Mùa hè là thời điểm xảy ra nhiều vụ đuối nước khi tắm sông, suối, hồ, biển… Có nhiều nguyên nhân gây đuối nước như: ngạt nước, do không biết bơi ngã xuống nước, chuột rút,… Hậu quả có thể dẫn tới các di chứng nặng nề hoặc tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Vì vậy, trang bị kiến thức xử trí cấp cứu cho nạn nhân bị đuối nước là điều vô cùng quan trọng.
Cách sơ cứu đuối nước
Ngay khi phát hiện người bị đuối nước, cần khẩn trương đưa người bị đuối nước lên bờ, xác định tình trạng ngừng hô hấp cần tiến hành hồi sinh tim phổi càng sớm càng tốt bằng kỹ năng ép tim và thổi ngạt. Các bước sơ cứu người bị đuối nước:
- Bước 1: Nhanh chóng đưa người bị đuối nước ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.
- Bước 2: Đặt người bị đuối nước nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.
- Bước 3: Nếu người bị đuối nước bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.
Nếu lồng ngực không di động, tức là người bị đuối nước ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim trẻ còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.
Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim người bị đuối nước đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có 1 người.
Tiếp đó, khẩn trương đưa người đuối nước đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị kịp thời, tránh những hậu quả, di chứng nguy hiểm.
Những điều cần tránh khi sơ cứu đuối nước
Sau đây là những điều cần lưu ý khi sơ cứu đuối nước:
- Không được chậm trễ trong cấp cứu người bị đuối nước, thay vì tìm cách gọi xe cấp cứu, tìm cho được đầy đủ các phương tiện cấp cứu… thì phải bằng mọi cách và khả năng hiểu biết cấp cứu nạn nhân ngay.
- Người thân của nạn nhân không được cứu người đuối nước mà phải chờ người khác đưa lên bờ.
- Không nên cố tìm cách cho nước trong phổi nạn nhân chảy hết ra ngoài bằng cách xốc nước (vác nạn nhân chạy vòng vòng cho nước chảy ra) vì như thế sẽ bỏ lỡ thời gian vàng cho việc làm hồi sức cấp cứu tim phổi mà chỉ cần chậm trễ 4 phút thôi là não có nguy cơ bị chết! Trong quá trình hồi sức cấp cứu tim phổi, nước trong phổi sẽ tự động thoát ra ngoài. Nếu là nước sông, hồ thì nước sẽ thấm vào hệ tuần hoàn rất nhanh do hiện tượng thẩm thấu (nước sông có nồng độ loãng hơn máu).
- Khi làm xoa bóp tim ngoài lồng ngực, cần chú ý không quá mạnh vì có thể làm gãy xương sườn nạn nhân, nhất là trẻ nhỏ.
- Với ngạt nước, sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là những yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến sự sống còn và khả năng bị di chứng não của người bị nạn.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ ngạt nước
- Không biết bơi hoặc tự đánh giá cao khả năng bơi lội của mình.
- Các hành vi nhiều rủi ro như tắm sông, chơi ở trên bờ ao hồ…
- Thiếu sự giám sát của người lớn.
- Hạ thân nhiệt dẫn đến suy kiệt nhanh, không đủ sức bơi.
- Không phát hiện được loạn nhịp tim nguyên phát. Ví dụ ngâm mình trong nước lạnh có thể gây ra tử vong ở những bệnh nhân có hội chứng QT kéo dài bẩm sinh type 1.
- Ở trẻ lớn có thể do uống rượu, sử dụng ma túy…
- Chấn thương, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.
- Tăng thông khí trước khi nhảy xuống nước làm giảm PaCO2, trong khi đó PaO2 giảm còn 30 – 40 mmHg do tiêu thụ. Vì PaCO2 giảm nên không kích thích được hô hấp. Điều này gây ra thiếu oxy não, co giật, mất ý thức dẫn đến chết đuối.
Trên đây là những thông tin chia sẻ về Sơ cứu đuối nước. Nếu phát hiện người bị đuối nước, cần sơ cứu đuối nước và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Đồng thời, bà con nên có ý thức tốt về việc phòng tránh đuối nước cho bản thân và gia đình, tránh những trường hợp nguy hiểm xảy ra.