Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của bé. Đặc điểm giấc ngủ ở trẻ sơ sinh từ 0-3 tháng có rất nhiều đặc điểm khác so với trẻ lớn và người lớn. Mời bạn tìm hiểu bài viết dưới đây.
Sự khác biệt về cấu trúc và chu kỳ giấc ngủ đêm và giấc ngủ ngày ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh gần như ngủ suốt ngày đêm, chỉ thức dậy để bú (khoảng 2 đến 3 giờ bú một lần). Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể tích dạ dày nhỏ nên mau đói, vì vậy phải thức dậy sau vài giờ để bú. Do cũng chưa phân biệt được ngày đêm nên có những bé sẽ ngủ suốt vào ban ngày và thức giấc nhiều hơn vào ban đêm.
Các giai đoạn của một giấc ngủ của trẻ
Có 2 loại giấc ngủ:
- Giấc ngủ nhanh (REM – rapid eye movement: cử động mắt nhanh): Đây là giấc ngủ nông, trẻ sẽ nằm mơ và mắt sẽ cử động nhanh theo chiều trước sau. Mặc dù trẻ nhỏ ngủ khoảng 16 giờ mỗi ngày, nhưng khoảng phân nửa thời gian là giấc ngủ REM. Đây là giai đoạn ngủ mà NÃO PHÁT TRIỂN, còn gọi là ‘ngủ động’ (active sleep): khi ngủ mơ và đôi khi có nhiều cử động hoặc biểu cảm trên mặt và cơ thể.
- Giấc ngủ chậm (Non-REM – Non- rapid eye movement: không cử động mắt nhanh). Có 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: buồn ngủ – mí mắt sụp xuống hay có thể chớp liên tục, ngủ gà ngủ gật.
- Giai đoạn 2: ngủ lơ mơ – trẻ có thể vẫn cử động, giật mình, vặn mình, kêu “è è”
- Giai đoạn 3: ngủ sâu – trẻ im lặng và không cử động
- Giai đoạn 4: ngủ rất sâu – trẻ im lặng và không cử động
Giấc ngủ của bé sẽ diễn tiến theo chu kỳ, bắt đầu tuần tự từ giai đoạn 1, sau đó chuyển sang giai đoạn 2, giai đoạn 3, giai đoạn 4, rồi quay lại giai đoạn 2, rồi chuyển sang ngủ REM. Trong một giấc ngủ có thể có vài chu kỳ ngủ, trong vài tháng đầu, trẻ có thể thức giấc khi chuyển từ ngủ sâu sang ngủ lơ mơ và có thể khó ngủ trở lại.
Do đó, mỗi giấc ngủ của trẻ sơ sinh có khoảng 60% thời gian của giấc ngủ là ở trạng thái ‘ngủ động’ (trẻ vặn mình, thay đổi tư thế, uốn éo, nhăn mặt, khóc nhưng vẫn ngủ). Tương ứng với mức độ trưởng thành của não (> 5 tuổi), tỉ lệ ‘ngủ động’ trong giấc ngủ sẽ giảm dần còn khoảng 20% thời gian của giấc ngủ, và 80% là ngủ yên.
Những vấn đề thường gặp về giấc ngủ ngày và giấc ngủ đêm
Một số trẻ sơ sinh thức cả đêm và ngủ nhiều vào ban ngày
Nhiều em bé xuất hiện sự rối loạn về giấc ngủ ngày và đêm, thậm chí đảo ngược thói quen ngủ vào ban ngày và thức vào ban đêm. Chúng thường ít vận động, dành nhiều thời gian cho việc ngủ vào ban ngày và tỉnh táo hơn ban đêm.
Tình trạng thức đêm của trẻ chỉ là tạm thời. Khi não và hệ thần kinh trung ương của chúng phát triển đầy đủ, chu kỳ giấc ngủ sẽ kéo dài hơn và trẻ sẽ ngủ nhiều hơn vào ban đêm. Hầu hết các bé sẽ tự điều chỉnh thời gian ngủ theo thời gian biểu của gia đình trong khoảng 1-3 tháng hoặc lâu hơn nhưng thường không quá 1 năm.
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh thất thường và khó nắm bắt
Trong những tuần đầu tiên sau khi chào đời, trẻ sơ sinh có thể ngủ rất nhiều, có thể lên đến 16-18 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên có một vấn đề là chúng sẽ không ngủ quá 4 giờ cho mỗi giấc ngủ, kể cả ngày hay đêm.
