Chấn thương sọ não là hiện tượng sọ não bị tổn thương do chấn thương. Việc nhận biết và đánh giá tổn thương là rất quan trọng để có được hướng điều trị phù hợp, tránh tình trạng tổn thương là ảnh hưởng tới cuộc sống của người mắc.
Tổng quan chung: Chấn thương sọ não là gì?
Chấn thương sọ não hay còn gọi là TBI (Traumatic Brain Injury) gây ảnh hưởng tạm thời hoặc vĩnh viễn đến chức năng của bộ não. Một số trường hợp chấn thương sọ não không có biểu hiện bên ngoài rõ rệt nhưng sau một thời gian xuất hiện các triệu chứng đau đầu, buồn nôn, yếu tay chân,…và cần phải chẩn đoán bằng hình ảnh mới có thế nhận diện được tổn thương.
Vết thương sọ não là tổn thương xuyên qua da đầu và sọ não. Những tổn thương này do đạn bắn, vật sắc nhọn hay va đập nhưng vỡ xương sọ kèm rách da đầu do một lực tác động lớn
Chấn thương sọ não kín thường xảy ra khi bệnh nhân bị va đập vào đầu mạnh, đập vào các vật khác hoặc bị rung lắc mạnh, tăng hoặc giảm tốc độ di chuyển của não đột ngột. Việc thay đổi tốc độ có thể gây ảnh hưởng đến nhiều vị trí của não như vị trí va đập, vị trí đối diện, hoặc lan tỏa, thùy trán và thùy thái dương,…
Triệu chứng chấn thương sọ não
Các triệu chứng chấn thương sọ não ở mỗi trường hợp là khác nhau, tùy thuộc vào vị trí chấn thương, tốc độ va chạm, tác nhân gây chấn thương và mức độ nghiêm trọng.
- Người bị chấn thương sọ não nhẹ có thể bị đau đầu, chóng mặt, choáng váng, ù tai, mệt mỏi, rối loạn tinh thần và cảm xúc, ảnh hưởng đến trí nhớ và sự tập trung.
- Trường hợp bị chấn thương sọ não nặng hơn người bệnh có thể bị đau đầu dữ dội, nôn mửa, co giật, mất ý thức, giãn đồng tử, hôn mê…
Những triệu chứng này có thể xuất hiện ngay sau khi xảy ra va đập hoặc chậm hơn, được chia thành tổn thương nguyên phát và tổn thương thứ phát.
Tổn thương nguyên phát
Tổn thương nguyên phát là những triệu chứng chấn thương sọ não xuất hiện ngay sau khi va đập hoặc bị tai nạn. Đó là những tổn thương của đầu và hộp sọ ở vị trí bị va đập và những tổn thương liên quan đến quán tính do hộp sọ bị rung lắc quá mạnh.
Triệu chứng chấn thương sọ não tại chỗ va đập bao gồm:
- Tổn thương ở da đầu: Rách da đầu, đầu chảy máu
- Tổn thương ở hộp sọ: Rạn hộp sọ, vỡ hộp sọ, lõm hộp sọ, viêm xương sọ
- Tổn thương ở màng não: Hộp sọ vỡ chèn vào màng não, gây tổn thương màng não, rách màng não, chảy dịch não tủy, tổ chức não bị thoát ra ngoài
- Tổn thương ở mạch máu: Tụ máu ngoài màng cứng, tụ máu dưới màng cứng, chảy máu não, đứt mạch máu não, nhồi máu não
- Tổn thương liên quan đến quán tính: tổn thương não, giập não khiến bệnh nhân hôn mê kéo dài.
Tổn thương thứ phát
Tổn thương thứ phát là các tổn thương chưa xuất hiện ngay sau khi đầu bị va đập mà được hình thành dần về sau, bao gồm:
- Phù não: Nhiều trường hợp chấn thương sọ não nặng sẽ bị phù não. Nguyên nhân gây phù não là do hàng rào máu não và màng tế bào bị tổn thương tạo ra sự tích nước bất thường ở tổ chức kẽ và trong tế bào. Khối lượng não tăng lên làm gia tăng áp lực trong sọ não, lượng máu cung cấp cho não giảm đi khiến não bị thiếu máu cục bộ, tình trạng phù não càng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Máu tụ trong sọ: Máu tụ trong sọ là do mạch máu bị tổn thương khi bị va đập, khiến chảy máu trong sọ, máu tích tụ lại và choán một chỗ trong hộp sọ khiến áp lực nội sọ tăng lên, tổn thương tế bào não.
Máu tụ trong sọ được chia thành máu tụ ngoài màng cứng và máu tụ dưới màng cứng
- Máu tụ ngoài màng cứng: chảy máu từ đường vỡ xương sọ hoặc mạch máu màng não tổn thương khiến khối máu tụ lại giữa màng cứng và xương
- Máu tụ dưới màng cứng: thường do tĩnh mạch ở vỏ não gây nên, kết hợp ở ổ dập tổ chức não tạo thành khối máu tụ. Máu tụ dưới màng cứng được phân ra làm 2 loại là máu tụ dưới màng cứng cấp diễn và máu tụ dưới màng cứng mạn tính. Tình trạng này rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
- Giãn não thất: là hiện tượng máu chảy làm đường lưu thông của nước não tủy bị tắc nghẽn.
