Acetaminophen là gì?
Acetaminophen còn được gọi là Paracetamol ở một số nước, là một loại thuốc giảm đau và hạ sốt phổ biến được sử dụng trên toàn thế giới, thuốc không chứa opioid được sử dụng để điều trị cơn đau nhẹ đến trung bình. Ngoài ra, trong một số trường hợp có kết hợp với các loại thuốc khác thì acetaminophen cũng được dùng để giảm đau vừa đến nặng hoặc hạ sốt.
Acetaminophen thường được bào chế với dạng thuốc dùng đường uống vàcó thể tiêm tĩnh mạch. Ưu điểm của thuốc acetaminophen chính là thuốc không gây loét dạ dày và ruột. Tuy nhiên, acetaminophen không có tác dụng làm giảm sưng (viêm) như NSAID.
Chỉ định và chống chỉ định khi dùng thuốc acetaminophen
Chỉ định:
- Acetaminophen nằm trong nhóm thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt. Acetaminophen được chỉ định sử dụng để giảm đau từ nhẹ đến trung bình do đau đầu, đau cơ, đau bụng hoặc đau lưng khi tới kỳ kinh nguyệt, đau họng, đau răng, đau do viêm xương khớp,… Ngoài ra, loại thuốc này cũng có thể được sử dụng để hạ sốt do cảm cúm, cảm lạnh, sốt do các bệnh nhiễm trùng khác,…
- Acetaminophen hoạt động bằng cách tác động đến hệ thống thần kinh, làm thay đổi cách cơ thể cảm nhận cơn đau và làm mát cơ thể.
Chống chỉ định:
Acetaminophen là một loại thuốc an toàn và hiệu quả khi được sử dụng đúng liều lượng, nhưng cũng có một số trường hợp nên hạn chế hoặc tránh sử dụng. Dưới đây là một số chống chỉ định khi sử dụng thuốc acetaminophen:
- Quá mẫn: Người có tiền sử dị ứng với acetaminophen hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc có chứa acetaminophen.
- Bệnh gan: Người bệnh gan hoặc có rối loạn chức năng gan nên hạn chế sử dụng acetaminophen hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Uống rượu bia: Sử dụng acetaminophen cùng với việc uống rượu bia có thể tăng nguy cơ tổn thương gan.
- Người mắc bệnh thận, tiểu đường cần thận trọng khi sử dụng acetaminophen và cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Phụ nữ có thai hoặc cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Sử dụng acetaminophen cùng với một số loại thuốc khác có thể gây tương tác thuốc. Trước khi sử dụng acetaminophen cùng với bất kỳ loại thuốc nào khác, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Cách dùng thuốc acetaminophen hiệu quả và an toàn
Để sử dụng thuốc acetaminophen một cách hiệu quả và an toàn, người bệnh cần tuân thủ một số hướng dẫn và lưu ý sau:
- Luôn sử dụng acetaminophen theo liều lượng được khuyến cáo, đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ.
- Đặc biệt cẩn trọng với trẻ em: Sử dụng các dạng acetaminophen dành cho trẻ em nếu cần thiết và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ.
- Không sử dụng quá liều: Tránh sử dụng quá liều acetaminophen vì điều này có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng. Không kết hợp sử dụng nhiều sản phẩm chứa acetaminophen mà không được sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Kiểm tra tương tác thuốc: Trước khi sử dụng acetaminophen cùng với bất kỳ loại thuốc nào khác, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để đảm bảo không gây tương tác thuốc không mong muốn.
- Bảo quản thuốc đúng cách: Bảo quản acetaminophen ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp và nhiệt độ cao. Đặt xa tầm tay của trẻ em để tránh sự cố.
- Không sử dụng trong các trường hợp chống chỉ định: Tránh sử dụng acetaminophen nếu bạn có tiền sử quá mẫn với thuốc hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc, bệnh gan nghiêm trọng, hoặc trong các trường hợp khác có chống chỉ định.
- Theo dõi các tác dụng phụ: Theo dõi các triệu chứng tác dụng phụ như đau bụng, buồn nôn, nổi mẩn da và liên hệ ngay với bác sĩ nếu có các triệu chứng không mong muốn.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Trong trường hợp bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc quan ngại nào liên quan đến việc sử dụng acetaminophen, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn cụ thể và an toàn nhất.
Các dạng bào chế và hàm lượng thuốc acetaminophen
- Acetaminophen được sản xuất và bán dưới nhiều dạng bào chế khác nhau để phù hợp với nhu cầu và tình trạng sức khỏe của người sử dụng. Acetaminophen có dạng viên nén, viên nhai, viên nang, hỗn dịch hoặc sirô, viên giải phóng kéo dài, viên tan trong miệng, viên sủi và dạng bột hòa tan. Ngoài ra, thuốc còn có dưới dạng viên đặt trực tràng hoặc thuốc tiêm qua đường tĩnh mạch.
