Giấc ngủ là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển của trẻ, ngủ ít hay ngủ nhiều đều khiến cha mẹ lo lắng vì việc ngủ quá ít hay quá nhiều đều ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Vậy giấc ngủ trẻ qua từng giai đoạn sẽ thay đổi như thế nào?
Tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sự phát triển của trẻ
Nhắc đến sự phát triển của trẻ không thể nào thiếu hormone tăng trưởng (GH) – một trong những chất quan trọng nhất giúp trẻ tăng trưởng và phát triển. Có một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormon này, bao gồm dinh dưỡng, căng thẳng và tập thể dục. Tuy nhiên, giấc ngủ là yếu tố chính ở trẻ nhỏ. Hormone tăng trưởng được tiết ra suốt cả ngày, nhưng nhiều nhất là ngay sau khi bắt đầu giấc ngủ sâu ở trẻ em.
Không ngủ đủ giấc dẫn đến các vấn đề về sự phát triển của trẻ, chủ yếu là tăng trưởng chậm hoặc còi cọc. Thêm vào đó, trẻ mắc một số vấn đề về giấc ngủ, chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường hô hấp, cũng có thể bị gián đoạn sản xuất hormone tăng trưởng.
Một nghiên cứu khác chứng minh: Trẻ không ngủ đúng giờ trong 3 năm đầu đời sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, kỹ năng đọc và toán học. Theo đó, giấc ngủ là thời điểm bộ não nạp lại năng lượng, cũng như tiến hành quá trình nhận thức tích cực hơn.
Có thể thấy, giấc ngủ đối với sự phát triển của trẻ có mối liên hệ mật thiết. Tuy nhiên thời gian ngủ dài hay ngắn không quan trọng bằng chất lượng giấc ngủ. Bé ngủ sâu, ngon giấc sẽ hấp thụ oxy, năng lượng và sản sinh nhiều hormone tăng trưởng hơn. Sáng hôm sau, trẻ sẽ có tâm trạng thoải mái, vui vẻ chơi đùa và lớn lên khỏe mạnh. Ngược lại, khi ngủ không ngon giấc hoặc thiếu ngủ, cơ thể sẽ tiết ra những hóa chất gây mất cân bằng, khiến bé cáu gắt, quấy khóc, mệt mỏi… về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và trí tuệ.
Giấc ngủ trẻ thay đổi thế nào theo từng giai đoạn?
Mỗi đứa trẻ đều khác nhau, một số trẻ cần ngủ ít hơn hoặc nhiều hơn một chút so với các bạn cùng lứa tuổi. Nhưng nhìn chung:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi:
- Trẻ có thể ngủ 18 giờ mỗi ngày, chia đều cho cả ngày và đêm. Nếu ban ngày trẻ ngủ khoảng 8 tiếng thì ban đêm trẻ sẽ ngủ khoảng 9 tiếng. Giấc ngủ của trẻ diễn ra khá ngắn và trẻ sẽ thường xuyên thức dậy vì đói. Điều này có thể sẽ gây cảm giác phiền toái và ảnh hưởng đến tinh thần của mẹ, nhất là khi trẻ thức 2-3 lần mỗi đêm để được bú.
- Lưu ý, mẹ nên cho trẻ bú thường xuyên, bú đầy đủ theo nhu cầu để đảm bảo trẻ được cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất vì trong khoảng 2 tuần đầu tiên, trẻ có thể quay trở lại cân nặng ban đầu.
- Trẻ nhỏ từ 3 – 5 tháng tuổi:
- Trẻ nhỏ từ 3 – 5 tháng tuổi dành khoảng 14 – 16 giờ để ngủ, do đó, bố mẹ sẽ thấy trẻ thường xuyên tương tác với bố mẹ hơn. Đặc biệt, một số trẻ đã có thể ngủ một mạch 6 tiếng mà không thức dậy bú mẹ. Đôi khi trẻ thức dậy 1 – 2 lần vào ban đêm nhưng đây được xem là một hiện tượng bình thường khi trẻ phát triển và thói quen ngủ của trẻ sẽ nhanh chóng quay về nhịp sinh hoạt ban đầu.
- Lúc này, trẻ nhỏ đã có thể phân biệt giữa ban ngày và ban đêm. Để thiết lập một thói quen ngủ tốt, tự ngủ cho trẻ, mẹ có thể đặt trẻ trong cũi/nôi khi trẻ lim dim, có dấu hiệu buồn ngủ.
- Trẻ nhỏ từ 6 – 8 tháng tuổi:
- Thời gian ngủ trung bình cả ngày và đêm sẽ dao động trong khoảng 14 tiếng với 2-3 giấc ngủ ngắn. Một số trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi đã có thể ngủ liên tục 8 tiếng/đêm và thời gian dành cho giấc ngủ ban ngày sẽ là 3-4 giờ.
- Khi trẻ được 6 tháng tuổi, nhiều mẹ bỉm bắt đầu quay lại với cuộc sống công việc trước đây. Điều này có thể khiến trẻ quấy khóc nhiều khi phải làm quen dần với việc tự ngủ mà không có mẹ bên cạnh. Trẻ sẽ sớm thích nghi với điều này nên mẹ không nên quá lo lắng nhé!
- Trẻ nhỏ từ 9 – 12 tháng tuổi:
- Trẻ nhỏ từ 9-12 tháng dường như đã có thể tự ngủ mà không cần sự hỗ trợ của người lớn. Giấc ngủ về đêm của trẻ có thể kéo dài liên tục 9-12 tiếng/đêm và thời gian ngủ ban ngày của trẻ sẽ rút ngắn lại, còn khoảng 3-4 giờ.
