Tổng quan chung
Xơ cứng rải rác (MS) là một bệnh tự miễn của hệ thần kinh trung ương gây thiếu sót thần kinh từng đợt hoặc mạn tính. Các thiếu sót thần kinh này là biểu hiện của đa tổn thương riêng biệt do hủy Myelin, gọi là các mảng, xảy ra chủ yếu ở não, tủy sống, hoặc thần kinh thị giác. Mỗi thiếu sót thần kinh xảy ra phụ thuộc vào vị trí, kích thước và độ nặng của các mảng này.
Khoảng 400.000 người ở Hoa Kỳ và 2,5 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh đa xơ cứng. Căn bệnh này phổ biến hơn ở nữ giới gấp ba lần so với nam giới. Trong khi độ tuổi khởi phát thường từ 20 đến 40 tuổi, bệnh có thể biểu hiện ở mọi lứa tuổi. Gần 10% các trường hợp xuất hiện trước 18 tuổi.
MS xảy ra nhiều ở các nước có khí hậu lạnh với tỉ lệ mắc cao nhất ở các vùng giữa vĩ tuyến 45 và 65 ở Bắc hoặc Nam bán cầu tỷ lệ mắc trung bình khoảng 30/100.000 dân. Thấp nhất ở các vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi với tỉ lệ 5/100.000 dân. Các quan sát ghi nhận các yếu tố nhạy cảm di truyền thay đổi giữa các quần thể con người khác nhau ngoài vĩ độ cũng đã được ghi lại, cho thấy các yếu tố di truyền tương tác với môi trường chưa được hiểu rõ.
Triệu chứng
Bệnh xơ cứng rải rác có thể gây ra nhiều triệu chứng, nhưng không phải tất cả bệnh nhân bị bệnh này đều có hết những triệu chứng này. Hơn thế nữa, những triệu chứng của bệnh xơ cứng rải rác cũng có thể là nguyên nhân của những bệnh lý khác. Nhìn chung, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Tê, ngứa, và cảm giác như châm chích;
- Yếu cơ hoặc co thắt, có thể khiến bạn bị ngã hoặc đánh rơi đồ;
- Vấn đề về thị lực, đau mắt, và chuyển động mắt kỳ lạ;
- Cảm giác chóng mặt hoặc mất thăng bằng, có thể khiến bạn ngã;
- Khó khăn khi nói hay đi lại;
- Các vấn đề liên quan đến kiểm soát ruột hoặc bàng quang;
- Những vấn đề về tình dục;
- Nhạy cảm với nóng, có thể làm cho các triệu chứng tệ hơn;
- Khó suy nghĩ được rõ ràng.
Hầu hết người bệnh bị xơ cứng rải rác có chỉ vài triệu chứng như trên. Những người bệnh bị xơ cứng rải rác nặng có thể có tất cả các triệu chứng này.
Nguyên nhân
Các nguyên nhân của bệnh chưa được giải thích rõ ràng. Nguyên nhân gây ra bệnh xơ cứng rải rác có thể là do viêm. Viêm xảy ra khi một người bị nhiễm trùng. Biểu hiện của tình trạng viêm là da bị mẩn đỏ, sưng tấy và sinh nhiệt do các tế bào bạch cầu đổ xô chống lại nhiễm trùng và các tế bào khác mang đi các mô bị tổn thương.
Tình trạng viêm cũng xảy ra bên trong cơ thể, có thể ảnh hưởng đến tất cả các hệ cơ quan trong cơ thể, một trong số đó là hệ thần kinh. Vì một số lý do không xác định, tình trạng viêm nhiễm các cơ quan và mô của cơ thể có thể xảy ra kèm theo hoặc không kèm theo nhiễm trùng.
Tình trạng viêm trong cơ thể được cho là nguồn gây hại cho myelin. Myelin là chất bao quanh và bảo vệ các tế bào thần kinh.
Tổn thương Myelin làm chậm hoặc gián đoạn việc truyền thông tin giữa não và cơ thể, dẫn đến các cơn loạn chức năng gián đoạn và hồi quy của tủy sống, cuống não, tiểu não, dây thần kinh thị giác và loạn chức năng não.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh xơ cứng rải rác gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới, với tỉ lệ gấp 2-3 lần. Bệnh thường khởi phát nhất vào giai đoạn 20-40 tuổi, mặc dù những người trẻ hơn hoặc lớn tuổi hơn cũng có thể mắc bệnh.
Những người da trắng (Caucasian) có nhiều nguy cơ phát triển bệnh xơ cứng rải rác hơn các chủng tộc khác. Nguy cơ cũng tăng lên khi trong gia đình có người mắc bệnh này, đặc biệt là cha, mẹ, anh, chị, em ruột.
Những người mắc bệnh tự miễn khác như bệnh đái tháo đường loại 1 hay bệnh tuyến giáp tự miễn sẽ có nguy cơ cao hơn một chút.
Về môi trường sống, bệnh xơ cứng rải rác phổ biến hơn ở các nước có khí hậu ôn đới, như Canada, miền Bắc Hoa Kỳ, New Zealand, Đông Nam Australia, châu Âu.
Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh xơ cứng rải rác dựa trên tiền sử sức khỏe, triệu chứng, thực hiện các bài kiểm tra và xét nghiệm cận lâm sàng.
Các bài kiểm tra thần kinh có thể bao gồm kiểm tra: ý thức, dây thần kinh sọ não, vận động, lực cơ, dáng đi, phối hợp động tác, cảm giác, phản xạ, hệ thần kinh tự chủ.
Một số xét nghiệm thường được chỉ định để chẩn đoán hoặc loại trừ chẩn đoán là:
- Xét nghiệm máu.
- Chọc dò dịch tủy não.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI).
Chẩn đoán xơ cứng rải rác khi có ít nhất hai khu vực của thần kinh trung ương bị hủy myelin và đã có ít nhất hai lần tái phát hoặc từng đợt gây tổn thương.
Phòng ngừa bệnh
Tập thể dục
Các loại bài tập từ nhẹ đến vừa bao gồm đi bộ, kéo giãn cơ, thể dục nhịp điệu, xe đạp, yoga và thái cực quyền, bơi lội…sẽ giúp cải thiện sức khỏe, săn chắc cơ bắp, cân bằng và phối hợp.
Chế độ ăn uống cân bằng
Thực phẩm tốt cho người mắc bệnh đa xơ cứng là rất quan trọng, nó giúp hạn chế triệu chứng bệnh và hỗ trợ quá trình điều trị đạt hiệu quả, bạn cần:
- Bổ sung các thực phẩm giàu axit béo omega-3 có trong cá không chỉ tốt cho tim mạch mà còn có lợi cho người bị đa xơ cứng. Theo các nghiên cứu lâm sàng, axít béo omega-3 giúp ngăn ngừa phản ứng viêm của cơ thể.
- Thực phẩm giàu chất xơ trong trái cây và rau quả cụ thể như quả việt quất, táo, rau có lá màu xanh đậm như họ nhà cải, cải xanh, súp lơ… có nhiều chất chống oxy hóa và vitamin tự nhiên, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi những phần tử gây viêm.
- Nghệ có thành phần polyphenol và hoạt chất curcumin có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn mạnh, nên nghệ được xem như là một loại thuốc kháng sinh tự nhiên.
- Gừng tươi có đặc tính chống oxy hóa, ngăn chặn một số gen và enzyme gây viêm trong cơ thể, giảm đau tự nhiên bởi hoạt chất gingerol.
- Các sản phẩm bổ sung canxi từ sữa hạt, các loại đậu, cá mòi, trứng,…
Giảm bớt căng thẳng
Stress có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các dấu hiệu và triệu chứng của bạn. Yoga, thái cực quyền, massage, thiền hoặc hít thở sâu sẽ có ích giảm stress.
Cần phải phòng tránh và điều trị tích cực các bệnh do virus gây ra
Các bệnh như: sởi, zona, Herpes, quai bị, thủy đậu, các bệnh viêm gan virus A, B, C, viêm não do virus, cảm cúm…các bệnh này sẽ là nguyên nhân gây ra viêm làm hệ miễn dịch suy giảm từ đó làm tăng nguy cơ đa xơ cứng
Hiện nay, bệnh đa xơ cứng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác. Vậy nên bạn đọc cần chú ý đến các dấu hiệu bệnh, đặc biệt là phòng ngừa bệnh để không gây ra các biến chứng nguy hiểm khác.
Điều trị như thế nào?
Không có điều trị đặc hiệu cho bệnh đa xơ cứng. Điều trị tập trung theo thể bệnh phục hồi nhanh chóng sau mỗi đợt tấn công, chậm diễn tiến của bệnh và quản lý triệu chứng. Một số người bệnh có các triệu chứng nhẹ nên không cần điều trị. Khi có đợt bệnh tấn công tái phát, người bệnh được điều trị bằng corticosteroids hoặc thay huyết tương
Corticosteroides: như Prednisone đường uống hoặc methylprednisolone tiêm tĩnh mạch, được dự phòng để giảm viêm thần kinh. Tác dụng phụ có thể có là mất ngủ, tăng huyết áp, thay đổi tâm trạng và giữ nước.
Truyền thay thế huyết tương: Huyết tương là một thành phần của máu, được lấy từ cơ thể và phân tách. Tế bào máu sau đó được trộn với dung dịch protein (albumin) và truyền lại vào cơ thể bạn. Thay thế huyết tương có thể được sử dụng nếu bạn phát hiện triệu chứng sớm, trầm trọng nhưng chưa có đáp ứng với steroids.
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp đặc hiệu điều trị bệnh xơ cứng rải rác
Thêm vào đó, việc điều chỉnh quy trình điều trị, chúng ta có thể sử dụng nhiều thuốc mới nhưng hầu hết chúng đều chưa có ở Việt Nam và có nhiều tác dụng phụ. Hiện tại, ghép tế bào gốc tự thân hệ tạo máu có thể được sử dụng cho người bệnh đa xơ cứng thể tái phát- thuyên giảm.