Trẻ sơ sinh thường ngủ 14-18 giờ mỗi ngày trong tuần đầu tiên và 12-16 giờ khi chúng đã được một tháng tuổi. Có nhiều trẻ sẽ ngủ nhiều hoặc ít hơn một chút so với những giá trị trên. Thật không may tuy ngủ nhiều nhưng trẻ sơ sinh cũng cần được ăn nhiều lần trong ngày, kể cả vào ban đêm, điều đó dẫn đến hậu quả là tình trạng thiếu ngủ của các bà mẹ.
Phương pháp hỗ trợ giấc ngủ ngày và đêm ở trẻ sơ sinh
Ngay từ sáu tuần tuổi, bé đã có thể học cách ngủ ngon. Trong độ tuổi này, có vài cách rất hiệu quả để giúp bé ngủ ngon.
Nhận biết dấu hiệu cho thấy bé buồn ngủ
Trong 6 – 8 tuần đầu sau sinh, bé không thể thức lâu hơn hai giờ liên tục. Nếu bạn để bé thức lâu hơn hai giờ, bé sẽ quá mệt mỏi và lại trở nên khó ngủ.
Vì vậy, bạn nên nhận biết những dấu hiệu buồn ngủ của bé như chớp mắt liên tục, lim dim, kéo tai, ngáp hay quầng dưới mắt thâm lại. Bạn đừng lo, bạn sẽ mau chóng có giác quan thứ sáu nhận ra con mình đang buồn ngủ. Nếu bạn nhận thấy bé buồn ngủ thì nên đặt bé vào nôi hay giường.
Dạy bé phân biệt giữa ngày và đêm
Vài bé sơ sinh có thói quen thức đêm ngay từ trong bụng mẹ biểu hiện khi bé quẫy đạp trong bụng mẹ nhiều hơn vào ban đêm. Khi chào đời, bé cũng vẫn duy trì thói quen này và làm mẹ mệt mỏi vì không chịu ngủ khi mẹ đã ríu mắt rồi. Trong vài ngày đầu sau sinh, bạn không thể thay đổi bé ngay được mà chỉ có thể bắt đầu dạy bé khi bé đã được hai tuần tuổi.
- Ban ngày, khi bé còn thức:
- Chơi với bé càng nhiều càng tốt
- Nói chuyện và hát cho bé nghe khi cho bú các cữ ban ngày.
- Đảm bảo phòng ngủ nhiều ánh sáng vào ban ngày.
- Không cần “cắt đứt” mọi tiếng ồn thông thường vào ban ngày
- Nếu đang bú mà bé thiu thiu ngủ thì nhẹ nhàng đánh thức bé dậy.
- Ban đêm:
- Giữ yên lặng và nói khẽ khi cho bé bú cữ đêm.
- Giữ phòng tối (có thể để đèn ngủ ánh sáng dịu) và yên tĩnh, không trò chuyện nhiều.
- Cần phải dạy bé nhận biết ban đêm là lúc ngủ ngay từ khi bé được hai tuần tuổi, đừng để quá muộn.
Dạy bé tự ngủ
Khi bé đã được 6 – 8 tuần tuổi, bạn có thể bắt đầu dạy bé tự ngủ. Bạn nên đặt bé vào nôi hay xuống giường khi bé buồn ngủ nhưng vẫn còn thức. Cách bạn dỗ bé ngủ trong tám tuần đầu sau sinh rất quan trọng. Nếu bạn cho bé nằm võng hay nằm nôi lắc, đu đưa bé, bế rung bé khi trong tám tuần đầu thì bé sẽ quen và bé sẽ không thể ngủ nếu không được rung lắc, đu đưa như vậy. Vì vậy, nhiều chuyên gia khuyên không nên đung đưa bé, không cho bé ngậm núm vú giả để dỗ bé ngủ ngay từ sau sinh. Bạn sẽ thiết lập một “thủ tục” trước khi ngủ cho bé như hát ru, nghe nhạc nhẹ, vỗ nhẹ mông, gãi nhẹ đầu… nhưng cần nhớ rằng bạn sẽ phải làm “thủ tục” này mỗi đêm nên bạn cần chọn “thủ tục” nào vừa thích hợp với bé vừa “khả thi” đối với bạn. Bạn có thể bế bé đến khi bé thiu thiu ngủ rồi đặt bé xuống chứ không nên để bé ngủ trên tay mình rồi mới đặt xuống vì sẽ tạo nên thói quen xấu là phải được bế mới ngủ và bé sẽ thức dậy ngay khi bạn đặt bé xuống giường.
Hy vọng những chia sẻ trên đây giúp mẹ không còn lúng túng trong chăm sóc giấc ngủ cho trẻ, biết cách tạo thói quen ngủ phù hợp với trẻ.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.