Viêm tá tràng ở trẻ em là căn bệnh càng ngày càng xuất hiện phổ biến không chỉ người lớn mà còn ở trẻ em. Viêm tá tràng là tình trạng niêm mạc tá tràng bị tổn thương, biểu hiện là những vết loét sâu xuống lớp cơ niêm mạc. Bệnh viêm tá tràng nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, ung thư tá tràng …
Nguyên nhân gây viêm tá tràng ở trẻ em
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm tá tràng ở trẻ em:
- Thông thường từ thói quen người lớn luôn ép trẻ ăn quá no, gây cho dạ dày trẻ không kịp tiêu hóa, làm buồn nôn dễ ói, dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng.
- Stress vì học hành quá tải
- Lo lắng quá nhiều
- Sử dụng một số thuốc gây ảnh hưởng dạ dày.
- Sống trong môi trường khói thuốc lá, không chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch mà còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, đặc biệt vẫn còn nhiều gia đình còn thói quen cũ như mớm thức ăn, hay cho trẻ dùng chung nước chấm,… dẫn đến lây nhiễm vi khuẩn HP từ người lớn.
Phần lớn bệnh nhi đến khám vì triệu chứng đau bụng mơ hồ, do đó cần hỏi kỹ bệnh sử, khám lâm sàng và làm một số xét nghiệm sàng lọc ban đầu ở trẻ đau bụng mạn để tìm dấu hiệu viêm tá tràng ở trẻ.
Các dấu hiệu viêm tá tràng ở trẻ em cần lưu ý:
- Đau bụng kéo dài ở trẻ < 5 tuổi
- Đau vùng thượng vị, đau liên quan đến ăn uống
- Cơn đau thức giấc buổi tối
- Ói mửa nặng
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Chậm tăng trưởng không rõ nguyên nhân
- Ói máu, tiêu máu
- Thiếu máu không rõ nguyên nhân
- Máu ẩn/ phân (+)
Phương pháp chẩn đoán và phân loại viêm tá tràng ở trẻ em
Viêm tá tràng ở trẻ em thường có 2 nhóm:
- Nguyên phát: thường liên quan đến vi khuẩn Helicobacter pylori (H.pylori)
- Thứ phát: xảy ra khi có yếu tố tấn công gây mất thăng bằng nội mô bình thường của niêm mạc dạ dày như stress, một số thuốc (corticoid, NSAIDS, aspirin,…), nhiễm trùng,…
Hiện này có 2 phương pháp chẩn đoán viêm tá tràng thường được sử dụng đó là nội soi tiêu hóa trên và 1 phương pháp ít phổ biến hơn là chụp X-quang tiêu hóa trên hàng loạt.
- Phương pháp nội soi tiêu hóa trên
Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ đặt một ống mềm có gắn camera và dẫn ống vào bên trong người bệnh nhân theo đường tiêu hóa qua miệng, giúp phát hiện và chụp hình những tổn thương viêm loét. Ngoài ra, phương pháp này còn có thể thực hiện để sinh thiết và hỗ trợ điều trị trong trường hợp bệnh nhân bị chảy máu dạ dày.
- Phương pháp chụp X-quang tiêu hóa trên hàng loạt
Đây là phương pháp chẩn đoán loét tá tràng bằng cách chụp hình dạ dày và xem xét vết loét thông qua hình ảnh X-quang. Ở phương pháp này, bệnh nhân sẽ được yêu cầu uống chất cản quang barit trước khi chụp hình. Chất cản quang này sẽ giúp các bác sĩ xác định được các vết loét ở niêm mạc dạ dày và chẩn đoán được tình hình bệnh.
Tuy nhiên, phương pháp chụp X-quang tiêu hóa trên hàng loạt ít được sử dụng rộng rãi hơn so với phương pháp nội soi tiêu hóa trên vì khả năng phát hiện tổn thương kém hơn và không thể giúp sinh thiết hay hỗ trợ điều trị cầm máu.