- Trong giai đoạn này, trẻ tăng cường tiếp nhận các kiến thức từ môi trường xung quanh, do đó, trẻ sẽ khó đi vào giấc ngủ hơn. Đây được xem là một bước tăng trưởng nhảy vọt, đặc biệt là khi trẻ bắt đầu mọc chiếc răng sữa đầu tiên hay chuyển giao từ giai đoạn ngồi sang đứng, hay bập bẹ những âm thanh đầu tiên.
- Trẻ 1 – 2 tuổi: cần ngủ 11 – 14 giờ (bao gồm cả giấc ngủ trưa).
- Trẻ 3 – 5 tuổi: cần ngủ 10 – 13 giờ (bao gồm cả giấc ngủ trưa) trong cả ngày 24 giờ.
Cách chăm sóc giấc ngủ trẻ
Ngay từ 6 tuần tuổi, bé đã có thể học cách ngủ ngoan. Trong độ tuổi này, mẹ có thể áp dụng các cách sau để chăm sóc giấc ngủ của trẻ:
Nhận biết dấu hiệu cho thấy bé buồn ngủ: Trong 6 – 8 tuần đầu sau sinh, bé không thể thức lâu hơn hai giờ liên tục. Nếu bạn để bé thức lâu hơn hai giờ, bé sẽ quá mệt mỏi và lại trở nên khó ngủ. Vì vậy, bạn nên nhận biết những dấu hiệu buồn ngủ của bé như chớp mắt liên tục, lim dim, kéo tai, ngáp hay quầng dưới mắt thâm lại. Bạn đừng lo, bạn sẽ mau chóng có giác quan thứ sáu nhận ra con mình đang buồn ngủ. Nếu bạn nhận thấy bé buồn ngủ thì nên đặt bé vào nôi hay giường.
Dạy bé phân biệt giữa ngày và đêm: Vài bé sơ sinh có thói quen thức đêm ngay từ trong bụng mẹ biểu hiện khi bé quẫy đạp trong bụng mẹ nhiều hơn vào ban đêm. Khi chào đời, bé cũng vẫn duy trì thói quen này và làm mẹ mệt mỏi vì không chịu ngủ khi mẹ đã ríu mắt rồi. Trong vài ngày đầu sau sinh, bạn không thể thay đổi bé ngay được mà chỉ có thể bắt đầu dạy bé khi bé đã được hai tuần tuổi.
- Ban ngày, khi bé còn thức:
- Chơi với bé càng nhiều càng tốt.
- Nói chuyện và hát cho bé nghe khi cho bú các cữ ban ngày.
- Đảm bảo phòng ngủ nhiều ánh sáng vào ban ngày.
- Không cần “cắt đứt” mọi tiếng ồn thông thường vào ban ngày
- Nếu đang bú mà bé thiu thiu ngủ thì nhẹ nhàng đánh thức bé dậy.
- Ban đêm:
- Giữ yên lặng và nói khẽ khi cho bé bú cữ đêm.
- Giữ phòng tối (có thể để đèn ngủ ánh sáng dịu) và yên tĩnh, không trò chuyện nhiều.
- Cần phải dạy bé nhận biết ban đêm là lúc ngủ ngay từ khi bé được hai tuần tuổi, đừng để quá muộn.
Dạy bé tự ngủ:
Khi bé đã được 6 -8 tuần tuổi, bạn có thể bắt đầu dạy bé tự ngủ. Bạn nên đặt bé vào nôi hay xuống giường khi bé buồn ngủ nhưng vẫn còn thức. Cách bạn dỗ bé ngủ trong tám tuần đầu sau sinh rất quan trọng. Nếu bạn cho bé nằm võng hay nằm nôi lắc, đu đưa bé, bế rung bé khi trong tám tuần đầu thì bé sẽ quen và bé sẽ không thể ngủ nếu không được rung lắc, đu đưa như vậy. Vì vậy, nhiều chuyên gia khuyên không nên đung đưa bé, không cho bé ngậm núm vú giả để dỗ bé ngủ ngay từ sau sinh. Bạn sẽ thiết lập một “thủ tục” trước khi ngủ cho bé như hát ru, nghe nhạc nhẹ, vỗ nhẹ mông, gãi nhẹ đầu… nhưng cần nhớ rằng bạn sẽ phải làm “thủ tục” này mỗi đêm nên bạn cần chọn “thủ tục” nào vừa thích hợp với bé vừa “khả thi” đối với bạn. Bạn có thể bế bé đến khi bé thiu thiu ngủ rồi đặt bé xuống chứ không nên để bé ngủ trên tay mình rồi mới đặt xuống vì sẽ tạo nên thói quen xấu là phải được bế mới ngủ và bé sẽ thức dậy ngay khi bạn đặt bé xuống giường.
Bé sơ sinh giống như tờ giấy trắng, bé sẽ là một em bé ngoan ngoãn, dễ ngủ nếu bạn không bỏ lỡ thời gian có thể dạy bé thói quen ngủ ngoan. Giấc ngủ của bé không chỉ quan trọng đối với sự phát triển của bản thân bé mà còn quan trọng với mẹ. Nếu bé quấy đêm nhiều quá thì bạn cũng sẽ thiếu ngủ và không đủ sức khỏe cũng như tinh thần để chăm sóc bé tốt được. Bạn hãy sáng suốt lựa chọn cách dỗ bé ngủ thích hợp để cả con và mẹ đều được ngủ ngon.