- Hiện nay, 2 hàm lượng phổ biến nhất của thuốc acetaminophen là hàm lượng 325mg và 500mg. Đây là hàm lượng an toàn để dùng toàn bộ viên thuốc trong 1 lần. Ngoài ra còn có hàm lượng 80mg, 150mg, 250mg và 300mg thường được dùng cho trẻ em.
Liều dùng thuốc acetaminophen
Liều dùng cho người lớn:
- Liều dùng thông thường: Người lớn cần giảm đau, hạ sốt có thể dùng acetaminophen theo liều 325-650 mg/lần và dùng cách nhau 4-6 tiếng. Không dùng quá 1000 mg cùng một lúc hoặc quá 3000 mg trong 24 giờ. Trong một số trường hợp có thể dùng tối đa 4000 mg trong 24 giờ. Tuy nhiên, đây là các trường hợp có chỉ định và có sự theo dõi của bác sĩ.
- Với thuốc dạng phóng thích kéo dài: Có thể dùng liều 1300mg mỗi lần uống và dùng mỗi liều cách nhau 8 giờ. Không dùng quá 3900 mg/ngày.
- Với thuốc đặt trực tràng: Thuốc acetaminophen đặt trực tràng được dùng ở liều 650mg/lần và không vượt quá 3900 mg/ngày.
Liều dùng cho trẻ em:
- Thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên có thể dùng liều acetaminophen như liều của người lớn.
- Trẻ em dưới 12 tuổi: Trẻ dưới 12 tuổi được dùng liều acetaminophen tính theo cân nặng với công thức: 10 – 15 mg/kg. Mỗi liều thuốc acetaminophen nên cách nhau từ 4-6 tiếng và không dùng quá 5 liều trong 24 giờ.
- Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi: Dù acetaminophen có thể dùng như thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
Các lưu ý khi sử dụng thuốc acetaminophen
Để chắc chắn rằng bạn dùng acetaminophen một cách an toàn, bạn nên:
- Có rất nhiều loại thuốc có thành phần chứa acetaminophen, tuy nhiên bạn không dùng nhiều loại thuốc có chứa acetaminophen cùng một lúc. Vì vậy, cần đọc kỹ thông tin thuốc để biết thuốc có chứa acetaminophen không và nắm được hàm lượng acetaminophen trong các loại thuốc mà mình sử dụng. Cần lưu ý APAP, AC, Acetaminophen, Acetaminophen, Acetamino, Acetamin hoặc Acetam,… cũng có thể được dùng để viết tắt thay cho acetaminophen. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn không biết liệu loại thuốc bạn đang dùng có chứa acetaminophen hay không.
- Nếu bạn đang cho trẻ uống acetaminophen, hãy chắc chắn rằng bạn sử dụng sản phẩm dành cho trẻ em. Không cho trẻ em dùng các sản phẩm chứa acetaminophen dành cho người lớn.
- Đảm bảo tay khô khi cầm thuốc, đặc biệt là các loại thuốc dạng viên.
- Với thuốc dạng hòa tan, chỉ dùng nước lọc để hòa tan thuốc. Không cho thuốc vào các loại chất lỏng khác như cà phê, trà, sữa,…
- Dùng acetaminophen đúng theo chỉ dẫn trên đơn thuốc hoặc hướng dẫn trên bao bì. Không dùng nhiều acetaminophen hơn hoặc uống thường xuyên hơn chỉ dẫn, ngay cả khi bạn vẫn bị sốt hoặc đau. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ nếu bạn không biết nên dùng bao nhiêu thuốc hoặc tần suất dùng thuốc như thế nào.
- Hàm lượng dùng tối đa là 4000 mg acetaminophen mỗi ngày. Nếu bạn cần dùng nhiều hơn một sản phẩm thuốc có chứa acetaminophen, bạn có thể khó tính được tổng lượng acetaminophen bạn đang dùng. Do đó, khi bác sĩ kê đơn thuốc, cần cho bác sĩ biết nếu bạn đang dùng các loại thuốc khác cũng có thành phần chứa acetaminophen.
- Thông báo với bác sĩ nếu bạn đang hoặc đã từng mắc bệnh gan như xơ gan, viêm gan,… hoặc bạn thường xuyên dùng rượu, bia. Tốt nhất cần phải nói với bác sĩ về tất cả các loại thuốc khác mà bạn sử dụng, bao gồm vitamin và thảo dược, cũng như chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng của bạn.
- Không dùng acetaminophen nếu bạn thường xuyên uống rượu bia và các loại đồ uống có cồn.
- Không nên sử dụng các sản phẩm acetaminophen kết hợp trị thuốc ho và cảm lạnh có thành phần chứa thuốc thông mũi, thuốc kháng histamin, thuốc giảm ho và thuốc long đờm cho trẻ dưới 2 tuổi. Việc sử dụng những loại thuốc này ở trẻ nhỏ có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng hoặc tử vong. Ở trẻ em từ 2 đến 11 tuổi, nên sử dụng các sản phẩm trị ho và cảm lạnh kết hợp một cách cẩn thận và chỉ theo hướng dẫn cụ thể.
