Tổng quan chung
Ung thư phổi (tiếng Anh là Lung Cancer) là loại ung thư khởi phát từ phổi hay còn được gọi là khối u ác tính ở đường hô hấp. Bệnh phát triển khi các tế bào trong phổi tăng trưởng không kiểm soát và hình thành các khối u ác tính xâm lấn, chèn ép các cơ quan xung quanh. Đây là một trong 3 ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư trên toàn thế giới.
Ung thư phổi được chia thành hai loại chính:
- Ung thư phổi tế bào nhỏ: chiếm tỷ lệ khoảng 15 – 20% các ca bệnh và xảy ra phổ biến ở những người hút thuốc lá hoặc tiếp xúc nhiều với khói thuốc
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ: chiếm 80 – 85% các trường hợp ung thư phổi, thường gặp hơn so với ung thư phổi tế bào nhỏ. Ung thư phổi không tế bào nhỏ bao gồm ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào lớn.
Triệu chứng
Dưới đây là các dấu hiệu, triệu chứng ung thư phổi mà cần biết:
- Ho kéo dài dai dẳng: Ho có thể là do bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp, thường hết sau 1 – 2 tuần, tuy nhiên nếu ho kéo dài lâu ngày không khỏi thì không loại trừ khả năng người đó mắc ung thư phổi. Cần đi kiểm tra phổi càng sớm càng tốt bằng cách chụp X-quang kết hợp với những xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân gây ho.
- Đau tức ngực: Ngoài triệu chứng đau ở vùng ngực, ngoài ra bệnh nhân còn có thể bị đau ở lưng hoặc vai, đau liên tục, âm ỉ hoặc thỉnh thoảng mới đau. diễn ra trong một vùng nào đó hay lan tỏa trên toàn bộ khoang ngực. Đau ngực trong ung thư phổi có thể là do khối u xâm lấn rộng hoặc đã di căn hạch gây chèn ép các cơ quan trong khoang ngực.
- Khàn tiếng không hồi phục: Ung thư phổi có thể làm thay đổi giọng nói của người bệnh, giọng của họ trở nên trầm hoặc khàn hơn so với trước đó. Đôi khi khàn tiếng cũng là dấu hiệu của một đợt cảm lạnh thông thường nhưng sẽ dần biến mất sau thời gian ngắn. Nếu khàn tiếng trên 2 tuần là dấu hiệu cảnh báo bất thường. Trong ung thư phổi, nguyên nhân khàn tiếng là do khối u ác tính đã chèn vào dây thần kinh thanh quản quặt ngược,làm biến đổi giọng của người bệnh.
- Ho ra máu: Người bị ho mạn tính (nhất là ở người hút thuốc lá) xuất hiện dấu hiệu ho dai dẳng hơn, ho ra nhiều chất nhầy và ho ra máu thì rất có thể đây là một trong số các dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi.
- Thở khò khè: Phần lớn những trường hợp bị thở khò khè đều là những trường hợp lành tính do viêm hoặc tắc nghẽn đường thở và không khó để điều trị. Nhưng khi có khối u cũng gây phản ứng viêm, tắc từ đó có thể khiến người bệnh thở khò khè.
- Khó thở: Phổi có khối u có thể làm giảm thể tích thông khí dẫn đến khó thở. Nếu ta cảm thấy khó thở bất thường, nhất là sau khi leo cầu thang hoặc làm những công việc mà trước đây thực hiện rất dễ dàng thì hãy coi chừng về căn bệnh nguy hiểm này.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân: Các tế bào ung thư cần nhiều năng lượng để phát triển nên chúng đã lấy từ chính các nguồn dự trữ trong cơ thể khiến chúng ta bị tụt cân mà không rõ lý do.
- Đau đầu: Khi khối u phổi chèn ép gây áp lực lên tĩnh mạch chủ trên thì sẽ gây ra hiện tượng đau nhức đầu khó chịu. Đây là tĩnh mạch lớn vận chuyển máu từ phần trên của cơ thể về tim, nay bị tắc lại, khiến máu ứ lại, sức ép sẽ khiến người bệnh đau đầu, nặng hơn là đau nửa đầu thường xuyên. Ngoài ra, triệu chứng này cũng là một dấu hiệu cảnh báo các tế bào ung thư phổi đã di căn lên não.
- Đau mỏi cơ: Khối u ở phổi to dần sẽ chiếm chèn vào những dây thần kinh ở vị trí lưng, ngực, vai, bụng và tay dẫn đến tình trạng đau nhức. Ngoài ra, nó chèn cả vào tĩnh mạch.dẫn tới viêm phù, sưng nề.
- Đau tay, đau vai và đau các ngón tay: U đỉnh phổi: sẽ có hiện tượng xâm lấn thành ngực và đám rối thần kinh cánh tay, gây đau cánh tay và đau vai kèm dị cảm da (hội chứng Pancoast). Khi ung thư xâm lấn hệ thần kinh giao cảm, hội chứng Horner xuất hiện với triệu chứng sụp mi cùng bên tổn thương (sa mí mắt), đồng tử co lại, lõm mắt (mắt thụt vào trong hốc mắt) và không bài tiết mồ hôi ở phía mặt cùng bên tổn thương.
- Vú to ở nam giới: Do các tế bào ung thư kích thích tiết nội tiết tố một cách bất thường, khiến ngực của người nam giới phát triển như ở nữ giới.
