Viêm não tự miễn là một loại bệnh lạ mà nhiều người không biết đến, nó đặc trưng bởi sự tổn thương của não do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công. Các tổn thương này thường phức tạp và có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến hệ thần kinh. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về viêm não tự miễn qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Bệnh viêm não tự miễn nói chung là những bệnh xảy ra có nguyên nhân do bộ máy miễn dịch mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài và tự kháng nguyên. Tự kháng nguyên là thành phần của cơ thể, vì lý do nào đó trở thành vật lạ, tự kháng thể của cơ thể chống lại các tự kháng nguyên này làm bệnh tự miễn xảy ra.
Bệnh viêm não tự miễn là một dạng bệnh viêm não, mà hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động bất thường và tấn công nhầm vào tế bào và mô khỏe mạnh ở não hay tủy sống, đây là một căn bệnh khá hiếm gặp, diễn biến phức tạp và có khả năng gây ra nhiều thay đổi nhanh chóng về cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Về cơ chế gây bệnh của bệnh viêm não tự miễn có thể liên quan đến kháng thể gắn với protein trên bề mặt hoặc bên trong tế bào thần kinh. Một số protein có liên quan trong quá trình truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh. Trong một số trường hợp, bệnh viêm não tự miễn xảy ra có liên quan đến bệnh ung thư (hội chứng cận ung thư – paraneoplastic syndrome). Những nghiên cứu đã giải thích về lý do tại sao một số kháng thể nhất định lại tấn công vào tế bào khỏe mạnh trong cơ thể vẫn đang được tiến hành. Các khảo sát này cũng cho thấy rối loạn tự miễn này thường xảy ra ngẫu nhiên, ở những người không có tiền sử gia đình mắc phải bệnh viêm não tự miễn.
Triệu chứng
Biểu hiện lâm sàng đa dạng, phụ thuộc vào các yếu tố khởi phát bệnh, thời gian bị bệnh, đặc điểm chức năng vùng não bị tổn thương do viêm mà có các triệu chứng khác nhau, bao gồm:
- Các cơn co giật, động kinh
- Các rối loạn ảo giác (ảo thị, ảo thính)
- Các rối loạn ngôn ngữ hoặc tư duy
- Các thay đổi hành vi hoặc cảm xúc
- Các rối loạn vận động
- Hội chứng tiểu não
- Tê, mất cảm giác
- Rối loạn giấc ngủ
Nguyên nhân
Nguyên nhân trực tiếp của hầu hết các trường hợp bệnh viêm não tự miễn cho đến nay vẫn chưa được hiểu biết hết. Tuy nhiên, những điều sau đây đã được chứng minh là có khả năng kích hoạt đến bệnh viêm não tự miễn:
- Sự hiện diện của khối u quái (teratoma), thường được tìm thấy trong buồng trứng
- Hội chứng tiền ung, có khả năng dẫn đến bệnh ung thư thực sự, gián tiếp kích hoạt phản ứng tự miễn dịch
- Có tiếp xúc với một số vi khuẩn và virus phổ biến như Streptococcus, Mycoplasma gây viêm phổi và virus Herpes simplex.
- Ngoài ra, viêm não tự miễn là đôi khi còn là một trong các biểu hiện của tổn thương đa cơ quan trong một số bệnh tự miễn bao gồm:
- Viêm não Rasmussen
- Lupus ban đỏ hệ thống
- Bệnh Behcet
- Bệnh não Hashimoto
- Múa vờn Sydenham
Đối tượng nguy cơ
Phần lớn các trường hợp xảy ra ở người lớn và trẻ em, mặc dù một số trường hợp đã được chẩn đoán ở những người trên 80 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ bị ảnh hưởng cao hơn 4 lần so với nam giới.
Chẩn đoán
Bệnh viêm não tự miễn được chẩn đoán chính xác nhờ vào sự phối hợp của nhiều chuyên khoa như xương khớp, tâm thần, thần kinh,… Các chuyên khoa này sẽ xem xét kỹ lưỡng về tiền sử bệnh của bệnh nhân sau đó thực hiện khám lâm sàng và làm các xét nghiệm chuyên sâu
Một số xét nghiệm chuyên sâu như:
- Siêu âm bụng cũng được thực hiện để loại trừ khả năng có một khối u liên quan
- Chụp MRI não và đo điện não đồ (EEG) giúp đo sóng não
- Chọc dò tủy sống để tìm kháng thể, bao gồm cả kháng thể NMDA.
Trước khi đưa ra kết luận chẩn đoán viêm não tự miễn, bác sĩ sẽ cần phải loại từ những nguyên nhân gây ra viêm não khác ví dụ như nhiễm trùng.
Phòng ngừa bệnh
Hiện nay chưa có biện pháp phòng ngừa bệnh hữu hiệu. Bạn cần theo dõi sức khỏe thường xuyên, đi khám định kỳ để phát hiện và can thiệp sớm.
Điều trị như thế nào?
Khi một bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh viêm não tự miễn thì sẽ được chỉ định điều trị đầu tay bằng các phương án như sau:
- Nếu nguyên nhân gây ra tình trạng tự miễn là do xuất hiện u quái thì cần phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ nó
- Giảm thiểu phản ứng viêm và giảm đáp ứng miễn dịch qua liệu pháp steroid liều cao
- Loại bỏ bớt các kháng thể xuất hiện ồ ạt trong máu bằng cách thay huyết tương
- Tăng khả năng loại bỏ và trung hòa kháng thể thông qua truyền globulin miễn dịch đường tĩnh mạch. Biện pháp này còn có tác dụng ức chế và phá vỡ sự liên kết của các kháng thể có hại với nhau, đồng thời giảm phản ứng viêm với những kháng thể này.
Nếu sau khi đã áp dụng những phương pháp điều trị đầu tay nêu trên nhưng bệnh nhân không được cải thiện triệu chứng, hoặc ngay từ đầu viêm não tự miễn đã bộc lộ các biểu hiện nghiêm trọng thì có thể cân nhắc phối hợp thêm các thuốc ức chế miễn dịch. Đây là các thuốc hoạt động theo phương thức giảm thiểu số lượng cũng như chức năng của các tế bào miễn dịch, bao gồm các thuốc như CellCept, Rituximab và Cytoxan.
Bên cạnh đó người bệnh cần bổ sung thêm các thuốc có tác dụng kiểm soát triệu chứng (nhất là tình trạng mất ngủ và kích động thái quá) do viêm não tự miễn gây nên. Các thuốc phổ biến thường được chỉ định đó là thuốc thuộc nhóm benzodiazepin, trong đó tiêu biểu là Lorazepam liều cao sẽ giúp mang lại hiệu quả điều trị tối ưu.
Dựa trên các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải là gì, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định thuốc điều trị phù hợp. Chỉ nên sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng sau khi tình trạng viêm đã được kiểm soát ổn định, bởi lẽ nếu dùng trước khi áp dụng liệu pháp miễn dịch sẽ khiến bệnh nhân gặp phải nhiều tác dụng phụ. Ngược lại nếu dùng sau thì sẽ giúp kiểm soát hiệu quả những biểu hiện khó chịu của bệnh, đồng thời hỗ trợ khả năng hồi phục các chức năng của não bộ và hạn chế biến chứng về sau.
Trên đây là những chia sẻ về viêm não tự miễn. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.