Ung thư lưỡi là một bệnh lý ác tính rất nguy hiểm thường gặp ở vùng miệng-lưỡi. Trong giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh thường mơ hồ, và dễ bị bỏ sót. Chỉ khi bệnh đã diễn tiến nặng thì các triệu chứng mới rầm rộ. Vậy dấu hiệu, biến chứng của bệnh và mức độ nguy hiểm của bệnh như thế nào chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Dấu hiệu của ung thư lưỡi
Các triệu chứng của ung thư lưỡi khá nhiều, nhưng lại giống với các bệnh liên quan đến nhiệt miệng nên người bệnh thường chủ quan với những biểu hiện này.
Giai đoạn đầu
Trong giai đoạn đầu của ung thư lưỡi, bệnh nhân có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nghèo nàn. Chúng lại không rõ ràng và dễ nhầm với các bệnh thông thường, khiến nhiều bệnh nhân chủ quan và không đi khám. Những triệu chứng có thể xảy ra ở giai đoạn đầu của bệnh bao gồm:
- Bệnh nhân có cảm giác khó chịu ở vùng lưỡi: cảm giác này giống như có dị vật hay xương cá cắm vào lưỡi, nhưng chỉ thoáng qua.
- Có khối gồ nổi lên bề mặt lưỡi: màu sắc thay đổi, niêm mạc trắng, tổn thương chắc, rắn, có thể ở dạng xơ hóa hoặc loét nhỏ.
- Hạch cổ: có thể gặp ở một số bệnh nhân ung thư lưỡi trong giai đoạn đầu của bệnh.
Giai đoạn toàn phát
Ở giai đoạn toàn phát, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện rõ trên lâm sàng, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bệnh nhân, nên bệnh ung thư lưỡi thường được phát hiện ở giai đoạn này.
- Đau lưỡi: đây là triệu chứng rất thường gặp ở bệnh nhân ung thư lưỡi giai đoạn toàn phát. Đau liên tục, và đau tăng khi bệnh nhân nói hoặc nhai, đặc biệt là ăn thức ăn cay, nóng. Thỉnh thoảng, đau có thể lan lên tai.
- Tăng tiết nước bọt.
- Chảy máu vùng miệng: máu hòa vào nước bọt, và khi nhổ ra nước bọt có màu đỏ.
- Hơi thở có mùi khó chịu: do tổ chức ung thư hoại tử.
- Khó nói, khó nuốt: do lưỡi bị cố định, khít hàm.
- Nhiễm khuẩn: bệnh nhân sốt, mệt mỏi, chán ăn.
- Sụt cân: do tổn thương bệnh lý và do không ăn được.
- Khám lưỡi thấy ổ loét hoặc nhân lớn ở lưỡi: ổ loét phát triển và lan rộng nhanh làm giới hạn vận động của lưỡi; bên ngoài ổ loét có giả mạc nên dễ chảy máu. Có thể không thấy ổ loét mà thay vào đó là một nhân lớn đội lớp niêm mạc lưỡi nhô lên, trên bề mặt niêm mạc có những lỗ nhỏ mà khi ấn vào có chất dịch màu trắng chảy ra, chứng tỏ có tình trạng hoại tử bên dưới.
Giai đoạn tiến triển
Bệnh diễn tiến nhanh theo chiều hướng xấu. Thể loét chiếm ưu thế ở giai đoạn này, loét ăn sâu vào bên dưới và lan rộng ra xung quanh, khiến bệnh nhân đau đớn dữ dội, dễ bị chảy máu và bội nhiễm. Tổn thương hoại tử nhiều nên thường có mùi hôi. Việc thăm khám bệnh nhân là hết sức cần thiết để bác sĩ có thể đánh giá sơ bộ kích thước của khối u cũng như đặc điểm xâm lấn của khối u xuống phía dưới và ra các mô xung quanh (sàn miệng, amygdale, rãnh lưỡi,…). Việc thăm khám có thể khiến cơn đau của bệnh nhân tăng lên nhiều hơn, vậy nên thường phải gây tê trước khi khám để giảm thiểu phản ứng đau trên bệnh nhân.
Ung thư lưỡi giai đoạn cuối
Ở giai đoạn này, các triệu chứng ung thư lưỡi trở nên rầm rộ và nặng nề hơn. Một số triệu chứng có thể gặp ở bệnh nhân giai đoạn cuối:
- Sụt cân nhanh: dấu hiệu này có thể cho thấy bệnh đang trở nặng.
- Mệt mỏi: trong giai đoạn cuối, bệnh nhân mệt mỏi thường xuyên hơn.
- Rối loạn tiêu hóa: ăn mau no, đầy hơi, chướng bụng sau ăn, buồn nôn, rối loạn đại tiện, phân lẫn máu,…
- Sốt kéo dài: có thể báo hiệu một tình trạng xấu trên bệnh nhân.
- Hạch di căn: hay gặp là hạch dưới cằm, hạch dưới hàm, hiếm khi di căn hạch cảnh giữa và dưới.
- Tổn thương lưỡi: thường ở bờ tự do của lưỡi (80%), đôi khi có thể thấy ở các vị trí khác như mặt dưới lưỡi (10%), mặt trên lưỡi (8%), đầu lưỡi (2%).
Biến chứng của ung thư lưỡi
Các biến chứng mà bệnh ung thư lưỡi gây ra gồm:
- Lây lan sang các bộ phận khác: Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ung thư lưỡi có thể lây lan sang các bộ phận khác như cổ họng, hạch bạch huyết và phổi.
- Mất khả năng nói và ăn uống: Khối u lớn có thể ảnh hưởng đến khả năng nói và ăn uống của người bệnh, gây khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
- Suy giảm sức khỏe tổng quát: Người bệnh có thể gặp phải tình trạng suy giảm sức khỏe tổng quát, mất cân nặng và mệt mỏi kéo dài.
- Đau đớn và khó chịu: Ung thư lưỡi thường gây ra đau đớn và khó chịu kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Ung thư lưỡi có nguy hiểm không?
Ung thư lưỡi là một căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.
Tuy nhiên, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sót và phục hồi của người bệnh sẽ cao hơn. Điều quan trọng là nhận biết sớm các dấu hiệu và đi khám bác sĩ ngay khi có triệu chứng nghi ngờ.
Những dấu hiệu sớm của bệnh ung thư lưỡi thường khá mờ nhạt và dễ bị bỏ qua, việc phát hiện sớm bệnh có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị. Chính vì vậy nếu phát hiện các triệu chứng sớm, nghi ngờ bệnh thì bạn nên đi khám và được chẩn đoán bệnh tình sớm. Ngoài ra những đối tượng thuộc đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh cũng nên thường xuyên tầm soát ung thư, nhằm phát hiện sớm bệnh.
Ung thư lưỡi là một bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể được kiểm soát nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu và hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh là rất quan trọng. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán chính xác. Đừng ngần ngại chia sẻ vấn đề của bạn với người thân và bạn bè, bởi họ sẽ là nguồn động viên và hỗ trợ quý giá trong hành trình điều trị của bạn. Hãy chăm sóc sức khỏe của mình, duy trì lối sống lành mạnh và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư lưỡi.