Dày sừng nang lông là một bất thường về da khá dễ gặp với đặc trưng là tại nang lông xuất hiện các nút sừng tạo thành các sần nhô lên trên bề mặt da khiến cho da bị sần sùi và thô ráp. Tuy không quá nguy hiểm nhưng bệnh gây ngứa ngáy, mất tính thẩm mỹ nên người bệnh cần được điều trị tích cực.
Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về dày sừng nang lông qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung bệnh dày sừng nang lông
Dày sừng nang lông là tình trạng trên bề mặt da có các vết sần nhỏ hình dung giống như da gà hay da ngỗng khi bị nhổ lông. Nó có thể bị nhầm lẫn với vết sần do các nốt mụn nhỏ gây ra. Thực chất các vết sần thô ráp này chính là nút tế bào da chết.
Triệu chứng
Khi bị dày sừng nang lông da sẽ xuất hiện những sần nhỏ kích thước khoảng 1-2mm, màu hơi trắng hoặc xám. Vị trí thường gặp ở mặt ngoài 2 cánh tay. Ngoài ra có thể gặp ở đùi, mông và 2 bên má. Biểu hiện lâm sàng là các sẩn màu đỏ, màu da hay màu nâu ở vị trí nang lông. Tổn thương phân bố đối xứng 2 bên.
Bệnh thường gặp ở người trẻ và cải thiện dần theo tuổi. Bệnh nặng lên về mùa đông, thời tiết có độ ẩm không khí thấp.
Dày sừng nang lông là bệnh lý lành tính chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, đôi khi bệnh có thể gây ngứa, khó chịu.
Nguyên nhân gây dày sừng nang lông
Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh dày sừng nang lông là do keratin tích tụ. Keratin có bản chất là một protein cứng, xuất hiện ở lông, tóc. Loại chất này đóng vai trò bảo vệ da khỏi các yếu tố gây nhiễm trùng hay các chất làm hại đến sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, khi keratin tích tụ lâu ngày có thể tạo nên nút tế bào chết, dẫn đến tình trạng nang lông bị bít chặt lại. Vùng da xuất hiện nhiều nút tế bào chết sờ vào có cảm giác sần sùi.
Đối tượng nguy cơ bị dày sừng nang lông
Những đối tượng có nguy cơ bị dày sừng nang lông thường rơi vào các trường hợp:
- Gia đình có người đã bị dày sừng nang lông.
- Tính chất da khô.
- Bị hen suyễn.
- Bệnh viêm da cơ địa.
- Quá dư thừa cân nặng.
- Bị sốt cỏ khô.
- Không chú ý vệ sinh da sạch sẽ.
Chẩn đoán
Do vô hại nên người bệnh không cần gặp bác sĩ điều trị hoặc làm các xét nghiệm, bệnh thường tự biến mất. Thay vào đó có thể sử dụng bất kỳ sản phẩm nào có sẵn để giúp cải thiện sự xuất hiện của làn da bị ảnh hưởng. Nếu dưỡng ẩm và tự chăm sóc không giúp ích, bác sĩ có thể kê toa kem bôi.
Phòng ngừa bệnh dày sừng nang lông
- Hàng ngày cần vệ sinh da sạch sẽ, kỳ cọ da nhẹ nhàng, tránh chà xát vì điều này thường làm bệnh nặng thêm.
- Tránh xà phòng và các chất tẩy rửa mạnh, chọn loại xà phòng làm sạch đơn giản.
- Sau khi tắm có thể làm mềm bằng kem dưỡng ẩm và mỡ bạt sừng, mục đích làm bong chóp sừng ở nang lông nhưng cần hỏi ý kiến bác sĩ.
Điều trị dày sừng nang lông như thế nào?
Không có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh lý này. Một số phương pháp điều trị sau đây có thể giúp ổn định và cải thiện bệnh. Điều trị bệnh cần phối hợp nhiều phương pháp trong đó giữ ẩm cho da là rất quan trọng
- Giữ ẩm bằng cách thường xuyên bôi kem dưỡng ẩm, làm mềm da, tránh tắm lâu bằng nước nóng, xà phòng có tính tẩy rửa mạnh. Lựa chọn ưu tiên loại dưỡng ẩm chứa ure. Nên dùng kem dưỡng ẩm ít nhất 2 lần mỗi ngày, bao gồm 1 lần ngay sau khi tắm xong vài phút.
- Đối với trẻ lớn hơn và người trưởng thành, kem tẩy da chết loại nhẹ có thể được sử dụng, chứa các thành phần: axit lactic, axit alpha-hydroxy, axit salicylic.
- Thuốc bôi tại chỗ có thành phần axit salicylic, vitamin A axit tùy từng trường hợp cụ thể. Bạn nên tới khám bác sĩ da liễu để được kê đơn thuốc bôi phù hợp, một số loại thuốc bôi chứa vitamin A axit có thể gây kích ứng da ở trẻ nhỏ.
Trên đây là những chia sẻ về bệnh dày sừng nang lông. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.