Hiện nay, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 13,4%, suy dinh dưỡng thấp còi là 23,8%. Suy dinh dưỡng do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân từ sai lầm trong nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ của cha mẹ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, vận động và trí thông minh của trẻ.
5 sai lầm của mẹ khi nuôi con
Không cho con bú sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn thức ăn tự nhiên tốt nhất cho trẻ. Sữa mẹ có đầy đủ thành phần dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối phù hợp với hệ tiêu hóa và hấp thụ của trẻ. Sữa mẹ còn có kháng thể giúp trẻ tăng cường sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm trùng. Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giảm nguy cơ thiếu dinh dưỡng hoặc thừa dinh dưỡng (suy dinh dưỡng), các bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành, đặc biệt là bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường…
Mặc dù sữa mẹ có nhiều lợi ích cho trẻ, nhưng không phải bà mẹ nào cũng biết và thực hiện. Các yếu tố ảnh hưởng đến nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu thường là: mẹ phải đi làm sớm, bà mẹ nghĩ rằng sữa của mình không tốt bằng sữa công thức, chuộng sữa ngoại, muốn giữ gìn vóc dáng,…
Trẻ phải uống sữa ngoài, ăn dặm trước 6 tháng, vì người mẹ phải đi làm, nên trẻ không có điều kiện được bú sữa mẹ hoàn toàn. Tình trạng quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ (thậm chí cả sữa non) đã tác động khá tiêu cực khiến một số bà mẹ không tin tưởng vào giá trị sữa của mình, hoặc quá chuộng sữa ngoại. Nhiều bà mẹ muốn giữ gìn vóc dáng sau sinh nên đã cho con bú sữa ngoài thay vì bú mẹ. Ngoài ra, một số bà mẹ không biết cách cho trẻ bú đúng cách và bảo vệ nguồn sữa của mình cho con.
Không biết ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn
Ăn bổ sung là hình thức bổ sung thêm thức ăn khác cho trẻ ngoài sữa mẹ. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, thời điểm cho trẻ ăn bổ sung (ăn sam, ăn dặm) là khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (180 ngày). Trẻ sau 6 tháng tuổi, nhu cầu tăng cao sữa mẹ không đáp ứng đủ vì vậy cần bổ sung thêm thức ăn cho trẻ.
Hiện nay vẫn còn bà mẹ quan niệm rằng cho trẻ ăn bổ sung sớm, trẻ sẽ mau cứng cáp hơn và trẻ không bị đói, vì vậy đã cho trẻ ăn bổ sung từ tháng thứ 4, 5 thậm chí không ít trẻ còn được ăn bổ sung từ tháng thứ 3. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tận dụng nguồn sữa mẹ, trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến suy dinh dưỡng. Đặc biệt một số bà mẹ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn cho trẻ ăn cơm nhai, cơm mớm gây mất vệ sinh, thậm chí còn là nguồn lây lan truyền bệnh cho trẻ.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ ăn bổ sung sớm sẽ làm tăng gánh nặng cho bộ máy tiêu hóa, trong khi hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu, sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Thức ăn bổ sung thường tiêu hóa chậm, nên bé sẽ biếng ăn, không đủ chất dinh dưỡng, bé sẽ chậm tăng cân và dễ bị suy dinh dưỡng.
Một chế độ ăn bổ sung phù hợp với trẻ là chế độ ăn phải được thực hiện tuần tự từ các thức ăn lỏng như sữa, chuyển sang bột loãng, bột đặc rồi cháo và cơm.
Ngược lại, khi cho trẻ ăn bổ sung muộn, sữa mẹ không đủ đáp ứng nhu cầu, trẻ cũng sẽ chậm tăng cân. Vì sữa mẹ sau 6 tháng không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng của trẻ, nên cần phải cho trẻ ăn thêm thức ăn bổ sung. Ngoài việc bú sữa mẹ, trẻ cần được ăn thêm ít nhất là 1 – 2 bữa bột trong một ngày và số bữa ăn tùy theo độ tuổi.
Chăm sóc và nuôi dưỡng khi trẻ ốm
Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ trước, trong, sau khi bị ốm rất quan trọng vì sẽ giúp bệnh mau khỏi, mau phục hồi sức khỏe và tăng cường sức đề kháng đối với bệnh tật. Khi trẻ bị ốm: sốt, tiêu chảy… nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cần nhiều hơn bình thường, trong khi đó một số bà mẹ lại có quan niệm sai lầm bắt trẻ phải ăn kiêng khem như: không cho trẻ bú, không cho trẻ ăn dầu hoặc mỡ, không cho trẻ ăn chất đạm, không cho trẻ ăn rau xanh, chỉ cho ăn bột ngọt (đường),…vì sợ trẻ đi ngoài nhiều hơn.
Trẻ bị sốt sẽ mất nước, nhưng không bù nước cho trẻ và uống nước Oresol, bắt trẻ ăn kiêng,… Sau khi khỏi bệnh, không cho trẻ ăn nhiều hơn để trẻ mau chóng phục hồi sức khỏe. Chế độ ăn uống kiêng khem, bữa ăn của trẻ mất cân đối không đủ chất, chính vì vậy trẻ dễ bị nguy cơ suy dinh dưỡng.