Ngoài 2 phương pháp trên còn có phương pháp kiểm tra HP bằng hơi thở. Phương pháp này so với 2 phương pháp đã nêu thì thực hiện đơn giản hơn, bệnh nhi dễ dàng tiếp nhận hơn so với việc thực hiện nội soi. Mục đích của phương pháp này là để bác sĩ kiểm tra dạ dày – tá tràng có bị nhiễm vi khuẩn HP hay không bằng cách uống dung dịch có chứa ure 15 – 30 phút trước khi lấy mẫu hơi thở. Phương pháp này được cho là có kết quả chính xác và có thể dễ dàng sử dụng với mọi đối tượng. Phương pháp này cũng được dùng một cách đánh giá hiệu quả điều trị diệt trừ vi khuẩn H.pylori với bệnh nhân viêm loét dạ dày – tá tràng sau một thời gian điều trị.
Chiến lược chăm sóc và quản lý
Để bệnh nhi mau hồi phục sức khỏe và hạn chế tái phát lại bệnh, cha mẹ cần chú ý các bữa ăn cho trẻ đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh. Một chế độ ăn hợp lý không những đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh mà còn giúp cho đường tiêu hóa của trẻ được khỏe mạnh, trẻ phát triển tốt cả về thể chất lẫn trí tuệ.
Các loại thức ăn cần được bổ sung cho trẻ:
- Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các loại chất béo từ cá vì chứa nhiều axit béo thiết yếu và năng lượng cho cơ thể.
- Bổ sung protein có nguồn gốc từ thịt (thịt gà, thịt lợn nạc vai), sữa, trứng,…
- Các loại thức ăn chứa nhiều kẽm như sò, hàu, thịt, cá… giúp vết thương nhanh lành.
- Bổ sung vitamin thông qua các loại rau củ quả trong chế độ ăn hằng ngày như khoai lang, khoai tây chứa nhiều vitamin C và beta-caroten, cà rốt, dầu gan cá chứa nhiều vitamin A,…
- Trường hợp là trẻ nhỏ ba mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ và chia thành nhiều lần bú trong ngày.
- Hạn chế các loại đồ ăn làm nặng thêm tình trạng bệnh lý như ăn thức ăn chứa hàm lượng đạm cao, nhiều dầu mỡ động vật… gây khó tiêu hóa làm khó chịu cho trẻ; thức ăn cứng và có thời gian tiêu hóa lâu như thịt chứa nhiều gân, rau muống, bí đỏ… làm tổn thương niêm mạc dạ dày- tá tràng.
- Hạn chế thức ăn gây tăng tiết axit dạ dày như thực phẩm chua (mẻ, giấm), trái cây chua (chanh, quýt, xoài, khế), đồ ăn gây chướng bụng (cần tây, hẹ, giá đỗ,…) và hạn chế thức uống có ga, đồ ăn nhanh đóng hộp (xúc xích, thịt nguội, pizza,…)
- Thực phẩm cần được chế biến phù hợp như thái nhỏ, đảm bảo nấu chín kĩ, mềm; hạn chế dầu mỡ (ưu tiên các món luộc, hấp sôi).
- Cha mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ nhai kỹ, ăn chậm, tránh trường hợp vừa ăn vừa chơi… nhằm giúp trẻ tăng bài tiết nước bọt và tiêu hóa dễ hơn, đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ, không bỏ bữa, không nhịn đói kết hợp với vệ sinh cá nhân và vệ sinh ăn uống đầy đủ để tránh nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP.
- Cha mẹ cũng nên tránh để trẻ chịu áp lực, stress hay căng thẳng, đặc biệt là những áp lực thi cử.
- Trong quá trình điều trị bệnh bằng thuốc, cha mẹ cần nêu ra những thuốc trẻ bị dị ứng, tiền sử bệnh lý để bác sĩ nắm và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất.