Đi bộ giúp làm hạ và ổn định glucose máu, có tác dụng tuyệt vời đối với người mắc đái tháo đường.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đái tháo đường là một rối loạn chuyển hóa, do nhiều nguyên nhân, đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose máu mãn tính, với các rối loạn chuyển hóa đường, đạm, mỡ, hậu quả của sự thiếu insulin. Có thể thiếu insulin tuyệt đối do tế bào beta tuyến tụy bị hủy hoại, hay thiếu insulin tương đối do kháng insulin.
Điều trị đái tháo đường có nhiều biện pháp điều trị kết hợp, tiến hành đồng thời bao gồm: Điều chỉnh lối sống; Uống thuốc, tái khám đều đặn; Ăn uống thích hợp. Trong đó, thể dục vận động là một mắt xích vô cùng quan trọng trong điều chỉnh lối sống.
Nhiều công trình nghiên cứu quy mô lớn đã kết luận thể dục đem lại kết quả điều trị khả quan hơn hẳn ở người mắc đái tháo đường, làm hạ và giúp ổn định glucose máu. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy có 20% người mắc đái tháo đường type 2 khỏi bệnh hoàn toàn chỉ áp dụng điều chỉnh lối sống, không cần uống thuốc.
Điều chỉnh lối sống để ngăn chặn đái tháo đường
Điều chỉnh chế độ ăn để cân bằng insulin máu, giảm glucose máu: giảm thực phẩm giàu tinh bột, hạn chế thức ăn chế biến sẵn, tăng thức ăn chứa chất nạc, chất xơ, rau lá xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và trái cây tươi. Chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Bổ sung thực phẩm chứa axit béo thiết yếu có trong các ngừ, cá hồi, bơ…
Hạn chế rượu bia, ngừng hút thuốc lá
Tập thể dục đều đặn làm tăng nhạy cảm tế bào đối với insulin, giảm kháng insulin, đồng thời tăng cường sử dụng glucose của tế bào, nhất là tế bào cơ bắp, dẫn đến giảm glucose trong máu.
Lợi ích tuyệt vời của đi bộ đối với người mắc đái tháo đường
Đi bộ là môn thể dục thường áp dụng nhất hiện nay. Có thể nói đi bộ là “liều thuốc tốt, không tốn tiền” đối với người mắc đái tháo đường. Đi bộ là cách vận động thể dục nhẹ nhàng, dễ thực hiện, không qúa gắng sức, phù hợp với mọi lứa tuổi, nhất là người lớn tuổi. Lưu ý đa số người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 có tuổi trên 40. Đi bộ hoàn toàn phù hợp với những bệnh nhân đái tháo đường không chơi được các môn thể thao có vận động mạnh gắng sức như cầu lông, tennis, bóng bàn, bóng đá…
Theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, thời gian đi bộ ngắn đối với người bệnh nên là: mỗi lần đi bộ khoảng 30 phút, tối thiểu 3 lần mỗi tuần, đi đều đặn hàng ngày thì tốt hơn. Có thể chia ra mỗi ngày đi bộ 2 lần, mỗi lần 15 phút.
Đi bộ có thể thực hiện trong nhà hay ngoài trời. Khi thời tiết xấu hay đi đứng khó khăn có thể đi bộ trong sân hoặc hành lang, đi bộ có tay vịn, lên xuống cầu thang trong nhà.
Có thể điều chỉnh tốc độ đi bộ theo sức khỏe từng người, trung bình đi bộ 05 km/h, không phụ thuộc tốc độ vào bất cứ người nào do không phải môn thể dục tập thể.
So với các liệu pháp khác, đi bộ không tốn kinh phí tiền bạc, không khó khăn rắc rối như điều chỉnh ăn uống và không tốn kém như dùng thuốc.
Đi bộ ngoài giúp điều trị và phòng ngừa đái tháo đường, còn giúp điều trị và phòng nhiều bệnh khác (người mắc đái tháo đường lớn tuổi, thường mắc các bệnh khác đi kèm): bệnh tim mạch, cơ xương khớp, bệnh chuyển hóa…
Đại học Y khoa Thể dục thể thao Hoa Kỳ và Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ đã đưa ra mối liên quan giữa thể dục và đái tháo đường như sau: “Tập thể dục đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và kiểm soát kháng insulin, tiền đái tháo đường, đái tháo đường thai kỳ, đái tháo đường tuýp 2, và các biến chứng về sức khỏe liên quan đến đái tháo đường, cải thiện hoạt động của insulin và có thể hỗ trợ việc kiểm soát glucose máu, lipid máu, huyết áp, giảm nguy cơ tim mạch, giảm tử vong…”
Tài liệu tham khảo
Sheri R. Colberg, PHD, FACSM, Ronald J. Sigal, MD, MPH, FRCP(C), Bo Fernhall, PHD, FACSM et al. Exercise and Type 2 Diabetes The American College of Sports Medicine and the American Diabetes Association: joint position statement. Diabetes Care December 2010 vol. 33 no. 12 e147-e167
TS.BS. Lê Thanh Hải (Sở Y tế Thừa Thiên Huế)