Nguyên nhân ung thư phổi
Theo các nhà khoa học chỉ dưới 10% bệnh ung thư phát sinh là do các rối loạn từ bên trong cơ thể của con người mà thường không thể thay đổi được. Ngược lại có đến hơn 80% bệnh ung thư phát sinh là do liên quan đến yếu tố bên ngoài mà con người có thể thay đổi được, bao gồm các yếu tố nguy cơ sau:
- Thuốc lá: hút thuốc lá, kể cả thụ động là một trong những nguy cơ hàng đầu gây bệnh ung thư phổi. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư cao hơn người không hút thuốc 6–30 lần. Cho đến nay người ta đã phát hiện được trong khói thuốc lá có hơn 4000 chất độc, trong đó hơn 40 chất gây ung thư, đã có nhiều nghiên cứu khảo sát bệnh nhân mắc ung thư phổi đã chỉ ra, 90% người mắc có liên quan đến hút thuốc lá, 24% người mắc bắt nguồn từ hút thuốc thụ động.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Thức ăn bị ngâm, phun nhiều hóa chất, thường xuyên ăn đồ chiên rán…
- Ô nhiễm môi trường: Nghề nghiệp độc hại tiếp xúc Amiant, Chrome, sắt, arsenic, silic, chất thải từ động cơ, khói bụi, tia xạ, ô nhiễm không khí…
- Các bệnh lý mãn tính của phổi: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tổn thương lao phổi cũ, u lao phổi cũ, các nốt vôi hóa, tổn thương sẹo cũ ở phổi, các viêm phổi mạn có dị sản…
- Yếu tố di truyền: Gia đình có người mắc ung thư phổi có nguy cơ cao hơn.
Đối tượng nguy cơ
- Người hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
- Người từ 50 đến 80 tuổi
- Gia đình có người bị ung thư (ung thư phổi hoặc ung thư nào khác), khởi phát trước tuổi 60
- Làm nghề nghiệp liên quan đến bụi phổi, khói (khói nấu ăn, khói thuốc, nhang, amiăng), phóng xạ
- Người mắc ung thư khác: Đã từng điều trị bức xạ ở ngực (ví dụ như ung thư vú hoặc ung thư hạch).
- Mắc các bệnh phổi mãn tính (COPD, lao phổi, …)
Chẩn đoán
Dưới đây là các hình thức chẩn đoán bệnh ung thư phổi:
- CT ngực: với liều thông thường, hay độ phân giải cao có hoặc không tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch, có thể được thực hiện để xem các chi tiết nhỏ hơn bên trong phổi và phát hiện các khối u có thể khó thấy khi chụp X-quang quy ước
- Chụp cắt lớp PET/CT: Chụp cắt lớp PET/CT còn có tác dụng trong việc phát hiện các tổn thương di căn vào xương, màng phổi, hạch và các tổn thương ở các bộ phận khác.
- MRI sọ não: được thực hiện để đánh giá các khối u di căn đến não.
- MRI ngực: MRI ngực thường không phổ biến trong ung thư phổi
- Sinh thiết phổi
- Nội soi khí phế quản
- Sinh thiết màng phổi
- Chọc hút dịch màng phổi, màng tim
- Phẫu thuật sinh thiết hạch ngoại vi ( hạch cổ, thượng đòn, nách)
Phòng ngừa bệnh
Phòng ngừa bệnh ung thư phổi:
- Không hút thuốc lá, hay từ bỏ thói quen hút thuốc lá có thể giảm rõ rệt tỷ lệ mắc ung thư phổi.
- Có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, làm việc hợp lý…
- Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt khi có triệu chứng ho kéo dài, đau ngực…
- Tầm soát ung thư phổi hàng năm.
Điều trị như thế nào
Để điều trị ung thư phổi cần dựa vào thể trạng bệnh nhân, loại mô bệnh học, giai đoạn bệnh. Có thể điều trị đơn thuần một phương pháp hoặc kết hợp nhiều phương pháp với nhau.
- Phẫu thuật: loại bỏ khối u và một lượng nhỏ mô khỏe mạnh xung quanh nó để đảm bảo chúng không để lại bất kỳ tế bào ung thư nào. Đôi khi họ phải cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần phổi của bạn (cắt bỏ) để có cơ hội tốt nhất là ung thư sẽ không quay trở lại.
- Cắt bỏ tần số vô tuyến (RFA): RFA sử dụng sóng vô tuyến năng lượng cao để làm nóng và tiêu diệt tế bào ung thư.
- Xạ trị: Bức xạ sử dụng chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Nó có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc để giúp phẫu thuật hiệu quả hơn. Bức xạ cũng có thể được sử dụng như phương pháp chăm sóc giảm nhẹ, làm thu nhỏ khối u và giảm đau
- Hóa trị: Hóa trị thường là sự kết hợp của nhiều loại thuốc được thiết kế để ngăn chặn tế bào ung thư phát triển.
- Liệu pháp miễn dịch
- Điều trị nhắm trúng đích: Đây là phương pháp trị liệu mới đem lại hiệu quả điều trị cao.
Ngoài các phương pháp trên, tùy từng trường hợp bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị nhắm trúng đích để tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng ít gây ảnh hưởng tới tế bào lành, ít gây tác dụng phụ. Phương pháp này giúp cải thiện thời gian sống và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Kết luận
Ung thư phổi là một bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Việc hiểu rõ về triệu chứng, nguyên nhân và các phương pháp điều trị ung thư phổi sẽ giúp chúng ta nâng cao nhận thức và có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Hãy luôn chú trọng đến sức khỏe của bản thân và gia đình, đồng thời thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến phổi. Điều này không chỉ giúp chúng ta sống khỏe mạnh hơn mà còn góp phần giảm thiểu tỷ lệ tử vong do ung thư phổi trong cộng đồng.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.