Vitamin là những hợp chất hữu cơ mà cơ thể không tự tổng hợp được, chủ yếu được cung cấp thông các thực phẩm sử dụng hàng ngày. Mặc dù nhu cầu của cơ thể với hầu hết các vitamin là không nhiều nhưng nó đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì quá trình trao đổi chất của cơ thể. Một trong số đó là vitamin A. Vậy vitamin A là gì, lượng vitamin A cần thiết cho cơ thể là bao nhiêu?
Vitamin A là gì?
Khái niệm vitamin A được nói chung để chỉ một nhóm các hợp chất hữu cơ có liên quan về mặt hóa học bao gồm retinol, retinal (còn được gọi là retinaldehyd), axit retinoic (dạng hoạt động hay dạng đã chuyển hóa của vitamin A) và một số carotenoid (dạng tiền vitamin hay tiền chất vitamin A), đáng chú ý nhất là beta-carotene.
Vitamin A đã chuyển hoá (preformed vitamin A) có trong các sản phẩm động vật như thịt, cá, gia cầm và các sản phẩm từ sữa. Tiền vitamin A có trong các thực phẩm có nguồn gốc thực vật như trái cây và rau quả.
Vitamin A cũng có bán ở dạng chế phẩm bổ sung, thường ở dạng retinyl acetate hoặc retinyl palmitate (vitamin A đã chuyển hóa), beta-carotene (tiền vitamin A) hoặc sự kết hợp của vitamin A đã chuyển hóa và tiền vitamin A.
Vitamin A có nhiều chức năng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các bộ phận cơ thể con người, như mắt, da, ruột và các cơ đường hô hấp, là yếu tố quan trọng trong sinh trưởng, phát triển của phôi thai và trẻ em, sự phát triển của xương , hệ thống miễn dịch, góp phần chống lão hóa, chống ung thư.
Mỗi ngày cần nạp bao nhiêu lượng vitamin A là đủ?
Vitamin A là rất quan trọng cho phát triển, duy trì và bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên thừa hay thiếu vitamin A lâu dài và lượng lớn cũng gây nên nhiều tác động xấu đến cơ thể. Do đó liều lượng vitamin A cần nạp phải là cân đối theo lứa tuổi và tình trạng sức khỏe, các bệnh lý đi kèm nếu có.
Theo Ủy ban Thực phẩm và Dinh dưỡng của Viện Y học Hoa Kỳ, các giá trị về lượng tiêu thụ tham khảo (Dietary Reference Intakes – DRIs) cho vitamin A như sau:
Trẻ sơ sinh (liều lượng đầy đủ, adequate intake – AI):
- 0 – 6 tháng tuổi: 400 mcg/ngày
- 7 – 12 tháng tuổi: 500 mcg/ngày
- Lượng tiêu thụ khuyến nghị (Recommended Dietary Allowance – RDA) đối với vitamin là hàm lượng của từng loại vitamin mà mọi người cần nhận được mỗi ngày. Lượng tiêu thụ khuyến nghị (RDA) đối với các loại vitamin được xem là mục tiêu cho mỗi người.
Trẻ em (Lượng tiêu thụ khuyến nghị (RDA))
- 1 – 3 tuổi: 300 mcg/ngày
- 4 – 8 tuổi: 400 mcg/ngày
- 9 – 13 tuổi: 600 mcg/ngày
Thanh thiếu niên và Người trưởng thành (Lượng tiêu thụ khuyến nghị (RDA))
- Nam từ 14 tuổi trở lên: 900 mcg/ngày
- Nữ từ 14 tuổi trở lên: 700 mcg/ngày
- Mang thai ở tuổi 14-18 tuổi: 750 mcg/ngày
- Phụ nữ mang thai từ 19 tuổi trở lên: 770 mcg/ngày
- Phụ nữ cho con bú từ 14-18 tuổi: 1.200 mcg/ngày
- Phụ nữ cho con bú từ 19 tuổi trở lên: 1.300 mcg/ngày
Nhìn chung thì mức hấp thu dưới 25.000IU (tương đương 7.500mcg) vitamin A mỗi ngày là an toàn. Tuy nhiên, người trên 65 tuổi hoặc mắc bệnh gan thì không vượt quá 15.000 IU/ngày, trừ phi có chỉ định của bác sĩ. Đối với phụ nữ mang thai, mức hấp thu tối đa vẫn đang được đánh giá lại, song dưới 10.000IU (3.000mcg) mỗi ngày là an toàn.
Lưu ý khi nạp vitamin A
Vitamin A có thể được nạp vào cơ thể qua các loại thực phẩm như gan động vật, thịt đỏ, các loại cá béo, các loại rau củ như cà rốt, bông cải xanh, đu đủ,…
Việc bổ sung vitamin A dưới dạng thuốc hay thực phẩm bổ sung cần sự tham vấn từ các bác sĩ, dược sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng.
Có một số lưu ý khi nạp vitamin A như sau:
Thời điểm uống:
- Vitamin A dạng bổ sung thường được kết hợp cùng vitamin D, hoặc kết hợp trong viên vitamin tổng hợp. Hầu hết nên được uống sau bữa ăn.
- Trường hợp thiếu hụt nặng, bác sĩ có thể chỉ định tiêm. Vitamin A an toàn khi tiêm liều dưới 10.000 IU (3.000 mcg).
- Ngoài ra, nhà nước có tổ chức 2 đợt uống vitamin A cho trẻ vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm cho trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú mẹ và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A. Các phụ huynh cần lưu ý để bổ sung vitamin A đúng và đủ cho con.
Tương tác với một số thuốc khác: như các thuốc/mỹ phẩm chứa Retinol; thuốc kháng sinh, đặc biệt là các kháng sinh như tetracyclin, minocyclin, demeclocyclin; các thuốc ảnh hưởng đến gan như clindamycin, cocain, corticosteroids; thuốc chống đông máu.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.