Viêm âm đạo là một bệnh phụ khoa thường gặp, đặc biệt ở phụ nữ mang thai. Bởi vì một số thay đổi sinh lý của cơ thể khi mang thai, mẹ bầu dễ bị viêm âm đạo hơn bình thường. Nhiễm khuẩn âm đạo trong thai kỳ có thể dẫn đến một số kết cục xấu như sảy thai, sinh non, ối vỡ non, nhiễm trùng ối, viêm nội mạc tử cung hậu sản, viêm phổi và nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh, làm tăng tỉ lệ tử vong của thai nhi và trẻ sơ sinh. Phát hiện và điều trị sớm nhiễm khuẩn âm đạo khi mang thai giúp giảm nguy cơ gặp phải các kết cục xấu này. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến các mẹ thông tin liên quan đến viêm âm đạo ở phụ nữ mang thai
Triệu chứng viêm âm đạo ở phụ nữ mang thai
Triệu chứng chung của viêm phụ khoa ở thai phụ:
- Thai phụ thấy ngứa, rát âm hộ, đôi khi cảm thấy ngứa ở cả hậu môn. Nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ thấy tăng tiết dịch khó chịu. Tính chất khí hư có thể vàng, xanh, loãng hoặc đặc hoặc bã đậu có thể có mùi hôi.
- Thăm khám thấy phía ngoài âm hộ có thể viêm đỏ, khí hư nhiều có thể chảy và bám xung quanh môi lớn, môi nhỏ, kẽ hai môi. Thăm khám mở mỏ vịt:
- Bệnh nhân thấy đau rát. Quan sát có thể âm đạo viêm đỏ, có thể viêm đỏ cả cổ tử cung, khí hư bột bám nhiều hai bên thành âm đạo, khí hư dạng dịch đọng cùng đồ và bề mặt cổ tử cung. Ngoài ra có thể quan sát thấy cổ tử cung lộ tuyến viêm tiết nhiều dịch. Một số trường hợp bác sĩ không cố gắng lau sạch khí hư vì có thể làm trầy xước âm đạo và gây chảy máu do niêm mạc âm đạo phụ nữ mang thai dễ bị tổn thương.
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà triệu chứng viêm âm đạo ở phụ nữ có thai sẽ khác nhau:
- Khi nhiễm nấm âm đạo, thai phụ có các triệu chứng:ngứa vùng sinh dục ngoài, âm hộ hai môi, kẽ hai môi hoặc đáy quần lót có bám khí hư dạng trắng. Khi quan hệ hoặc đi tiểu cũng có cảm giác khô và rát.
- Viêm âm đạo do vi khuẩn: Khí hư nhiều, thường đổi màu xanh/ vàng và đôi khi có mùi hôi, mùi tanh khó chịu. Viêm sinh dục do vi khuẩn thường bệnh nhân không thấy có triệu chứng ngứa.
- Viêm phụ khoa do virus: Triệu chứng của viêm sinh dục do herpes điển hình là những tổn thương dạng mụn nước đứng tập trung thành chùm, khi mụn nước vỡ sẽ tạo nên các vết trợt loét và thường làm bệnh nhân rất đau rát. Tổn thương hay bị ở vùng da âm hộ phía ngoài, vùng bẹn và có thể lan cả vào trong âm đạo. Tuy nhiên, tổn thương trong âm đạo cần khám mở mỏ vịt mới thấy rõ được.
Nguyên nhân gây viêm âm đạo ở phụ nữ mang thai
Nguyên nhân viêm âm đạo ở phụ nữ có thai:
- Viêm âm đạo do nấm
- Tác nhân hay gặp nhất là nấm candida.
- Viêm nhiễm do nấm có thể gặp ở bất kì thời điểm nào khi phụ nữ mang thai, có thai phụ bắt đầu có thai đã thấy kèm theo âm đạo tiết dịch và có triệu chứng ngứa. Tuy nhiên, nhóm có thai từ quý II và quý III tỷ lệ mắc cao hơn.
- Viêm phụ khoa do vi khuẩn:
- Vi khuẩn cũng là một trong những tác nhân gây bệnh viêm phụ khoa rất hay gặp ở nhóm phụ nữ mang thai.
- Khi mang thai nội tiết thay đổi, pH của âm đạo phụ nữ mang thai, đồng thời âm đạo của phụ nữ cũng tăng tiết dịch nhiều tạo môi trường cho vi khuẩn dễ phát triển.
- Viêm phụ khoa do lậu cầu
- Vi khuẩn lậu là một trong những vi khuẩn phổ biến gây bệnh viêm nhiễm lây qua quan hệ tình dục.
- Ở phụ nữ mang thai nguồn lây chính là vi khuẩn từ trong niệu đạo của nam giới khi có phát sinh quan hệ tình dục.
- Triệu chứng viêm do lậu cầu ở phụ nữ mang thai cũng giống bình thường: khí hư xanh mủ, mùi hôi có thể kèm tiểu buốt dắt, đau tức cài bụng dưới.
- Viêm phụ khoa do virus
- Do tình trạng miễn dịch sức đề kháng giảm khi mang thai nên mẹ bầu rất dễ bị viêm nhiễm do virus. Những virus thường nhiễm qua quan hệ tình dục như HSV- herpes simplex virus hay HPV – human papillomavirus
- HPV cũng là 1 loại virus mà phụ nữ mang thai dễ mắc. HPV type 6,11 lành tính nhưng thường gây ra các tổn thương dạng nụ sùi, mụn cơm vùng sinh dục: âm hộ, tầng sinh môn, hậu môn. Nguyên nhân có thể do phụ nữ bị lây nhiễm trong quá trình mang thai hoặc đã mang virus tiềm ẩn từ trước và khi mang thai miễn dịch giảm, virus hoạt động mạnh gây các tổn thương da thực thể. Tổn thương do HPV thường màu trắng, xám hoặc tím hồng, dạng nhú, dạng sùi rất đặc trưng. Thai phụ được phát hiện khi khám phụ khoa hoặc tự phát hiện tại nhà khi vệ sinh bộ phận sinh dục. Bác sĩ sản phụ khoa cần thăm khám cả trong âm đạo, cổ tử cung để đánh giá xem có tổn thương kèm theo hay không.
Biện pháp chẩn đoán viêm âm đạo ở phụ nữ mang thai
Nếu có dấu hiệu viêm phụ khoa, bạn cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các biện pháp chẩn đoán bao gồm:
- Khám tiền sử sản phụ khoa: Đánh giá các bệnh lý liên quan và tiền sử bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Khám phụ khoa: Đánh giá âm hộ, âm đạo, cổ tử cung và lấy dịch âm đạo để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây viêm.
- Xét nghiệm pH âm đạo: Để kiểm tra sự mất cân bằng pH nếu có nghi ngờ.
Kết Luận
Viêm âm đạo ở phụ nữ mang thai là một tình trạng cần được quan tâm và xử lý kịp thời. Việc chăm sóc sức khỏe sinh sản trong thai kỳ không chỉ bảo vệ mẹ mà còn đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Các mẹ bầu nên duy trì khám thai định kỳ và tư vấn bác sĩ ngay khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở vùng sinh dục. Điều này không chỉ giúp phát hiện sớm viêm âm đạo mà còn phòng ngừa được nhiều biến chứng nguy hiểm khác.