Để có thể nắm bắt được tâm sinh lý cũng như cách chăm sóc đúng cách của người cao tuổi, Pharmacity gửi đến bạn đọc 4 giai đoạn và những vấn đề tâm sinh lý ở người cao tuổi cần lưu ý.
4 giai đoạn thường gặp ở người cao tuổi
Dưới góc độ Y khoa, có thể chia độ tuổi của người cao tuổi thành 4 giai đoạn:
- 60 – 69 tuổi:
- Đây được gọi là giai đoạn đầu khi người cao tuổi bước vào độ tuổi nghỉ hưu (tự nguyện hay bắt buộc), nếu có làm thuê thì quy định của luật pháp cũng yêu cầu giảm giờ làm hoặc chỉ nên làm những công việc không quá nặng nhọc như bảo vệ, quản lý…
- Sức khỏe giảm đi, tính độc lập và sự sáng tạo không như trước. Đặc biệt, sự phản xạ và các tác động tới thần kinh từ bên ngoài cũng tác động tới họ nếu cường độ công việc có nhiều áp lực.
- 70 – 80 tuổi:
- Đây là giai đoạn khó khăn của người cao tuổi khi họ có nhiều biến cố hơn.
- Thu hẹp giao tiếp với xung quanh, dần dần giảm bớt tham gia vào công tác xã hội và sống có phần khép kín hơn.
- 80 – 90 tuổi:
- Đây là lớp người thực sự “tuổi già” hay “rất cao tuổi”.
- Các mối quan hệ xã hội dần dần bị xóa bỏ, khó khăn trong việc duy trì các mối liên hệ xã hội và văn hoá.
- Đây là lứa tuổi gần như phụ thuộc hoàn toàn vào người thân trong việc chăm sóc sức khỏe cũng như tâm lý, tinh thần.
- Trên 90 tuổi: Độ tuổi này thường không nhiều, và họ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào con cháu.
2 nhóm độ tuổi 70 – 80 tuổi, trên 90 tuổi, người cao tuổi được ví như những “ngọn đèn trước gió”.
Những vấn đề tâm sinh lý thường gặp ở các giai đoạn
Tùy vào giai đoạn và độ tuổi, mỗi hệ cơ quan trong cơ thể người cao tuổi đều trải qua những sự thay đổi khác nhau. Những biến đổi này là kết quả của sự tương tác giữa môi trường sống, bệnh tật, di truyền, stress và rất nhiều yếu tố khác.
Những thay đổi này đôi lúc rất dễ nhận thấy như tóc bạc, da nhăn, lưng gù. Tuy nhiên, có rất nhiều biến đổi âm thầm trong cơ thể mà mắt thường không thể nhận ra được.
- Giai đoạn 60 – 69 tuổi: Về mặt tâm sinh lý, người cao tuổi từ 60 tuổi trở đi (số ít) nếu chăm luyện tập thể dục thể thao thì vẫn có thể sinh hoạt tình dục. Đặc biệt, ở lứa tuổi này các câu lạc bộ (CLB) hưu trí trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần quan trọng với họ. Do vậy, bạn già hay bạn hưu rất quan trọng với người cao tuổi ở thời điểm này. Các hoạt động thiện nguyện, sinh hoạt cộng đồng cũng rất quan trọng khi người cao tuổi cảm thấy mình vẫn có ích cho xã hội và không có cảm giác bị thừa thãi hay bỏ rơi khi vừa bắt đầu nghỉ hưu. Nhưng đây cũng là thời điểm người cao tuổi hay có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống xung quanh.
- Giai đoạn 70 – 80 tuổi: Tâm lý họ bị chông chênh, thậm chí hoang mang và nghĩ đến cái chết của chính mình. Rất dễ cáu giận, mất bình tĩnh.
- Giai đoạn 80 – 90 tuổi: Họ sống với những kí ức, hay cảm giác cô đơn và khó thích nghi với cuộc sống xung quanh.
- Giai đoạn trên 90 tuổi: Số liệu về những người trên 90 tuổi không nhiều, rất ít so với những người 60, 70 hoặc 80 tuổi. Vì vậy, việc thu thập thông tin chính xác về tình hình sức khỏe và những sự tác động qua lại về mặt xã hội của những người thuộc nhóm tuổi này là rất khó khăn. Mặc dù có khó khăn trong việc tìm hiểu các vấn đề sức khỏe ở nhóm tuổi này, song những người rất già có thể thay đổi các hình thức hoạt động khác nhau một cách có kết quả khi họ biết sử dụng những khả năng vốn có của họ hiệu quả nhất.
Việc nhận biết thay đổi sinh lý của tuổi già là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Những lưu ý khi chăm sóc tâm sinh lý người cao tuổi
Trước những thay đổi về mặt tâm lý của người cao tuổi, cần san sẻ và động viên trong quá trình giao tiếp và chăm sóc người cao tuổi:
- Lắng nghe một cách thiện chí. Khoảng cách thế hệ có thể dẫn đến những mâu thuẫn, hoặc khác biệt về quan điểm. Chính vì thế, việc lắng nghe và thấu hiểu cho những suy nghĩ, góc nhìn của người lớn tuổi là điều rất quan trọng.
- Để người già phát huy vai trò của họ trong gia đình. Nếu bạn muốn nắm bắt được tâm lý người cao tuổi, trước tiên, hãy để người già được thoải mái sống đúng với vai trò mà họ mong muốn.
- Hãy nhẫn nại và cởi mở hơn. Những thay đổi trong đặc điểm tâm lý người cao tuổi đôi khi không nằm trong sự kiểm soát của ông bà. Tâm lý của người già còn bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của xã hội, tác dụng phụ của thuốc,… Vì thế, việc kiên nhẫn để hiểu hơn về người già là vô cùng quan trọng.
Pharmacity gợi ý thêm một số cách chăm sóc tâm lý người cao tuổi dưới đây, giúp họ hòa nhập và sống vui vẻ lạc quan hơn:
- Hỏi thăm và lắng nghe những ký ức xưa của người cao tuổi
- Tổ chức buổi sum họp gia đình giúp họ gần gũi hơn với con cháu
- Luôn kiên nhẫn. Với những người cao tuổi nói nhiều, bạn cần kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện để có thể hiểu nguyện vọng và tâm tư của họ
- Hỏi ý kiến người cao tuổi. Họ sẽ rất vui và cảm giác có ích để giúp đỡ con cháu bằng kinh nghiệm sống của mình
- Khéo léo khi đưa ra quan điểm. Vì khoảng cách thế hệ, nền giáo dục khác nhau nên khi đưa ra quan điểm khác với người lớn tuổi, bạn có thể khéo léo thể hiện quan điểm của mình khi nói chuyện với người cao tuổi. Để thể hiện sự tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người lớn tuổi như: ‘’con đồng ý quan điểm của ông/bà, con thấy nhiều người có suy nghĩ rằng… mà mình có thể tham khảo thêm’’.