Bệnh tay chân lây nhiễm như thế nào?
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do vi rút đường ruột (Enterovirus) gồm Coxsackie A16 và Enterovirus 71 gây ra. Biểu hiện chính của bệnh là gây tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước tập trung ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối.
Tay chân miệng là bệnh có khả năng lây lan dễ dàng từ người sang người theo đường hệ tiêu hóa từ tuyến nước bọt hay phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, bệnh tay chân miệng rất dễ bùng phát thành dịch bệnh
Đặc biệt, số lượng trẻ mắc bệnh cao điểm trong giai đoạn chuyển mùa, từ tháng 3 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Những trẻ đã từng bị tay chân miệng vẫn có nguy cơ bị tái nhiễm nhiều lần, đặc biệt là những trẻ có hệ miễn dịch kém, bị suy dinh dưỡng.
Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng nhanh khỏi
Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bệnh tay chân miệng, ba mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám. Đối với trẻ bị nhẹ, có thể chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tay chân miệng là bệnh lành tính và thường tự khỏi, tuy nhiên nếu chăm sóc không đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe của bé.
Thuốc điều trị bệnh
Chỉ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, ba mẹ tuyệt đối không tự ý dùng thuốc điều trị bệnh cho trẻ.
Hạ sốt, giảm đau: Trường hợp sốt dùng thuốc paracetamol hoặc Ibuprofen để hạ sốt, giảm đau theo đúng liều lượng phù hợp. Xem chi tiết cách hạ số cho bé, bổ sung đủ nước cho trẻ nếu có sốt cao.
Chăm sóc tổn thương ngoài da: Vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn, tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.
Với các triệu chứng đặc trưng là các nốt phát ban trên da và vết loét ở miệng, sử dụng thuốc bôi tay chân miệng là cần thiết để giảm cảm giác đau rát cho bé, khả năng phục hồi vết thương nhanh hơn. Sử dụng thuốc bôi tay chân miệng cho trẻ theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc bôi thường được sử dụng như xanhmethylen, kem chứa ion bạc…
Chế độ dinh dưỡng
Cho trẻ ăn chín uống sôi, uống nhiều nước mát và ăn thức ăn lỏng dễ tiêu. Không cho trẻ ăn uống thực phẩm có vị chua, cay nóng, hạn chế gia vị.
Theo dõi tình trạng
Các dấu hiệu bệnh trở nặng như trẻ quấy khóc dai dẳng kéo dài, thậm chí quấy khóc cả đêm; sốt trên 38.5 độ không hạ từ 48 giờ, sử dụng thuốc hạ sốt nhưng không hạ; co giật; ngủ li bì; nôn ói; bỏ ăn,…
Bên cạnh việc chăm sóc và sử dụng thuốc uống, thuốc bôi ngoài da theo chỉ định của bác sĩ. Ba mẹ cần lưu ý theo dõi tình trạng sức khỏe của bé thường xuyên để sớm nhận thấy dấu hiệu bất thường và đưa trẻ đi khám kịp thời.
Những điều cần lưu ý:
- Cách ly trẻ trong nhà, người chăm sóc trẻ bị bệnh nên đeo khẩu trang, sau khi tiếp xúc nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để hạn chế lây lan.
- Vệ sinh sạch sẽ các vật dụng cá nhân của trẻ như bình sữa, ly uống nước, chén ăn cơm,…
- Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng cho bé hàng ngày bằng nước sạch để tránh bị nhiễm khuẩn.
- Quần áo, tã lót hay vật dụng, đồ chơi của trẻ bệnh cần được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B 2%.
Ngoài ra, phụ huynh có thể cho bé bổ sung thêm vitamin C, kẽm để tăng sức đề kháng và hỗ trợ vết thương nhanh lành hơn.
Dấu hiệu khỏi bệnh tay chân miệng
Phần lớn trẻ mắc tay chân miệng sẽ tự khỏi hoàn toàn sau khoảng 7 – 10 ngày phát bệnh.
Dấu hiệu khỏi bệnh là bé từ sốt cao sau đó hạ sốt dần cho đến hết sốt, các mụn nước không nổi thêm và khô dần.
Phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả
Hiện nay không có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng kết hợp các phương pháp tăng sức đề kháng giúp trẻ phục hồi nhanh hơn. Vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng, do đó cần chủ động các biện pháp phòng bệnh an toàn, hạn chế lây nhiễm bệnh cho trẻ.
- Không tiếp xúc với bệnh nhân tay chân miệng;
- Rửa tay với xà phòng, nước rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn;
- Vệ sinh nhà cửa, khử khuẩn thường xuyên và giữ cho không gian luôn sạch sẽ, thoáng mát;
- Hạn chế cho trẻ đến những khu vực tập trung đông người, đặc biệt trong giai đoạn dịch đang có xu hướng lây lan nhanh;
- Thực hiện ăn chín, uống sôi, rèn luyện cho trẻ thói quen giữ vệ sinh cá nhân, không bốc thức ăn bằng tay, ngậm mút tay hoặc đồ chơi;
- Khử trùng các vật dụng cá nhân và đồ chơi của trẻ, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, chén, ly, thìa, đũa,…
- Trẻ bị bệnh tay chân miệng cần phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi phát bệnh. Không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp học và chơi cùng với các trẻ khác trong thời gian bệnh và 10 ngày sau đó.
Cần lưu ý các dấu hiệu nhận biết trẻ bị bệnh, triệu chứng nặng và chú ý theo dõi trẻ liên tục, sử dụng thuốc theo chỉ định và chăm sóc trẻ đúng cách sẽ khỏi bệnh nhanh chóng.
Hy vọng những kiến thức được cung cấp trong bài viết trên sẽ giúp các bậc phụ huynh chăm sóc trẻ bệnh tay chân miệng tại nhà an toàn và hiệu quả.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Bạn có thể xem thêm:
- Tìm hiểu tổng quan về bệnh tay chân miệng ở trẻ em
- Tiêm vắc xin HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung
- Táo bón là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách ngừa bệnh hiệu quả
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.