Bệnh đái tháo đường hay còn gọi tiểu đường là một loại bệnh mãn tính, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm khó lường nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời và đúng cách. Hãy cùng tìm hiểu kiến thức về bệnh đái tháo đường ngay sau đây!
Nhận biết sớm dấu hiệu bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường là gì? Có những loại nào?
Bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) là một bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin (insulin là một loại hormone điều chỉnh lượng đường trong máu) hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin.
Tăng đường huyết là một dấu hiệu phổ biến của bệnh đái tháo đường không kiểm soát được và theo thời gian dẫn đến tổn thương nghiêm trọng đến nhiều hệ thống của cơ thể, đặc biệt là các dây thần kinh và mạch máu.
Có mấy loại đái tháo đường?
Đái tháo đường có thể chia thành 3 loại thường gặp bao gồm đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ.
-
- Đái tháo đường tuýp 1: Hay còn gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin, người mắc bệnh bị thiếu insulin do tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy gây giảm tiết insulin hoặc không tiết ra insulin. Đái tháo đường tuýp 1 hiếm gặp hơn tuýp 2 và thường xảy ra ở người trẻ.
-
- Đái tháo đường tuýp 2: Hay còn gọi là đái tháo đường không phụ thuộc insulin, cơ thể người mắc bệnh vẫn có khả năng sản xuất insulin nhưng insulin không thể chuyển hóa (điều hòa) được lượng đường trong máu, do giảm chức năng của tế bào beta tuyến tụy tiến triển trên nền tảng kháng insulin. Hầu hết những người bị đái tháo đường thuộc tuýp 2, chiếm khoảng 90% đến 95% tổng số.
-
- Đái tháo đường thai kỳ: Do tình trạng kháng insulin xảy ra trong quá trình mang thai, thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai tuần thứ 24 trở lên và không có bằng chứng về đái tháo đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 trước đó.
Ngoài ra, còn có đái tháo đường thứ phát do các nguyên nhân như khiếm khuyết về gen, đái tháo đường do các bệnh lý nội khoa hoặc do sử dụng thuốc, sử dụng hoá chất như glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô,…
Dấu hiệu sớm nhận biết bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường là một loại bệnh mãn tính, tuy nhiên nếu được phát hiện sớm, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh một cách hiệu quả, chủ động ứng phó với các biến chứng của bệnh và đảm bảo an toàn sức khỏe. Nhận biết một số dấu hiệu mắc bệnh như sau:
-
- Khát nước nhiều, đi tiểu thường xuyên: Một trong những dấu hiệu sớm của bệnh đái tháo đường là thường xuyên khát nước và đi tiểu nhiều hơn bình thường. Đối với người bị bệnh, lượng đường trong máu bị đẩy lên cao và thận không thể hấp thụ tất cả trở lại khiến cơ thể tạo ra nhiều nước tiểu, đồng thời cơ thể mất nước và cần bổ sung nhiều nước hơn.
-
- Cảm thấy đói và mệt: Khi cơ thể cần chuyển đổi thức ăn bạn ăn thành glucose để cung cấp năng lượng cho các tế bào. Các tế bào cần đến insulin để có thể hấp thụ glucose, vì vậy nếu không có đủ insulin cần thiết, năng lượng cạn kiệt khiến cơ thể cảm thấy đói dữ dội và mệt.
-
- Sụt cân không rõ nguyên nhân: Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết bệnh đái táo đường sớm là sụt cân. Người bệnh ăn nhiều và uống nhiều nhưng cân nặng giảm, do cơ thể không có khả năng chuyển hóa glucose và gầy ốm nhiều vì cơ thể phải sử dụng các nhiên liệu thay thế được lưu trữ trong cơ và chất béo và mất nước do đi tiểu thường xuyên.
-
- Mắt có dấu hiệu mờ: Lượng đường trong máu tăng cao gây ảnh hưởng đến thần kinh và mạch máu của đáy mắt, võng mạc khiến giảm thị lực, hình ảnh mờ nhạt dần, không rõ
-
- Vết thương lâu lành: Dấu hiệu thường gặp ở bệnh đái tháo đường tuýp 2, lượng đường tăng cao theo thời gian sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng máu của toàn bộ cơ thể, gây tổn thương hệ thần kinh, vì vậy vết thương thường lâu lành hơn bình thường.
-
- Da bị khô, ngứa: Khi ở giai đoạn sớm, người bị bệnh đái tháo đường thường gặp các vấn đề về da như da bị khô, ngứa hoặc xuất hiện các mảng da thâm nám, sạm do nồng độ insulin trong máu tăng lên.
Đái tháo đường thai kỳ thường không có dấu hiệu rõ ràng, phổ biến nhất là người bệnh cảm thấy khát nước hơn và đi tiểu nhiều hơn bình thường. Đái tháo đường thai kỳ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé, vì vậy phụ nữ mang thai hãy làm xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ từ tuần thai thứ 24 – 28 để phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời, đảm bảo an toàn.
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường tuýp 1, nguyên nhân do các yếu tố di truyền, do hệ miễn dịch suy giảm hoặc do môi trường tác động.
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường tuýp 2 có thể do di truyền, người có thể trạng béo phì và ít vận động.
Nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường
-
- Người thừa cân: Chỉ số BMI > 23;
-
- Di truyền: Người có tiền sử gia đình từng mắc bệnh đái tháo đường;
-
- Đái tháo đường thai kỳ: Phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai;
-
- Đường huyết cao: Người có lượng đường tích tụ trong máu đạt ngưỡng giới hạn.
Phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường
Khi được kiểm tra và xác định mắc bệnh đái tháo đường, người bệnh được hướng dẫn chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể thao giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
-
- Đối với đái tháo đường tuýp 1, người bệnh được chỉ định dùng insulin trong suốt quãng đời còn lại vì cơ thể đã không còn khả năng tự sản xuất insulin.
-
- Đối với đái tháo đường tuýp 2, duy trì chế độ dinh dưỡng và tập luyện để kiểm soát lượng đường kết hợp sử dụng thêm thuốc uống hoặc tiêm theo chỉ định để ổn định lượng đường trong máu.
-
- Đối với đái tháo đường thai kỳ, mẹ cần hạn chế ăn tinh bột, chia nhỏ bữa ăn, bổ sung thức ăn nhiều chất xơ, rau tươi, ít chất béo và áp dụng điều trị bệnh theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.
Bạn nên đến bệnh viện kiểm tra khi nhận thấy sức khỏe xuất hiện triệu chứng của bệnh đái tháo đường. Chăm sóc sức khỏe chính mình và gia đình, góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
Bạn có thể xem thêm:
-
- Bí quyết sống khỏe cho bệnh nhân đái tháo đường
-
- Ăn trái cây tươi giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
-
- Nhận biết những dấu hiệu bệnh tiểu đường giai đoạn đầu