Vai trò của thận với cơ thể là lọc và thải bỏ các chất thải, chất hoặc dịch dư thừa ra khỏi máu và đưa vào nước tiểu để thải ra ngoài. Bộ phận có vai trò như bộ lọc để thận thực hiện chức năng này là các cấu thận. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số thông tin về Hội chứng thận hư.
Tổng quan chung
Hội chứng thận hư là một hội chứng lâm sàng và sinh hoá, xuất hiện khi có tổn thương ở cầu thận do nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau gây thoát protein qua màng lọc cầu thận ra nước tiểu.
Triệu chứng
Người mắc hội chứng thận hư sẽ có các triệu chứng như:
- Sưng phù: Triệu chứng này thường xuất hiện quanh vùng mắt, mắt cá chân và bàn chân, có thể kèm theo tràn dịch màng bụng, màng phổi.
- Nước tiểu xuất hiện bọt.
- Tăng trọng lượng cơ thể do lượng nước dư thừa không thoát được ra ngoài.
- Kém ăn, mệt mỏi.
- Ăn mất ngon.
Nguyên nhân
- Bệnh thận do đái tháo đường (một biến chứng của bệnh đái tháo đường), gây ảnh hưởng đến cầu thận.
- Bệnh cầu thận thay đổi tối thiểu: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng thận hư ở trẻ em. Bệnh cầu thận thay đổi tối thiểu dẫn đến chức năng thận bất thường, nhưng khi kiểm tra mô thận dưới kính hiển vi, mô có vẻ bình thường hoặc gần như bình thường. Nguyên nhân này vẫn chưa được xác minh rõ.
- Xơ vữa cầu thận đoạn khu trú: Đặc trưng bởi sẹo xuất hiện ở cầu thận. Tình trạng này có thể là do một bệnh lý khác (như khiếm khuyết di truyền) hoặc một số loại thuốc gây ra, hoặc cũng có thể xảy ra mà không rõ lý do.
- Bệnh thận màng: Rối loạn thận này là hậu quả của sự dày lên của màng trong cầu thận, do các chất lắng đọng của hệ miễn dịch tạo ra. Nó có thể liên quan đến các bệnh lý khác, chẳng hạn như lupus, viêm gan B, sốt rét và ung thư, hoặc có thể xảy ra mà không rõ lý do.
- Bệnh lupus: Bệnh lupus có thể gây tổn thương thận nghiêm trọng.
- Bệnh tăng amyloid.
Đối tượng nguy cơ
Hội chứng thận hư xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở trẻ em (chủ yếu là bệnh cầu thận thay đổi tối thiểu nguyên phát), hầu hết ở lứa tuổi từ 1,5 tuổi đến 4 tuổi. Hội chứng thận hư bẩm sinh xuất hiện trong năm đầu tiên của cuộc đời. Ở độ tuổi trẻ (< 8 tuổi), trẻ trai bị nhiều hơn trẻ gái, nhưng cả hai giới đều bị ảnh hưởng như nhau ở độ tuổi lớn hơn. Có những yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Mắc bệnh ảnh hưởng đến thận như viêm cầu thận phân đoạn khu trú (Focal segmental glomerulosclerosis – FSGS), Lupus, hoặc đái tháo đường.
- Dùng một số loại thuốc trong thời gian dài, như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS), hoặc thuốc kháng sinh.
- Bị nhiễm trùng như HIV, viêm gan B, viêm gan C, sốt rét.
Chẩn đoán
Các xét nghiệm và thủ tục được sử dụng để chẩn đoán hội chứng thận hư bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu: Phân tích nước tiểu có thể tiết lộ những bất thường trong nước tiểu, chẳng hạn như lượng lớn protein. Người bệnh có thể được yêu cầu thu thập mẫu nước tiểu trong vòng 24 giờ.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể cho thấy mức độ albumin protein thấp và thường làm giảm mức độ protein trong máu nói chung. Mất albumin thường liên quan đến sự gia tăng cholesterol trong máu và chất béo trung tính trong máu. Nồng độ creatinin và urê nitơ trong máu cũng có thể được đo để đánh giá chức năng thận tổng thể.
- Sinh thiết thận: Trong quá trình sinh thiết thận, một cây kim sẽ được đưa qua da và vào thận. Mô thận được thu thập và gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm. Nếu người bệnh mắc bệnh tiểu đường và bác sĩ nghi ngờ mắc hội chứng thận hư, người bệnh có thể không cần sinh thiết thận. Bệnh sử, xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu có thể đủ để giúp bác sĩ chẩn đoán hội chứng thận hư do bệnh tiểu đường.
Phòng ngừa bệnh
Hội chứng thận hư gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Vậy nên việc chủ động phòng ngừa bệnh lý này là điều vô cùng quan trọng:
- Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc và các chất không có nguồn gốc rõ ràng, có thể gây độc cho thận.
- Tìm hiểu các thông tin về hội chứng thận hư để biết nguyên nhân, triệu chứng, biết cách phát hiện, dự phòng và điều trị bệnh.
Điều trị như thế nào?
Để điều trị hội chứng này, bác sĩ cần tập trung điều trị nguyên nhân gây tổn thương cầu thận, phục hồi chức năng cầu thận và các triệu chứng bệnh lý, hạn chế sự xuất hiện của các biến chứng.
Người bệnh được điều trị bằng thuốc nội khoa, với một số loại thuốc thường sử dụng như:
- Thuốc lợi tiểu: Giúp giảm sưng, phù, tăng bài tiết nước tiểu.
- Thuốc chống đông máu: Nhằm ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Kiểm soát hệ miễn dịch, giảm tình trạng viêm.
- Thuốc giúp kiểm soát huyết áp.
- Các loại thuốc điều trị rối loạn chuyển hóa lipid nếu có.
Cùng với đó, người bệnh cần lưu ý về chế độ ăn uống:
- Hạn chế muối và nước khi cơ thể đang có dấu hiệu phù nhiều.
- Ăn nhạt trong giai đoạn phù.
- Cung cấp đủ năng lượng, các nhóm chất, vitamin, khoáng chất, đặc biệt là Calci.
Khi mắc hội chứng thận hư, người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng thuốc và tái khám, kiểm tra định kỳ để theo dõi sát sao tình trạng bệnh lý. Đồng thời, ngay khi có các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm do hội chứng này gây nên.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.