U lympho là một dạng ung thư tấn công hệ thống miễn dịch, cụ thể là tế bào hạch bạch huyết. Hệ thống miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng, và hạch bạch huyết là những “trạm kiểm soát” thiết yếu trong hệ thống này. Chúng nằm rải rác khắp cơ thể, kết nối với nhau bằng mạng lưới mạch bạch huyết. Dịch bạch huyết,mang theo các tế bào bạch cầu, di chuyển qua các hạch này, giúp lọc bỏ vi khuẩn, virus và các tác nhân gây hại khác.
Tổng quan chung
Hạch lympho còn được gọi là hạch bạch huyết và chính là cơ quan rất quan trọng của hệ bạch huyết. Ước tính có khoảng 500 đến 600 hạch lympho trong cơ thể và những hạch này sẽ được phân bố rải rác trên cơ thể theo đường đi của mạch bạch huyết. Tuy nhiên, những vùng thường có nhiều hạch bạch huyết là vùng cổ, nách và bẹn.
Chức năng của hạch lympho là tiêu diệt kháng nguyên và sản sinh ra các kháng thể. Bình thường, hạch rất nhỏ và không sờ thấy. U lympho hay tình trạng ung thư hạch xảy ra khi có sự tăng sinh bất thường của các tế bào bạch huyết, có thể là từ chính các hạch bạch huyết hay cũng có thể là từ cơ quan hạch bạch huyết khác như lá lách, gan.
Bệnh được phân loại như sau:
- U lympho Hodgkin hay còn có tên gọi khác là bệnh Hodgkin: Chiếm 20% số ca mắc. Đây là bệnh ung thư nguy hiểm nhưng tỷ lệ điều trị khỏi bệnh thường rất cao, có thể lên đến 80%. Loại ung thư này chủ yếu xảy ra ở thanh thiếu niên và người trưởng thành trong độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi.
- U lympho không Hodgkin: Chiếm khoảng 80% số ca mắc bệnh. Loại bệnh này phổ biến hơn so với u lympho Hodgkin. Bệnh thường xảy ra ở người lớn tuổi và có thể chia làm 2 loại chính như sau:
- U lympho loại B: Là dạng bệnh phát triển từ tế bào lympho B và những trường hợp này thường rất phổ biến.
- U lympho loại T: Là dạng bệnh phát triển từ tế bào lympho T và ít gặp hơn
Triệu chứng
Những triệu chứng của bệnh u lympho rất đa dạng và khó chẩn đoán. Triệu chứng bệnh thường phụ thuộc vào vị trí khởi phát, thể bệnh mắc phải và những vùng cơ thể bị ảnh hưởng. Cụ thể là:
- Biểu hiện sưng và nổi u: Người bệnh thường bị nổi một hoặc nhiều khối u ở vùng nách, cổ hoặc bẹn. Những khối u này thường không gây đau. Tuy nhiên, nhiều thể bệnh u lympho có thể gây ra những khối u không rõ ràng và bên cạnh đó nhiều căn bệnh khác cũng có biểu hiện nổi u.
- Mệt mỏi: Người bệnh thường xuyên bị mệt mỏi, có cảm giác kiệt sức dù không phải làm việc quá sức. Sau khi ngủ dậy hoặc sau khi nghỉ ngơi, triệu chứng bệnh thường không thuyên giảm. Tuy nhiên, mệt mỏi cũng có thể là biểu hiện của một số căn bệnh khác.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân: Dù bạn không áp dụng chế độ ăn kiêng, không phải lao động quá sức nhưng lại bị sụt cân bất thường. U lympho chính là một trong những bệnh lý gây ra biểu hiện.
- Ra mồ hôi đêm: Nếu thường xuyên bị ra mồ hôi ban đêm, bạn cũng nên thận trọng vì đây cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo bệnh u lympho.