Cho trẻ ăn quá nhiều chất bổ dưỡng
Nhu cầu chất đạm của trẻ từ 6 – 11 tháng tuổi là 2 – 2,2 g/kg/ngày hay từ 18 – 20g/ngày (tương ứng với 20 – 30g thịt/bữa). Nhu cầu dầu hoặc mỡ từ 1 – 2 thìa cà phê/bữa và rau xanh 1 – 2 thìa cà phê/bữa. Công thức một bữa bột cua cho trẻ 7 – 9 tháng tuổi gồm: Bột gạo tẻ 4 thìa cà phê, nước lọc cua 1 bát con, mỡ ăn 1 thìa cà phê, rau xanh giã nhỏ 2 thìa cà phê. Trong năm đầu, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ rất cao, cần thiết cho sự phát triển trong khi đó dạ dày của trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa lại còn rất yếu, nếu nuôi dưỡng không tốt rất dễ bị tiêu chảy, kéo theo suy dinh dưỡng, còi xương. Vì vậy, các bà mẹ phải hết sức chú ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong khi lựa chọn thực phẩm, trong bảo quản/chế biến… đồng thời cho trẻ ăn đúng nhu cầu cần thiết, tránh ăn quá nhiều chất bổ dưỡng.
Bữa ăn bổ sung của trẻ phải đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu: nhóm đường bột, nhóm cung cấp chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng. Ăn đủ nhu cầu, cân đối các chất dinh dưỡng giúp cho trẻ phát triển tốt, ngược lại trẻ sẽ bị nguy cơ suy dinh dưỡng nhẹ cân và suy dinh dưỡng thấp còi. Nếu khẩu phần ăn quá nhiều chất đạm, hệ tiêu hóa non nớt phải làm việc mệt mỏi, dễ rối loạn tiêu hóa, gây phân sống, tiêu chảy,..
Nhỏ không được nuôi dưỡng/chăm sóc, lớn lên “nuôi dưỡng/chăm sóc bù”
Do tác động của lối sống hiện đại, các bậc cha mẹ thường không có điều kiện chăm sóc con từ bé, vì họ quan niệm rằng sau này con lớn lên, họ có thể chăm sóc “bù”. Đây là một quan điểm hết sức sai lầm, vẫn còn tồn tại ở không ít phụ huynh, nhất là những gia đình trẻ.
Thực tế khoa học đã chứng minh suy dinh dưỡng trong giai đoạn phát triển quan trọng của con người – trước và trong quá trình mang thai và trong 2 năm đầu đời của trẻ đã lập trình cho mỗi cá nhân trong việc điều tiết tăng trưởng và ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ. Do vậy suy dinh dưỡng đầu đời có thể dẫn đến những tổn thương không phục hồi được đối với sự phát triển của não, hệ miễn dịch và tăng trưởng thể lực. Trẻ có não kém phát triển những năm đầu đời sẽ có nguy cơ về các bệnh của hệ thần kinh sau này: học tập kém, bỏ học sớm hơn, kỹ năng làm việc kém…
Giai đoạn 1.000 ngày đầu đời chính là cửa sổ cơ hội để phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng như: thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa, các bệnh tim mạch, huyết áp, loãng xương. Vì vậy, việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ từ khi còn trong vào thai đến khi trẻ được 2 tuổi là rất quan trọng, nó quyết định đến chiều cao, cân nặng, bệnh tật và bộ não của trẻ khi trưởng thành. Nếu giai đoạn 1.000 ngày vàng không được chăm sóc nuôi dưỡng tốt, dù chúng ta có nỗ lực đến đâu cũng không thể bù đắp được vì hầu như mọi chuyện đã được “an bài”. Vì vậy, việc hỗ trợ dinh dưỡng ở giai đoạn này phải “đạt kết quả tối ưu” so với bất kỳ giai đoạn nào khác trong cuộc đời của trẻ.
Lời khuyên của thầy thuốc
Một sai lầm khác cũng hay gặp là một số bà mẹ vẫn cho rằng nước thịt, nước hầm xương là đủ bổ, chỉ cho trẻ ăn nước không cho trẻ ăn cái… trong khi các loại nước này hầu như không chứa đạm. Các thức ăn cung cấp chất đạm vẫn còn được sử dụng đơn điệu. Nhiều bà mẹ không cho con ăn cá, cua, tôm, trứng… sợ trẻ bị dị ứng với thức ăn, sợ chất tanh… dễ gây chán ăn, đồng thời tạo thói quen ăn uống thiên lệch, khó thay đổi về sau.
Nguồn: ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến
Bạn có thể xem thêm:
- Sử dụng kháng sinh cho trẻ đúng cách
- 3 nguyên tắc bổ sung calci hiệu quả cho trẻ
- Những điều cần viết về sữa mẹ và sữa công thức, chọn sữa cho trẻ sơ sinh
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.