- Ngừng dùng thuốc và ngay lập tức đến bệnh viện nếu:
- Bạn cho rằng mình đã uống quá nhiều acetaminophen, ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe.
- Bạn vẫn bị đau họng sau 2 ngày sử dụng; bạn vẫn bị sốt sau 3 ngày sử dụng; bạn vẫn bị đau sau 7 ngày sử dụng (hoặc 5 ngày nếu điều trị cho trẻ em).
- Bạn bị phát ban trên da, nhức đầu liên tục, đau bụng, vàng da, nước tiểu sẫm màu, buồn nôn, nôn,… hoặc bất cứ triệu chứng khác thường nào.
- Các triệu chứng bệnh của bạn trở nên nghiêm trọng hơn.
- Dùng acetaminophen có thể gây ra kết quả sai với một số máy đo đường huyết. Nếu bạn bị tiểu đường, hãy hỏi bác sĩ về cách tốt nhất để theo dõi lượng đường trong máu khi sử dụng thuốc.
- Trao đổi trực tiếp với dược sĩ hoặc bác sĩ nếu bạn có thắc mắc về việc sử dụng acetaminophen hoặc các sản phẩm có chứa acetaminophen.
Tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng acetaminophen
Thuốc acetaminophen thường có ít tác dụng phụ nên có thể dùng như thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, acetaminophen có thể gây phản ứng da nghiêm trọng và có thể gây tử vong, ngay cả khi bạn đã dùng acetaminophen trước đây và không có phản ứng gì.
Một số tác dụng phụ của thuốc như: đau dạ dày, buồn nôn, nổi mề đay, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng của bạn. Ngoài ra, một số người còn gặp tình trạng nước tiểu có lẫn máu, phân đen, loét miệng, chảy máu hoặc bầm tím bất thường, tăng tiết mồ hôi,… Cụ thể, các tác dụng phụ khi dùng thuốc gồm có:
- Gan:
- Phổ biến (1% đến 10%): Chỉ số aspartate aminotransferase tăng
- Hiếm (dưới 0,1%): Tăng transaminase gan
- Tiêu hóa:
- Rất phổ biến (10% trở lên): Buồn nôn (lên đến 34%), nôn mửa (lên đến 15%)
- Thường gặp (1% đến 10%): Đau bụng, tiêu chảy, táo bón, khó tiêu, bụng to
- Tần suất không được báo cáo : Khô miệng
- Quá mẫn: Sốc phản vệ, dị ứng
- Huyết học:
- Thường gặp (1% đến 10%): Thiếu máu, xuất huyết sau phẫu thuật
- Rất hiếm (dưới 0,01%): Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu
- Da liễu:
- Thường gặp (1% đến 10%): Phát ban, ngứa
- Hiếm (dưới 0,1%): Phản ứng da nghiêm trọng như mụn mủ toàn thân cấp tính, hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc
- Rất hiếm (dưới 0,01%): Bọng nước dạng pemphigoid, phát ban mụn mủ, hội chứng Lyell
- Hô hấp: Thường gặp (1% đến 10%): Khó thở, âm thanh hơi thở bất thường, phù phổi, thiếu oxy, tràn dịch màng phổi, thở rít, thở khò khè, ho
- Tim mạch: Thường gặp (1% đến 10%): Phù ngoại biên, tăng huyết áp, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, đau ngực
- Trao đổi chất: Thường gặp (1% đến 10%): Hạ kali máu, tăng đường huyết
- Hệ thần kinh:
- Thường gặp (1% đến 10%): Nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, lo lắng
- Tần số không được báo cáo: Loạn trương lực cơ
- Cơ xương khớp: Thường gặp (1% đến 10%): Co thắt cơ, cứng khít hàm
- Sinh dục tiết niệu: Phổ biến (1% đến 10%): Thiểu niệu (lượng nước tiểu trong 24 giờ giảm)
- Đau: Phổ biến (1% đến 10%): Đau tại vị trí tiêm thuốc (với trường hợp dùng acetaminophen dạng tiêm)
- Mắt: Thường gặp (1% đến 10%): Sưng phù quanh ổ mắt
- Khác:
- Thường gặp (1% đến 10%): Sốt, mệt mỏi
- Hiếm (0,01% đến 0,1%): Khó chịu, kiệt sức
Chỉ sử dụng Acetaminophen khi cần thiết, không nên sử dụng thuốc liên tục trong thời gian dài mà không có sự giám sát y tế. Nếu cảm thấy đau hoặc sốt kéo dài, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ. Tuân thủ các lưu ý trên sẽ giúp bạn sử dụng acetaminophen một cách an toàn và hiệu quả trong điều trị các triệu chứng đau và sốt.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.