- Sốt: Có nhiều nguyên nhân gây sốt, trong đó bao gồm bệnh u lympho. Khi những hạch lympho tăng sinh quá mức có thể sản xuất ra những chất hóa học khiến cho thân nhiệt của người bệnh tăng cao hơn bình thường.
Ngoài những triệu chứng kể trên, bệnh nhân có thể bị ngứa vùng ngực, khó chịu bụng, thiếu máu, hay một số triệu chứng về thần kinh.
Nguyên nhân
Cho đến nay nguyên nhân sinh bệnh vẫn chưa được chứng minh một cách rõ ràng. Các nhà khoa học chỉ đưa ra một số yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh u lympho như:
- Tổn thương gen
- Yếu tố nhiễm khuẩn: HIV, EBV, HTLV-1, HHV8…
- Yếu tố miễn dịch: Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải HIV/AIDS, sau ghép tạng…
- Bệnh lý tự miễn
- Môi trường: Thuốc trừ sâu, dioxin, phóng xạ…
Đối tượng nguy cơ
Bệnh u lympho có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau và đến nay vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch, cụ thể như sau:
- Chế độ ăn không khoa học, không cân bằng dưỡng chất.
- Lười vận động.
- Thường xuyên hút thuốc lá và uống bia rượu.
- Người hít phải khói thuốc lá thụ động hoặc tiếp xúc với những chất độc hại như thuốc nhuộm tóc, thuốc trừ sâu, tiếp xúc trực tiếp với tia UV,… cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Chẩn đoán
Để xác nhận chẩn đoán bệnh, rất cần thiết có đủ số lượng mô sinh thiết tại các hạch bạch huyết hoặc những vùng có liên quan. Các xét nghiệm hình ảnh như chụp X- Quang, Siêu âm, CT, MRI và PET/CT nên được làm để đánh giá giai đoạn. Các xét nghiệm máu và tủy xương cũng rất cần. Chuyên gia giải phẫu bệnh và Bác sĩ điều trị đều có vai trò quan trọng để chẩn đoán chính xác U lympho.
Phòng ngừa bệnh
Mặc dù không có cách nào đảm bảo ngăn ngừa hoàn toàn u lympho, nhưng bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng cách áp dụng những biện pháp sau:
- Duy trì lối sống lành mạnh bằng chế độ ăn uống cân bằng
- Tập thể dục thường xuyên
- Kiểm soát cân nặng
- Hạn chế bia rượu, thuốc lá
- Ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng
- Bảo vệ hệ miễn dịch bằng cách tiêm phòng đầy đủ
Điều trị như thế nào
Phụ thuộc vào người bệnh bị thể loại U lympho nào và nó phát triển nhanh ra sao, người bệnh có thể được điều trị nhằm mục đích loại bỏ hoàn toàn U lympho hay được điều trị để kiểm soát, hoặc không cần điều trị gì cả ngay từ đầu. Hóa trị liệu là phương pháp điều trị cơ bản cho U hạch. Xạ trị hoặc phẫu thuật có thể được áp dụng trong một số tình trạng U hạch giai đoạn sớm. Ghép tế bào gốc tự thân hoặc đồng loại có thể được thực hiện trong một số tình huống cụ thể ở giai đoạn tiến triển.
U lympho nhạy cảm với hóa trị hơn so với các thể loại U đặc khác, do đó điều trị tích cực nên được cân nhắc thậm chí ở giai đoạn tiến triển. Có rất nhiều loại thuốc và các phác đồ hóa trị liệu, nên quyết định điều trị cần được đưa ra một cách cẩn trọng vì có nhiều tác dụng và tác dụng phụ. Vì thế chuyên gia huyết học với sự hỗ trợ của nhóm đa chuyên khoa là cần thiết để đạt được kết quả điều trị tốt hơn trong quản lý U lympho.
U lympho rất nguy hiểm. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh cũng vô cùng phức tạp. Do đó, nếu có những dấu hiệu nghi ngờ bệnh, bạn không nên chủ quan mà hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị bệnh càng sớm càng tốt.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.