Mặc dù chưa có kết luận vô sinh, hiếm muộn là do dùng máy tính, điện thoại quá nhiều nhưng các bác sĩ cũng cho rằng đây là một trong các nguyên nhân ảnh hưởng không tốt đến hệ thống thần kinh khiến con người ngủ không ngon giấc, tim đập nhanh, tác động xấu đến sức khỏe nội tiết sinh sản.
Tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ngày càng tăng
Theo thống kê năm 2010, tỷ lệ người mắc vô sinh hiếm muộn ở Việt Nam chiếm khoảng 7,7% trong độ tuổi sinh sản (nghĩa là cứ 100 người trong độ tuổi sinh sản thì có 7,7 người bị vô sinh hiếm muộn). Thực tế cho thấy, tỷ lệ này tiếp tục tăng lên trong thời gian gần đây.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ngày càng cao, BS. Nguyễn Thị Nhã – Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện cho rằng, nguyên nhân chính gây ra vô sinh hiếm muộn là tình trạng ô nhiễm môi trường, khí hậu. Điều này khiến nguồn nước và thực phẩm cũng bị ô nhiễm, từ đó tác động trực tiếp đến sức khỏe sinh sản của con người.
Bên cạnh đó, áp lực xã hội, những căng thẳng, stress trong công việc, cuộc sống hàng ngày khiến nhiều người kết hôn muộn cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô sinh, hiếm muộn vì tuổi sinh sản của người phụ nữ có giới hạn (tốt nhất là thời điểm dưới 33 tuổi).
Ngoài ra, ảnh hưởng từ lối sống không lành mạnh với tình trạng nạo phá thai không an toàn ngày càng phổ biến cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn gia tăng.
Mặc dù chưa có kết luận vô sinh, hiếm muộn là do dùng máy tính, điện thoại quá nhiều nhưng các bác sĩ cũng khẳng định đây là một trong các nguyên nhân ảnh hưởng không tốt đến hệ thống thần kinh khiến con người ngủ không ngon giấc, tim đập nhanh, tác động xấu đến sức khỏe nội tiết sinh sản. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai và bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn nên hạn chế sử dụng các phương tiện này.
Đẩy mạnh các kỹ thuật mới, tăng hiệu quả trong điều trị vô sinh, hiếm muộn
Theo BS. Nguyễn Thị Nhã, tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Bưu điện, trong năm 2018 vừa qua, tỷ lệ người bệnh điều trị tại Trung tâm thành công, có thai khoảng 59 – 60%, tỷ lệ có thai lâm sàng đạt gần 51% và tỷ lệ sinh sống đạt khoảng 44%.
Dự kiến năm 2019 và các năm tiếp theo, Trung tâm sẽ tiếp tục cải thiện các quy trình kỹ thuật điều trị từ lâm sàng đến labo để tăng tỷ lệ thành công, có thai, thai lâm sàng và tỷ lệ sinh sống ngày càng cao hơn.
Chuyên gia Hỗ trợ sinh sản cũng chia sẻ, sau thành công của các ca tinh trùng bất động, trữ trứng, năm vừa qua Trung tâm đã thực hiện thành công các kỹ thuật khó giúp nhiều bệnh nhân sau nhiều lần chuyển phôi thất bại do nguyên nhân bất thường về miễn dịch; thực hiện chuyển một phôi ngày 5 để tăng tỷ lệ có thai, giảm tỷ lệ đa thai, tăng tỷ lệ trẻ sinh sống sau một lần chuyển phôi.
Đặc biệt, kỹ thuật Micro Tese (lấy tinh trùng từ vi phẫu tinh hoàn) đã được Trung tâm thực hiện thành công giúp bệnh nhân không có tinh trùng tìm được hạnh phúc làm cha.
Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh các kỹ thuật tiên tiến để đạt hiệu quả cao hơn trong khám và điều trị vô sinh, hiếm muộn. BS. Nguyễn Thị Nhã cho biết, dự kiến cuối năm 2019, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản sẽ áp dụng thêm một số kỹ thuật mói như: Lọc tinh trùng qua môi trường từ đối với các trường hợp tinh trùng bất thường cao; điều trị các trường hợp suy buồng trứng và suy tinh hoàn bằng tế bào gốc…
Hiện, mọi công tác chuẩn bị, cập nhật các kỹ thuật mới này đang được Trung tâm tích cực triển khai với quyết tâm phục vụ người bệnh tốt nhất, giúp người bệnh điều trị kịp thời, hiệu quả, sớm tìm được con yêu.
Nguồn: Dương Hải
Bạn có thể xem thêm:
-
- “Yêu” khi mang thai – lợi hay hại?
-
- Giải quyết trục trặc kinh nguyệt tuổi dậy thì
-
- Tắc Kinh Ở Tuổi Dậy Thì Có Nguy Hiểm?