Mang thai là một quá trình dài, đầy gian nan thử thách của mẹ bầu. Mẹ nào cũng luôn đếm thời gian và mong chờ giây phút được gặp đứa con mình mang nặng đẻ đau. Dưới đây là lưu ý khi mang thai mà bất cứ mẹ bầu nào cũng không nên bỏ qua.
Theo dõi sức khỏe thai nhi và thai phụ
Ngày dự sinh là gì?
Ngày dự sinh (estimated date of delivery – EDD) là mốc thời gian dự kiến mẹ bầu sẽ chuyển dạ để chào đón bé yêu đến với thế giới bên ngoài bụng mẹ. Thông thường, ngày dự sinh sẽ được tính dựa trên ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng ở người phụ nữ.
Tính ngày dự sinh vô cùng quan trọng để theo dõi sát sao sự phát triển của thai nhi, can thiệp sớm những trường hợp quá ngày dự sinh để tránh những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho thai nhi.
Tính ngày dự sinh là cách giúp mẹ bầu chuẩn bị sẵn sàng và kỹ lưỡng mọi thứ để chuẩn bị đón con yêu chào đời
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, giúp bé cưng phát triển tốt nhất khi còn trong bụng mẹ, việc chăm sóc tiền sản đầy đủ và đúng cách là điều vô cùng quan trọng.
Chăm sóc tiền sản là việc chăm sóc sức khỏe trong thời gian mang thai. Điều này sẽ giúp giảm rủi ro trong thai kỳ và tăng cơ hội sinh nở an toàn. Ngoài ra, việc thăm khám tiền sản thường xuyên còn giúp bác sĩ theo dõi thai kỳ, sớm phát hiện các biến chứng trước khi chúng trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để bạn chia sẻ về những băn khoăn, thắc mắc của bản thân trong thời gian mang thai để được bác sĩ giải đáp.
Các bước mẹ cần chuẩn bị để có một thai kỳ khỏe mạnh
Sức khỏe và thể trạng của mẹ khi mang thai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như sự phát triển của thai nhi.
Buổi chăm sóc, thăm khám tiền sản đầu tiên sau khi thụ thai thường sẽ diễn ra lâu nhất. Ở lần thăm khám này, bác sĩ sẽ:
- Xác định ngày dự sinh
- Tìm hiểu tiền sử bệnh của bạn và các thành viên trong gia đình
- Xác định các yếu tố nguy cơ có thể gây biến chứng thai kỳ như tuổi tác, sức khỏe, số lần mang thai, số lần phẫu thuật, các loại thuốc bạn đã và đang sử dụng…
Khám sức khỏe cũng là một phần quan trọng trong lần chăm sóc tiền sản đầu tiên
Bác sĩ sẽ:
- Kiểm tra cân nặng, huyết áp, tim, phổi và vú
- Khám vùng chậu để xác định kích thước tử cung và khung chậu
Ngoài ra, bạn cũng sẽ được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm công thức máu (CBC) để tầm soát các vấn đề về máu như thiếu máu
- Xét nghiệm RPR: sàng lọc bệnh giang mai (một bệnh lây truyền qua đường tình dục)
- Xét nghiệm Rubella: xét nghiệm khả năng miễn dịch chống lại bệnh sởi Đức
- Xét nghiệm HBSAG: xét nghiệm viêm gan B (một bệnh nhiễm trùng gan)
- Phân tích nước tiểu: xét nghiệm nhiễm trùng thận và nhiễm trùng bàng quang
- HIV: sàng lọc các kháng thể trong máu
- Bệnh xơ nang: sàng lọc sự hiện diện của gen CF.
- Xác định nhóm máu và yếu tố Rh * (một kháng nguyên hoặc protein trên bề mặt tế bào máu gây ra phản ứng hệ miễn dịch).
- Xét nghiệm bệnh lậu và chlamydia.
Ở những lần thăm khám tiếp theo, bác sĩ cũng sẽ:
- Kiểm tra cân nặng, huyết áp và lấy mẫu nước tiểu để kiểm tra lượng đường và protein.
- Đo kích thước tử cung để xác định sự phát triển thai nhi (thường bắt đầu từ tuần 16 của hai kỳ).
- Kiểm tra tim thai (bắt đầu từ tuần thứ 10 đến tuần thứ 12 của thai kỳ).
Ở một số bệnh viện, bạn cũng sẽ được gợi ý tham gia các lớp học tiền sản theo từng giai đoạn của thai kỳ:
- Lớp học cho mẹ mang thai từ tháng thứ nhất đến tháng thứ 6: Trang bị cho bạn những kiến thức về các dấu hiệu mang thai, các phương pháp để kiểm tra xem bạn có mang thai hay không, các vấn đề chăm sóc mẹ bầu như dinh dưỡng, tập thể dục, làm đẹp, tâm lý, sự phát triển của thai nhi qua từng giai đoạn và hướng dẫn chi tiết về thai giáo.
- Lớp học cho mẹ chuẩn bị sinh (từ tháng thứ 7 đến tháng thứ 9): Trang bị những kiến thức về chuyển dạ và sinh nở (đẻ thường, đẻ mổ), những chuẩn bị về thể chất, tinh thần để chào đón thành viên mới cũng như hướng dẫn bạn những bước cơ bản để làm quen với bé (cách cho bé bú, thay tã, vệ sinh…)
Mẹ chuẩn bị sinh nên tham gia lớp học tiền sản để được trang bị những kiến thức về chuyển dạ, sinh nở và chăm sóc bé
Lịch khám thai định kỳ cho bà bầu
Ngay từ khi biết mình mang thai, việc khám thai định kỳ rất quan trọng. Mẹ bầu cần nắm rõ lịch khám thai ở các mốc sau:
- Trong 3 tháng đầu (tính từ ngày đầu kinh cuối đến 13 tuần 6 ngày), mẹ bầu cần đi khám 2 lần để xác định tình trạng mang thai, tính ngày dự sinh và làm một số xét nghiệm để đánh giá sức khỏe của cả mẹ và bé.
- Khám lần đầu: trễ kinh 2 – 3 tuần
- Khám lần 2 lúc thai: tuần 11 – 13 tuần.
- Trong đó mốc khám thai quan trọng cần nhớ đi khám sàng lọc dị tật thai nhi là tuần thứ 12.
- Trong 3 tháng giữa thai kỳ (tính từ tuần 14 đến 28 tuần 6 ngày), mẹ bầu cần đi khám thai đều đặn ít nhất mỗi tháng 1 lần. Nếu có biểu hiện bất thường như ra máu, đau bụng thì nên đi khám bác sĩ. Và đừng quên mốc khám thai tuần thứ 22 để xét nghiệm, sàng lọc dị tật thai nhi.
- Đến 3 tháng cuối của thai kỳ (tính từ tuần 28 đến tuần 40) các mẹ đến tái khám theo lịch sau:
- Tuần 29 – 32: khám 1 lần
- Tuần 32 – 35: 2 tuần khám 1 lần
- Tuần 36 – 41: 1 tuần khám 1 lần.
Trong 3 tháng cuối, bác sĩ sẽ xác định ngôi thai, ước lượng cân thai, khung chậu và tiên lượng sinh thường hay sinh khó. Ngoài ra, các bác sĩ sẽ tư vấn cách chăm sóc sức khỏe cho bà bầu đúng cách và an toàn.
Trong trường hợp mẹ bầu có các dấu hiệu bất thường như đau bụng, xuất huyết, ra nước ối,… nên đến bệnh viện để thăm khám ngay.
Khám thai định kỳ giúp mẹ bầu theo dõi và kiểm tra sự phát triển của thai nhi
Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu
Chăm sóc sức khỏe cho bà bầu muốn mẹ khỏe, con phát triển toàn diện thì chế độ dinh dưỡng rất quan trọng. Do vậy dù mới mang thai hay mang thai ở giai đoạn nào mẹ bầu cũng cần đảm bảo dinh dưỡng cân đối, đủ chất hàng tháng. Dưới đây là những thực phẩm nên ăn, nên kiêng các mẹ nên tìm hiểu để chăm sóc thai kỳ tốt nhé.
Thực phẩm nên ăn, nên uống
Ngay từ đầu thai kỳ, mẹ bầu nên bổ sung các thực phẩm dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe và giúp thai nhi phát triển tốt như:
-
- Thực phẩm giàu vitamin A: cà chua, cà rốt, khoai lang, bí ngô, đu đủ…
- Thực phẩm giàu vitamin nhóm B: thịt nạc và các loại hạt ngũ cốc,…
- Thực phẩm giàu sắt: thịt đỏ nạc, trứng gà, thịt gia cầm, các loại rau xanh. Quả nho, quả chuối, …
- Thực phẩm giàu acid folic: bông cải xanh, bí đao, các loại hạt ngũ cốc,…
- Thực phẩm giàu canxi, vitamin D: sữa và các thực phẩm từ sữa, quả kiwi, chuối, ngũ cốc, tôm, cua….
- Bổ sung DHA: cá biển, cá hồi, lòng đỏ trứng, ngũ cốc,…
- Thực phẩm giàu kẽm: thịt đỏ, thịt gia cầm, các loại hạt đậu, các thực phẩm từ sữa, bánh mì, trứng gà, …
- Thực phẩm giàu đạm: đậu nành, bông cải xanh, quả bơ,…
- Các loại trái cây: Chuối, đu đủ chín, nho, táo, dâu tây, cam, bưởi,…
- Bổ sung thuốc uống vitamin, khoáng chất, canxi theo hướng dẫn bác sĩ.
Mẹ bầu cũng cần đảm bảo dinh dưỡng cân đối, đủ chất trong suốt thai kỳ
Thực phẩm nên kiêng ăn, kiêng uống
- Trong quá trình mang thai, mẹ bầu nên kiêng ăn các thực phẩm sau:
- Đồ tái sống.
