Chắc hẳn rằng các ông bố bà mẹ lần đầu có em bé thường rất lúng túng trong việc áp dụng thực đơn ăn uống hàng ngày để cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết giúp em bé phát triển khỏe mạnh. Để giúp các mẹ giải quyết được vấn đề này, Pharmacity giới thiệu tháp dinh dưỡng cho bà bầu giúp cho các ông bố bà mẹ hiểu được chính xác lượng thức ăn cần thiết mỗi ngày của một thai phụ.
Dinh dưỡng quan trọng như thế nào đối với bà bầu?
Dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng đối với sức khỏe, thể lực và trí tuệ của con người trong suốt cả vòng đời, đặc biệt là trong thời gian phụ nữ có thai và cho con bú. Phụ nữ có thai cần thêm nguồn dinh dưỡng cho cả mẹ, hình thành và phát triển thai nhi. Phụ nữ cho con bú cần bổ sung thức ăn để tăng cường sản xuất sữa cho con bú. Dinh dưỡng tốt khi mang thai, cho con bú là một trong các yếu tố quyết định bảo đảm sức khỏe cho bà mẹ, sự lớn lên và phát triển của trẻ.
Một chế độ dinh dưỡng đa dạng, cân đối là cần thiết để có sức khỏe tốt cho cả người mẹ lẫn thai nhi. Dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp mẹ có sức đề kháng tốt, tránh mắc bệnh, đủ sức để “vượt cạn” trong cuộc đẻ, mau phục hồi sức khỏe sau sinh, có đủ sữa cho con bú.
Khi có dinh dưỡng đầy đủ, mẹ còn có thêm các lợi ích như sau:
- Dinh dưỡng tốt trong thai kỳ giúp người mẹ tăng cân phù hợp: Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi, đặc biệt nhất là sự thay đổi về khối lượng, cấu trúc cơ thể và thành phần của máu. Thông thường, trong một kỳ mang thai bà mẹ tăng 10 – 12kg bao gồm bào thai, rau thai, nước ối, máu, dịch mô, tử cung, vú. Nếu người mẹ tăng cân ít trong thai kỳ dễ có nguy cơ đẻ con nhẹ cân, thiếu vi chất (thiếu sắt, thiếu máu, can xi…). Nếu mẹ tăng cân quá nhiều trong thai kỳ sẽ sinh khó, nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ.
- Dinh dưỡng hợp lý trong thời kỳ góp phần hạn chế một số tai biến sản khoa cho mẹ:
- Dinh dưỡng đủ trong thời gian mang thai giúp bà mẹ khỏe mạnh, thai phát triển tốt là yếu tố quan trọng để bà mẹ vượt qua cuộc đẻ một cách thuận lợi.
- Thiếu dinh dưỡng ở mẹ trong thời gian mang thai không những gây hậu quả thiếu các chất dinh dưỡng cho mẹ và phát triển thai và là điều kiện thuận lợi cho nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu, khó sinh, sinh non/ nhẹ cân, và một số tai biến khác.
- Dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ tăng khả năng tạo sữa sau sinh của mẹ: Dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ giúp mẹ tăng cân đủ (10-12 kg/thai kỳ) và dự trữ đủ các chất dinh dưỡng cho tạo sữa sau sinh. Thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ, người mẹ sẽ không đủ khả năng để tạo đủ số lượng sữa và đảm bảo chất lượng sữa cho sự phát triển toàn diện của bé.
- Dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ giảm nguy cơ mắc một số bệnh cho mẹ: Dinh dưỡng đủ sẽ giảm nguy cơ thiếu folate (vitamin B9), là một thành phần tham gia vào quá trình tạo máu. Thiếu folate thường gây bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ, nguy cơ sảy thai cao, sinh non, sinh con nhẹ cân.
- Dinh dưỡng không đầy đủ trong thai kỳ sẽ làm suy giảm miễn dịch của cả mẹ và thai nhi. Thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là kẽm sẽ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, tế bào T, tế bào B và đại thực bào làm giảm sản xuất globulin miễn dịch, IgA, IgM và IgG..
- Chế độ ăn nghèo dinh dưỡng hoặc không cân đối trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến một số bệnh lý như thiếu máu do thiếu sắt, thiếu kẽm, tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ.
- Dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ giảm một số vấn đề thường gặp khi mang thai: Khi mang thai, phụ nữ có thể bị chán ăn một hoặc nhiều món ăn, buồn nôn, nôn, ợ nóng, táo bón thường do một số nguyên nhân liên quan đến dinh dưỡng như:
- Buồn nôn, nôn thường liên quan đến thiếu vitamin B6
- Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy do ăn phải thức ăn khó tiêu hoặc không an toàn.
Tháp dinh dưỡng cho mẹ bầu trong từng giai đoạn thai kỳ
Tháp dinh dưỡng cho bà bầu là mô hình ăn uống khoa học được thể hiện qua hình kim tự tháp giúp cung cấp thông tin về loại thực phẩm là lượng tiêu thụ chúng trong từng thai kỳ. Những thông tin này được Bộ y tế ban hành và đã được các chuyên gia, bác sĩ kiểm nghiệm chính xác. Vì vậy các bà bầu có thể hoàn toàn yên tâm khi tham khảo và áp dụng.
Theo tháp dinh dưỡng cho bà bầu thì chế độ ăn của bà bầu có sự thay đổi qua từng giai đoạn. Cụ thể là:
- Chế độ dinh dưỡng khi mang thai 3 tháng đầu: Trong giai đoạn này mẹ bầu có thể ăn uống bình thường như lúc chưa mang thai và nhu cầu dinh dưỡng sẽ bắt đầu có những khác biệt từ tháng thứ 4.
- Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng giữa: Ở giai đoạn này, thực đơn ăn uống của bà bầu đã có sự thay đổi khẩu phần của các nhóm thực phẩm. Trừ đường, muối và dầu mỡ thì chị em cần bổ sung thêm các nhóm thực phẩm khác. Cụ thể, các nhóm ngũ cốc, thực phẩm chứa đạm và rau quả, mỗi nhóm cần phải bổ sung thêm 1 đơn vị trong bữa ăn hàng ngày. Đáng chú ý, nhóm sữa cần tăng thêm tới 2 đơn vị so với người không mang thai.
- Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong 3 tháng cuối: Trong thời kỳ này, lượng dầu mỡ trong khẩu phần ăn của các mẹ bầu cần tăng thêm 1 đơn vị so với người bình thường. Bên cạnh đó, sữa và thực phẩm chứa đạm được tăng thêm 3 đơn vị. Nhóm rau xanh cùng với trái cây mỗi loại cần bổ sung thêm 1 đơn vị, nước tăng 2 đơn vị và cuối cùng là ngũ cốc tăng thêm 1,5 đơn vị.
Các nguyên tắc về dinh dưỡng dành cho bà bầu
Bên cạnh việc thực hiện chế độ ăn uống theo tháp dinh dưỡng, để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và em bé, thì bạn cũng cần phải tuân thủ những nguyên tắc về dinh dưỡng dành cho bà bầu như sau:
- Không sử dụng thực phẩm có thể gây hại: Tránh các món gỏi, sushi, hàu sống, và sữa tươi chưa tiệt trùng.
- Hạn chế cá: Bổ sung tối đa 400g cá/tuần để hạn chế thủy ngân hoặc kim loại nặng.
- Kiêng rượu bia, thuốc lá: Tránh hoàn toàn các chất kích thích.
- Vitamin và khoáng chất: Chỉ bổ sung theo chỉ định của bác sĩ.
- Không ăn kiêng: Đảm bảo thai nhi không bị suy dinh dưỡng.
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ: Giúp cung cấp đủ chất dinh dưỡng.
- Ăn chậm và không ăn quá nhiều: Hệ tiêu hóa của mẹ bầu trở nên chậm chạp hơn trong thời gian mang thai.
Kết luận
Dinh dưỡng cho mẹ bầu là một vấn đề không thể xem nhẹ. Một chế độ ăn uống đầy đủ và cân đối sẽ giúp mẹ bầu khỏe mạnh, giảm thiểu các rủi ro trong thai kỳ và đảm bảo sự phát triển toàn diện của thai nhi. Hãy tuân thủ các nguyên tắc dinh dưỡng và tháp dinh dưỡng để đảm bảo bạn và bé đều có một thai kỳ khỏe mạnh và hạnh phúc. Chăm sóc dinh dưỡng đúng cách không chỉ là yêu thương bản thân mà còn là cách bạn yêu thương bé từ những ngày đầu tiên.