Vi rút HPV là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất hiện nay. Hãy cùng tìm hiểu kiến thức tổng quan về vi rút HPV trong bài viết sau đây.
Phòng vi rút HPV bảo vệ sức khỏe
Vi rút HPV là gì?
Vi rút HPV (Human Papilloma Virus) là một loại vi rút gây u nhú ở người và là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất thế giới hiện nay. Có hơn 100 loại vi rút HPV gây u nhú, trong đó có khoảng 40 loại có thể lây lan qua đường sinh dục như cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn, trực tràng, dương vật,…
Người nhiễm HPV có thể không xuất hiện triệu chứng cụ thể nào. Đa số các trường hợp nhiễm vi rút không gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe và tự khỏi bệnh, tuy nhiên một số loại HPV có nguy cơ cao gây nên các bệnh ung thư ở cổ tử cung, hậu môn và bộ phận sinh dục khác.
Phương thức lây truyền của vi rút HPV
Khả năng lây lan của vi rút HPV rất đáng sợ, theo số liệu thống kê cho thấy, 75 – 80% phụ nữ nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời. Vi rút HPV là tác nhân phổ biến gây ra các bệnh lây qua đường tình dục ở cả nam và nữ như bệnh sùi mào gà, ung thư hậu môn, ung thư âm hộ và đặc biệt là ung thư cổ tử cung.
Vi rút HPV thường lây qua đường quan hệ tình dục hoặc khi tiếp xúc gần gũi với da người nhiễm bệnh. Bất kỳ ai đều có thể bị nhiễm HPV khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc đường miệng với người đã nhiễm.
Những đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm vi rút HPV cao hơn so với người bình thường:
- Có quan hệ tình dục quá sớm.
- Có vết trầy xước tại cơ quan sinh dục.
- Có nhiều bạn tình.
- Có bạn tình là người đã từng quan hệ tình dục với nhiều người.
- Quan hệ tình dục đồng giới nam.
Những điều cần lưu ý:
- Tất cả những người đã quan hệ tình dục đều có thể bị nhiễm vi rút HPV.
- Bạn có thể nhiễm HPV ngay cả khi chỉ có quan hệ tình dục với một người tình.
- HPV có khả năng lây lan ngay cả khi người truyền bệnh không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào.
Nguyên nhân phổ biến gây bệnh HPV là hoạt động tình dục không an toàn, tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh hay tiếp xúc gián tiếp qua vật dụng trung gian như khăn tắm, quần áo, bồn cầu, bàn chải đánh răng,… của người bệnh. Một số trường hợp, vi rút HPV có thể lây nhiễm từ mẹ sang con.
Dấu hiệu nhận biết nhiễm vi rút HPV
Không có triệu chứng rõ rệt, nhiều người nhiễm vi rút HPV nhưng không nhận biết bản thân mắc bệnh. Hầu hết các triệu chứng chỉ xuất hiện khi bệnh đã phát triển thành các bệnh lý sinh dục khác.
Tùy thuộc vào loại HPV mà người nhiễm vi rút sẽ xuất hiện triệu chứng khác nhau, một số dấu hiệu đặc trưng để nhận biết bệnh HPV:
- Xuất hiện các u nhú vị trí trên niêm mạc sinh dục. U nhú dạng mụn thịt, mụn cóc, có màu hồng nhạt hoặc trắng ngà.
- Cơ quan sinh dục ngứa ngáy đau rát, tiết nhiều dịch khuẩn có mùi hôi có chịu.
- Vùng kín lở loét, có thể chảy máu.
- Người bệnh là nữ giới có thể gặp phải tình trạng khí hư màu nâu, có lẫn máu, khí hư tanh nồng,…
- Cơ thể mệt mỏi, suy giảm ham muốn tình dục,…
Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu kể trên, hãy đến bệnh viện thăm khám ngay để được chỉ định thực hiện xét nghiệm cần thiết nhằm xác định bạn có nhiễm vi rút HPV hay không và tầm soát ung thư cổ tử cung.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị vi rút HPV
Bác sĩ chẩn đoán nhiễm HPV bằng cách quan sát các mụn cóc của người bệnh, người bệnh được chỉ định thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán nhiễm HPV như xét nghiệm pap, xét nghiệm Thinprep hay xét nghiệm DNA của HPV.
Nhiễm vi rút HPV có nguy hiểm không?
Theo đó, khoảng 90% các trường hợp nhiễm HPV sẽ tự khỏi sau 2 năm và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, trường hợp bệnh tiến triển gây ra các triệu chứng như mụn cóc sinh dục, ung thư.
Nếu người nhiễm HPV có hệ miễn dịch kém, mắc bệnh mạn tính thì vi rút HPV có thể âm thầm gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư các cơ quan sinh dục như ung thư dương vật, âm hộ, hậu môn, miệng và hầu họng.
Phương pháp điều trị nhiễm vi rút HPV
Hiện tại chưa có phương pháp điều trị triệt để vi rút HPV, nếu bệnh nhân nhiễm HPV xuất hiện mụn cóc sinh dục sẽ được bác sĩ kê đơn các loại thuốc phù hợp để chữa trị triệu chứng của bệnh.
Đối với người có nguy cơ hoặc đang mắc ung thư cổ tử cung sẽ được chỉ định xét nghiệm sàng lọc và kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi sức khỏe. Hiện nay chưa có phương pháp nào hiệu quả để tầm soát HPV ở nam giới.
Biện pháp chủ động hạn chế việc nhiễm vi rút HPV
Tiêm ngừa vắc xin phòng ngừa nhiễm HPV
Để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa nhiễm HPV, bạn hãy chủ động thực hiện các biện pháp sau:
- Quan hệ tình dục an toàn: Giảm số lần quan hệ, chung thủy, quan hệ một vợ một chồng.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ hạn chế nguy cơ lây nhiễm HPV.
- Chủ động tiêm vắc xin phòng HPV: Tiêm phòng đầy đủ theo đúng liệu trình, đây là một trong những biện pháp phòng ngừa vi rút HPV hiệu quả nhất. Nên chích ngừa trước khi phát sinh quan hệ tình dục lần đầu tiên và tiếp xúc với HPV.
Thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ mỗi năm đối với phụ nữ độ tuổi từ 21 đến 65 để sớm phát hiện và điều trị kịp thời.
Bài viết đã cung cấp cho bạn các kiến thức cơ bản về vi rút HPV. HPV là nguyên nhân gây nên bệnh nguy hiểm cho sức khỏe, vì vậy đừng chủ quan và hãy lưu ý các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là đối tượng nữ giới.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Bạn có thể xem thêm:
- Tổng quan những điều cần biết về ung thư phổi
- Ung thư gan: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- Táo bón là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách ngừa bệnh hiệu quả
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.