- Cá chứa hàm lượng thủy ngân cao như: cá thu, cá ngừ, cá kiếm,…
- Thức ăn cay nóng, gây táo bón…
- Thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp.
- Bia rượu, đồ uống chứa cồn
- Nước ngọt, nước có ga.
- Thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ
- Hạn chế ăn các loại trái cây có tính hàn như: dứa, nhãn, vải,…(mẹ bầu chỉ nên ăn một lượng ít).
Lối sống và chế độ sinh hoạt, vận động cho mẹ bầu
Vệ sinh thân thể
Khi chăm sóc sức khỏe cho bà bầu, việc giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ rất quan trọng. Cơ thể sạch sẽ giúp mẹ bầu thoải mái và hạn chế được những bệnh viêm nhiễm. Mẹ cần chú ý tắm rửa sạch sẽ bằng nước ấm, hạn chế tắm bằng nước lạnh. Nên pha vài giọt dầu tràm vào nước tắm khi trời lạnh.
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ hằng ngày bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp. Mẹ bầu cần rửa sạch bầu ngực, vệ sinh núm ti bằng khăn mềm. Nên thay áo ngực khi đổ mồ hôi, nhất là vào mùa hè nắng nóng. Ngoài ra, bạn cần giặt giũ quần áo sạch sẽ, phơi khô ráo. Mặc quần áo rộng rãi và thoải mái.
Chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi
Bạn nên có một chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi phù hợp để có sức khỏe và tinh thần tốt. Nên có lối sống lành mạnh, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi và suy nghĩ nhiều.
Mẹ bầu tránh làm việc quá sức hay mang vác nặng.
Môi trường sống của mẹ bầu cần trong lành, sạch sẽ, không có khói độc hay các chất gây hại. Các ông bố bà mẹ nên hạn chế quan hệ tình dục ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối. Nếu có quan hệ tình dục, vợ và chồng nên có tư thế phù hợp và nhẹ nhàng.
Mẹ bầu nên dành nhiều thời gian thư giãn để thai nhi khỏe mạnh và phát triển tốt
Chế độ tập luyện
Có một chế độ tập luyện phù hợp sẽ giúp mẹ bầu khỏe mạnh và sinh con dễ dàng hơn. Tập thể dục có rất nhiều lợi ích như giúp tinh thần thoải mái, cải thiện giấc ngủ, cải thiện tình trạng táo bón….Từ đó giúp chăm sóc sức khỏe cho bà bầu có đề kháng tốt để bảo vệ thai nhi khỏe hơn.
Bạn nên tập môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga…. Mẹ bầu cần khởi động kỹ trước khi tập luyện. Không tập luyện quá sức và phải bổ sung đủ nước và lượng calo cần thiết cho cơ thể. Mẹ bầu nên duy trì chế độ tập luyện thường xuyên để có hiệu quả tốt nhất.
Chế độ làm việc khoa học
Trong quá trình mang thai, bạn nên làm việc phù hợp với sức khỏe và khả năng của bản thân. Bạn cần sắp xếp lịch làm việc và lịch nghỉ ngơi hợp lý. Mẹ bầu không nên làm việc quá sức, không nên thức khuya.
Trong quá trình làm việc, nếu bạn có dấu hiệu mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng,.. hãy đi khám. Trong tháng cuối của thai kỳ, bạn nên nghỉ ngơi nhiều hơn để sinh con khỏe mạnh.
Tóm lại, khi gần đến ngày dự sinh, thai phụ cần duy trì tinh thần thoải mái, vận động nhẹ nhàng để sinh con dễ hơn. Cần chuẩn bị sẵn các đồ đạc cần thiết cho cả mẹ và bé trong trường hợp thai phụ có dấu hiệu sinh sớm hơn ngày dự sinh. Gia đình nên đồng hành cùng thai phụ trong cả quá trình mang thai và sau sinh. Nếu vào tháng cuối của thai kỳ, thai phụ có những dấu hiệu bất thường, cần nhập viện để bác sĩ thăm khám tránh rủi ro cho cả mẹ và bé.
Thai phụ cần duy trì tinh thần thoải mái và chuẩn bị đồ đạc cần thiết cho cả mẹ và bé trước ngày dự sinh
Kết luận
Chỉ còn ít ngày nữa là bạn sẽ được đón chào thiên thần nhỏ của mình. Hãy tận dụng thời gian này để chăm sóc bản thân thật tốt, từ việc duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý đến việc tham gia các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ hoặc tập yoga. Đừng quên chuẩn bị sẵn sàng các đồ dùng cần thiết cho mẹ và bé, cũng như dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất. Hãy luôn lắng nghe cơ thể mình và đừng ngần ngại chia sẻ những lo lắng với bác sĩ. Chúc bạn một cuộc hành trình đón bé đầy hạnh phúc và an lành!