Ngoài ra, triệu chứng chấn thương sọ não còn có một vài tổn thương xảy ra muộn hơn như: viêm màng não mủ, áp lực trong sọ…
Triệu chứng chấn thương sọ não ở trẻ em
Chấn thương sọ não ở trẻ em rất nguy hiểm, do da đầu và hộp sọ của trẻ đang trong quá trình phát triển nên mềm hơn, những ảnh hưởng do chấn thương sọ não vì thế cũng nặng nề hơn rất nhiều.
Triệu chứng chấn thương sọ não ở trẻ bao gồm:
- Trẻ bất tỉnh sau khi ngã. Thời gian bất tỉnh kéo dài hơn 1 phút
- Trẻ vẫn tỉnh sau khi ngã nhưng một thời gian sau có những biểu hiện bất thường như: kích động, quấy khóc dữ dội, trẻ ngủ li bì, ngủ nhiều, lơ mơ, không tập trung…
- Trẻ nôn mửa liên tục (nôn trên 5 lần) hoặc nôn mửa kéo dài (hơn 6 giờ)
- Thóp phồng, thóp căng lên, trẻ xanh xao, yếu đi
- Trẻ bị chảy máu tại vùng bị va đập
Khi trẻ bị ngã hay va đập có một trong những triệu chứng trên cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để các bác sĩ tiến hành thăm khám, chẩn đoán và có phương án điều trị kịp thời.
Nguyên nhân
Theo chuyên gia, chấn thương sọ não thường gây ra bởi tác động bằng lực vào phần đầu hoặc cơ thể. Mức độ chấn thương sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm lực tác động hoặc bản chất của loại chấn thương. Các nguyên nhân sau đây có thể dẫn tới chấn thương sọ não:
- Tai nạn giao thông: Các vụ va chạm liên quan tới xe máy, ô tô, xe đạp,.. là nguyên nhân phổ biến của các ca chấn thương sọ não thời gian gần đây.
- Ngã: Ngã khi di chuyển cầu thang, từ giường hoặc ngã từ nhiều vị trí khác nhau đang là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới tình trạng chấn thương sọ não nói chung, nhất là với đối tượng người già và trẻ nhỏ.
- Bạo lực: Bạo lực cũng là một trong những nguyên nhân gây ra chấn thương sọ não. Vết thương do súng bắn, bạo lực gia đình là nguyên nhân chính trong nhóm này.
- Chấn thương trong thể thao: Tình trạng tổn thương sọ não cũng có thể xảy ra do chấn thương từ các môn thể thao như bóng đá, bóng chày, trượt ván, khúc côn cầu hoặc các môn thể thao có tính chất đối kháng khác.
- Do các vụ nổ hoặc thương tích khác: Các vụ nổ cũng là một nguyên nhân phổ biến gây ra tổn thương tại sọ não. Mặc dù những tổn thương gây ra chưa được đánh giá một cách chính xác, tuy nhiên nhiều nghiên cứu tin rằng sóng áp lực đi qua não có thể làm gián đoạn đáng kể chức năng của não.
Bên cạnh những nguyên nhân nói trên chấn thương sọ não cũng có thể là kết quả của những cú đánh mạnh vào đầu hoặc va chạm của cơ thể với vật thể sau các vụ nổ. Nhận biết các nguyên nhân gây ra tình trạng này để có biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Đối tượng nguy cơ
Bất kỳ ai cũng có thể bị chấn thương sọ não.
- Một số thống kê cho thấy, gần 80% các vụ chấn thương xảy ra với nam giới.
- Người lớn tuổi (trên 65 tuổi) cũng dễ bị mất thăng bằng, té ngã dẫn đến chấn thương sọ não hơn.
- Một số ngành nghề đặc thù như vận động viên, công nhân xây dựng, quân nhân, lính cứu hỏa, công an,… phải tham gia các hoạt động nguy hiểm cũng dễ bị té ngã và chấn thương sọ não hơn.
- Trẻ sơ sinh cũng có thể bị chấn thương sọ não do các sự cố dẫn đến chấn thương sọ não, chẳng hạn như ngã từ trên giường xuống.
Chẩn đoán
Tình trạng chấn thương sọ não thường là trường hợp cần cấp cứu với hậu quả có thể xấu đi nhanh nếu như không được can thiệp kịp thời. Bác sĩ thường đánh giá nhanh biểu hiện của bệnh thông qua những cách sau đây:
Thang điểm hôn mê Glasgow
Glasgow Coma Scale/GCS hay còn gọi là thang điểm hôn mê Glasgow, được dùng để mô tả mức độ ý thức ở những người có tổn thương ở não. Điểm hôn mê sẽ được xác định bằng tổng số điểm của 3 tiêu chí. Điểm cao nhất sẽ là 15 và thấp nhất là 3 điểm. Cách tính như sau: GCS score = Điểm mở mắt + Điểm đáp ứng lời nói tốt nhất + Điểm đáp ứng vận động tốt nhất.
