Viêm tai giữa ứ dịch (O.M.E) hay tai giữa không nung mủ là một loại viêm tai giữa màng nhĩ đóng kín. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng ứ dịch trong tai giữa do nhiễm khuẩn hoặc rối loạn chức năng vòi. Dịch trong tai có thể là keo, dịch nhầy hay thanh dịch. Hãy cũng tìm hiểu về Viêm tai giữa ứ dịch qua bài viết này.
Tổng quan chung
Viêm tai giữa ứ dịch là tình trạng viêm niêm mạc tai giữa kèm theo sự có mặt của dịch tiết trong hòm tai, dịch bị ứ phía sau một màng tai không bị thủng. Dịch tai giữa có thể là thanh dịch, dịch nhầy hoặc keo. Dựa vào thời gian của bệnh có thể chia ra thành 3 thể:
- Thể cấp tính xảy trong thời gian ngắn hơn ba tuần
- Thể bệnh bán cấp kéo dài từ 3 tuần đến 3 tháng
- Thể mạn tính kéo dài trên 3 tháng.
Bệnh tiến triển âm thầm, ít triệu chứng nên thường không được phát hiện kịp thời, để lại hậu quả xấu về nghe, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ cũng như khả năng học tập và phát triển trí tuệ ở trẻ. Ba mẹ nên cho trẻ đi khám Tai Mũi Họng và điều trị từ sớm, tránh những hệ quả xấu có thể xảy ra.
Triệu chứng
Nghe kém và đau tai là một trong những triệu chứng điển hình của viêm tai giữa ứ dịch. Ngoài ra, người bệnh thường có những triệu chứng như:
- Ứ dịch trong tai giữa
- Suy giảm, mất thính giác
- Căng thẳng, thường xuyên xao nhãng, chức năng nói, giao tiếp bị ảnh hưởng
- Nặng tai, ù tai khi nuốt
- Một số trường hợp có thể xuất hiện tình trạng đau mắt
- Màng nhĩ bị suy yếu: lớp collagen bị tiêu hủy, màng nhĩ nhũn dần, màng nhĩ bị kéo vào trong..
Nguyên nhân
Bệnh nguyên của bệnh có thể chia thành 2 nhóm: cơ học và chức năng.
- Nhóm nguyên nhân cơ học:
- Khối từ ngoài chèn ép loa vòi: V.A, Amidan quá phát, polype mũi phát triển ra vùng vòm mũi họng, các khối u vùng vòm mũi họng …
- Nguyên nhân tại vòi nhĩ: viêm nhiễm đường hô hấp trên (viêm mũi xoang, viêm VA mạn tính, hội chứng trào ngược…) hoặc chấn thương áp lực dẫn đến tình trạng phù nề, xung huyết, giảm hoạt động lông chuyển, dị sản niêm mạc vòi nhĩ hình thành tổ chức hạt.
- Chấn thương gây sẹo xơ dính vòi nhĩ: thường gặp sau phẫu thuật nạo V.A có làm tổn thương lỗ vòi nhĩ, phẫu thuật chỉnh hình màn hầu lưỡi gà…
- Nhóm nguyên nhân chức năng:
- Dị tật bẩm sinh: hở hàm ếch, hội chứng Down…ảnh hưởng đến sự co cơ căng màn hầu từ đó ảnh hưởng đến sự đóng mở loa vòi.
- Mềm sụn loa vòi: thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Giảm hoạt động hệ thống lông chuyển: do xạ trị, do nhiễm virus, độc tố vi khuẩn, hoặc bất thường cấu trúc lông chuyển di truyền…
- Các yếu tố thuận lợi: dị ứng, các bệnh lý miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải
Đối tượng nguy cơ
Bất kỳ ai cũng có thể bị ứ dịch trong tai nhưng nguy cơ xảy ra ở trẻ em cao hơn. Điều này là do vòi Eustache của trẻ nhỏ hơn và có xu hướng nằm theo hướng ngang hơn so với tai người lớn.
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm tai giữa ứ dịch bằng các phương pháp sau:
- Nội soi tai để phát hiện các thay đổi ở màng nhĩ
- Đo nhĩ lượng để xác định dịch tai giữa
- Đo thính lực (Áp dụng với trẻ từ 4 tuổi và người trưởng thành) để đánh giá mức độ bệnh, theo dõi tiến triển và hiệu quả của việc điều trị.
Phòng ngừa bệnh
Một số cách làm giảm nguy cơ viêm tai có thể áp dụng là:
- Không hút thuốc: nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy nhiễm trùng tai. Hãy đảm bảo rằng các thành viên trong gia đình không có ai hút thuốc trong nhà hoặc trong xe hơi, đặc biệt là khi có mặt của trẻ.
- Kiểm soát dị ứng: tình trạng viêm và chất nhầy do phản ứng dị ứng có thể làm tắc vòi nhĩ, tăng nguy cơ viêm tai.
- Ngăn ngừa cảm lạnh: giảm nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh ở trẻ trong những năm đầu đời. Không cho trẻ dùng chung đồ chơi, thức ăn, cốc uống nước hoặc đồ dùng. Rửa tay thường xuyên. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng tai đều bắt đầu bằng cảm lạnh.
- Để ý tiếng thở bằng miệng hoặc tiếng ngáy: trẻ ngáy liên tục hoặc thở bằng miệng có thể do khối adenoids lớn gây ra, góp phần gây nhiễm.
- Tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ, để trẻ hạn chế mắc bệnh
- Vệ sinh tai thường xuyên
- Khi có bất cứ dấu hiệu bất thường về tai cần đến bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Điều trị như thế nào?
Nguyên tắc điều trị cần phân biệt các căn nguyên của viêm tai:
- Thứ phát sau rối loạn chức năng vòi hoặc tắc vòi nhĩ
- Do yếu tố miễn dịch và nhiễm trùng đóng vai trò chủ yếu
- Do nguyên nhân chảy vòi nhĩ có rối loạn vận mạch, phù nề niêm mạc, tràn dịch và tắc vòi.
Điều trị viêm tai ứ dịch là điều trị toàn diện, kết hợp, nghĩa là điều trị toàn thân, tại chỗ.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc uống bao gồm kháng sinh, thuốc chống phù nề, tiêu dịch nhầy và làm thông thoáng đường thở bằng cách vệ sinh mũi hàng ngày bằng rửa mũi, xịt nước muối biển, sử dụng thuốc co mạch, có thể sử dụng biện pháp thông vòi nhĩ. Nếu điều trị nội khoa thất bại, sẽ được chỉ định phẫu thuật chích rạch mạng nhĩ, nạo VA…
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về viêm tai giữa ứ dịch. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.