệu chứng
Khi bị rối loạn tiền đình ngoại biên nặng, người bệnh sẽ bị chóng mặt dữ dội và kéo dài. Các triệu chứng đi kèm thường là:
- Té ngã có thể xảy ra khi chóng mặt, lúc này có thể bệnh nhân không thể đứng được, không thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi được.
- Buồn nôn, ói mửa xuất hiện và kéo dài
- Giảm thính lực với các triệu chứng như ù tai, đầy tai, điếc đặc
- Có thể xảy ra các rối loạn vận mạch như da tái xanh, vã mồ hôi, giảm nhịp tim.
- Khi khám ghi nhận triệu chứng rung giật nhãn cầu và ngón tay chỉ lệch.
Nguyên nhân
Rối loạn tiền đình ngoại biên thường xảy ra do tai trong hoặc dây thần kinh tiền đình bị tổn thương, các nguyên nhân gây tổn thương bao gồm:
- Viêm tai xương chũm mạn tính
- Viêm mê nhĩ
- Chấn thương
- U dây thần kinh số VIII
- Bệnh Meniere: Thường gặp ở lứa tuổi từ 30 – 50, nguyên nhân do tăng thể tích trong hệ thống nội dịch bởi sự giảm hấp thu và tắc nghẽn trong ống dẫn.
- Viêm dây tiền đình do virus: Các bệnh lý do virus gây ra như zona thần kinh, cảm cúm, thủy đậu có thể gây biến chứng viêm dây thần kinh tiền đình. Cơn chóng mặt có thể chỉ một đợt duy nhất hoặc có thể tái đi tái lại nhiều lần nhưng thường không gây ảnh hưởng đến ốc tai.
- Do thuốc kháng sinh nhóm aminosid: Sử dụng kháng sinh loại này sau khoảng 2 – 4 tuần có thể gây tổn thương vĩnh viễn hai bên mê đạo, khiến người bệnh mất thính giác không thể hồi phục.
- Một số loại thuốc lợi tiểu có thể gây rối loạn tiền đình ốc tai, các rối loạn này có thể hồi phục. Nhưng trong một số trường hợp khi dùng thuốc ở liều cao sẽ không thể hồi phục lại được.
- Các loại thuốc dùng liều cao có thể gây chóng mặt kèm ù tai.
- Do sử dụng quá nhiều rượu
Đối tượng nguy cơ
Bên cạnh các nhóm nguyên nhân chính gây bệnh đã nêu trên, bệnh thường có nguy cơ bộc phát cao ở hai nhóm đối tượng sau:
- Yếu tố tuổi tác: rối loạn tại tiền đình là bệnh lý có thể bắt gặp ở mọi độ tuổi với mọi đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, thực tế nghiên cứu cho thấy rằng rối loạn tại tiền đình thường phổ biến hơn ở nhóm người ngoài độ tuổi trung niên. Sự suy giảm về sức đề kháng, cơ thể bắt đầu lão hóa là nguyên nhân dẫn đến bệnh phổ biến ở nhóm người này.
- Bệnh nhân có tiền sử chóng mặt: theo ý kiến nhận định của nhiều chuyên gia trong cùng lĩnh vực cho biết, những người có tiền sử thường xuyên chóng mặt sẽ có nguy cơ cao bị choáng váng, mất thăng bằng,… Đây được xem là yếu tố thuận lợi dẫn đến hình thành các rối loạn tại tiền đình.
Rối loạn tiền đình là bệnh lý nguy hiểm, có khả năng đe dọa đến sức khỏe và tình mạng của mỗi cá nhân. Do đó, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của cơ thể có nghi vấn đến rối loạn tại tiền đình cần sớm thăm khám để được kiểm tra, điều trị nhằm tránh hậu quả đáng tiếc. Đặc biệt, đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Chẩn đoán
Khám lâm sàng
Tình trạng bệnh có thể được chẩn đoán ban đầu dựa vào các dấu hiệu sau:
- Chóng mặt: cảm giác đồ vật xung quanh quay tròn và thường kèm theo các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như buồn nôn, vã mồ hôi, cảm giác sợ ngã, đặc biệt khó chịu.
- Mất thăng bằng: Mức độ có thể rất mãnh liệt khiến bệnh nhân không thể đứng được thường gặp trong giai đoạn đầu của hội chứng tiền đình ngoại biên hoặc có thể ở mức độ vừa phải được phát hiện thông qua các nghiệm pháp khám như: dấu hiệu Romberg, bước đi hình sao…
- Rung giật nhãn cầu: Là một vận động tự động của cả hai nhãn cầu, đặc trưng bởi sự xuất hiện liên tục có nhịp, khá đều đặn và sự liên tục thay đổi hướng của sự chuyển động xen kẽ nhau…
Xét nghiệm
Dựa vào tình trạng bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm một số kiểm tra cận lâm sàng để củng cố cơ sở chẩn đoán bệnh:
- Các xét nghiệm cơ bản;
- Siêu âm hệ mạch cảnh đốt sống: xác định mảng xơ vữa, bóc tách động mạch gây hẹp mạch, tắc mạch…;
- Chụp CT-Scanner sọ não, MRI sọ não tìm các tổn thương như: U góc cầu tiểu não, TBMM não…
- Đo chức năng tiền đình bằng Ảnh động nhãn đồ (VNG).
Phòng ngừa bệnh
Rối loạn chức năng tiền đình là căn bệnh phổ biến, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phòng tránh bằng những cách đơn giản sau:
- Luyện tập thể dục đều đặn và hợp lý
- Giảm căng thẳng lo lắng
- Tránh đọc sách báo khi ngồi ô tô nên ngồi hoặc nằm ngay xuống khi thấy chóng mặt
- Uống đủ nước mỗi ngày
- Hạn chế sử dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá…
- Đối với những người bị rối loạn tiền đình, cần thận trọng khi hoạt động vùng đầu cổ.
- Không nên quay cổ đột ngột hoặc thay đổi tư thế đứng lên ngồi xuống quá nhanh
- Khi có dấu hiệu của bệnh, nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Điều trị như thế nào?
Nguyên tắc điều trị rối loạn tiền đình ngoại biên là:
- Điều trị rối loạn tiền đình ngoại biên tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh
- Quan trọng nhất là xử trí những cơn chóng mặt cấp, dữ dội, xảy ra phòng đề phòng tai nạn cho bệnh nhân.
Người bệnh cần nằm nghỉ mỗi khi xuất hiện cơn chóng mặt, tránh ánh sáng mạnh và kết hợp sử dụng các thuốc. Các thuốc thường dùng để điều trị là:
- Điều trị chóng mặt: Tanganil (Acetyl DL Leucin) dạng uống hoặc dạng viên, liều dùng tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân.
- Điều trị nôn: Metoclopramide dạng tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.
- Thuốc cải thiện tuần hoàn não: Piracetam dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch chậm 1-4g/ngày, có thể pha ống thuốc vào dung dịch đẳng trương truyền tĩnh mạch nếu dùng liều cao.
- Thuốc an thần kinh: Diazepam 5mg x 1-2 viên/ngày
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh rối loạn tiền đình ngoại biên và những lưu ý để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Khi có dấu hiệu bị rối loạn tiền đình, bạn nên chủ động thăm khám với bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh để được chẩn đoán, xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp, tránh bệnh tăng nặng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.