Các thông tin về triệu chứng
Thông tin này sẽ được cung cấp từ người chứng kiến việc va đập hoặc tai nạn. Những câu hỏi thường được đặt ra bao gồm:
- Nguyên nhân dẫn tới việc chấn thương xảy ra là gì?
- Sau khi bị chấn thương có phải là người bệnh đã mất ý thức hoàn toàn hay không?
- Bệnh nhân bị bất tỉnh trong khoảng thời gian bao lâu?
- Có sự thay đổi nào khác trong sự tỉnh táo, phối hợp tay chân hoặc dấu hiệu thương tích khác hay không?
- Đầu hay các bộ phận khác của cơ thể có bị đánh hay không?
Bên cạnh đó các thông tin về lực của nguyên nhân gây chấn thương cũng rất cần thiết với việc đánh giá chính xác tình trạng của bệnh nhân.
Chẩn đoán hình ảnh
Đây là kỹ thuật hiện đại giúp chẩn đoán chính xác người bệnh có bị chấn thương sọ não hay không.
- Kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (CT): Thực hiện ngay tại phòng cấp cứu khi có nghi ngờ về tình trạng chấn thương sọ não. Phương pháp sử dụng một loạt tia X để có thể tạo ra cái nhìn chi tiết nhất về não, liệu pháp giúp tái hiện lại hình ảnh gãy xương và phát hiện bằng chứng chảy máu trong não, mô não bị bầm tím hoặc các khối máu tụ.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp sử dụng sóng vô tuyến cùng với nam châm nhằm tạo ra hình ảnh chi tiết về bộ não. Kỹ thuật có thể sử dụng sau khi tình trạng của người mắc ổn định hơn.
Phòng ngừa bệnh
Nhiều trường hợp chấn thương sọ não không thể phòng ngừa được do tai nạn xảy ra bất ngờ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể cẩn thận để tránh các sự cố té ngã có thể dẫn đến chấn thương sọ não, chẳng hạn như:
- Đội mũ bảo hiểm bảo vệ đầu của bạn khi bạn chơi các môn thể thao như khúc côn cầu hoặc khi đi xe máy, xe máy điện, xe đạp điện.
- Nằm hoặc ngồi yên một chỗ, không di chuyển khi cảm thấy đau đầu, hoa mắt chóng mặt.
- Tìm hiểu về tác dụng phụ của các loại thuốc đang dùng, chắc chắn biết rằng liệu các loại thuốc có gây chóng mặt, buồn ngủ và tăng nguy cơ té ngã hay không. Nếu có, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để thay thế thành một loại thuốc khác.
- Kiểm tra thị lực thường xuyên, đảm bảo thị lực luôn đủ tốt để nhìn đường.
- Đảm bảo ánh sáng ở các khu vực trong nhà, đặc biệt là ở cầu thang và nhà vệ sinh.
- Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, tránh để đồ vật lung tung làm tăng nguy cơ trượt chân dẫn đến té ngã. Trang bị thảm chống trượt, lắp đặt tay vịn cầu thang và tay vịn bồn tắm, tấm chắn cửa sổ, tấm chắn lan can,…
Điều trị chấn thương sọ não như thế nào?
Trường hợp chấn thương sọ não nhẹ, người bệnh chỉ bị đau đầu, choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, xây xước hoặc chảy máu nhẹ da đầu có thể chỉ cần theo dõi và uống thuốc điều trị các triệu chứng. Người bệnh nên nằm nghỉ nhiều để não bộ có thời gian ổn định và nghỉ ngơi. Trong 24 giờ đầu sau khi bị chấn thương, va đập, nếu người bệnh ngủ thì nên đánh thức 2 giờ/lần để kiểm tra tình trạng của người bệnh, phát hiện và kiểm soát các triệu chứng chấn thương sọ não.
Trường hợp bị chấn thương sọ não vừa và nặng, cần áp dụng nguyên tắc điều trị chấn thương sọ não như sau:
- Đưa người bệnh đi cấp cứu càng sớm càng tốt để các bác sĩ tiến hành sơ cứu, thăm khám ban đầu, nếu tình trạng nặng bệnh nhân có thể tiến hành phẫu thuật ngay lập tức
- Kiểm soát được tình trạng hô hấp và khả năng tuần hoàn của bệnh nhân
- Xử lý, tiến hành làm sạch, cầm máu các vết thương do chấn thương sọ não để tránh bị nhiễm trùng, mất máu quá nhiều
- Trường hợp bệnh nhân bị máu tụ gây chèn ép não với các biểu hiện như giãn đồng tử, liệt… cần tiến hành phẫu thuật ngay, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh
- Tập luyện, phục hồi chức năng sau chấn thương. Quá trình này cần sự cố gắng tập luyện, kết hợp nghỉ ngơi trong thời gian dài.
Chấn thương sọ não dù nhẹ hay nặng thì cũng có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài, thậm chí vĩnh viễn, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và dẫn đến tử vong. Do đó, khi bị va đập ở vùng đầu, không nên chủ quan mà nên chủ động đến bệnh viện để được thăm khám, kiểm tra.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.