Sốt phát ban là bệnh do nhiễm một hoặc nhiều vi sinh vật gây ra. Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt từ 6 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi, ít gặp hơn ở người lớn. Vậy làm thế nào để chăm sóc đúng khi có triệu chứng sốt phát ban xuất hiện, hay để hiểu hơn về nguyên nhân sốt phát ban, cách phòng ngừa sốt phát ban, mời bạn đọc tìm hiểu bài viết dưới đây.
Nguyên nhân gây ra bệnh sốt phát ban
Sốt phát ban có nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau, nguyên nhân sốt phát ban chủ yếu gặp ở nước ta là do virus sởi và virus Rubella gây ra. Phương thức truyền bệnh của bệnh sởi và bệnh Rubella là lây theo đường hô hấp. Ngoài ra, bệnh sốt phát ban còn có thể do virus Herpes 6,7 và bọ chét, chấy, rận.
Triệu chứng thường gặp của sốt phát ban
Dấu hiệu đầu tiên để bố mẹ nhận biết là triệu chứng sốt phát ban ở trẻ em đó là trẻ đột nhiên quấy khóc, sau đó bắt đầu có biểu hiện sốt. Tùy vào loại virus, trẻ sẽ có các biểu hiện:
- Sốt phát ban do virus Sởi: trẻ có thể sốt cao, ho, đỏ mắt, chảy nước mũi
- Sốt phát ban do virus Rubella: sốt nhẹ hơn hoặc không sốt, ban nổi dày nhưng nhạt màu hơn.
Ngoài ra, trẻ có thể sưng đau hạch sau tai, hạch cổ, đôi khi trẻ kêu đau chân. Sau một vài ngày sốt, lúc trẻ bắt đầu hạ sốt là lúc ban bắt đầu nổi từ mặt lan dần xuống cổ, ngực, bụng và toàn thân. Tay chân hình thành các bóng nước màu đỏ. Trẻ cũng có thể đi ngoài với phân hơi lỏng. Ban thường lưu lại trên da 3 – 5 ngày rồi lặn dần mà không để lại vết thâm. Tuy nhiên bố mẹ hãy chú ý, khi sốt phát ban do sởi, trẻ có cảm giác ngứa nên dùng tay gãi, điều này dẫn đến nhiễm khuẩn, lở loét và có thể để lại sẹo.
Thông thường, sốt phát ban nhanh đến và cũng nhanh đi nếu trẻ được điều trị và chăm sóc tốt. Ngược lại, trẻ có thể gặp phải các biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, đi ngoài ra máu, nguy hiểm hơn là viêm não.
Đối với người lớn sốt phát ban cũng tương tự như ở trẻ nhỏ, một số triệu chứng thường gặp ở người lớn như:
- Sốt cao: Người lớn xuất hiện những cơn sốt đột ngột, có khi lên cao 39 độ C. Bên cạnh đó là các triệu chứng viêm kết mạc, sổ mũi, đau đầu…
- Ban đỏ trên da: Khởi phát màu hồng nhạt, phẳng hoặc nổi nhẹ trên bề mặt. Sau đó chuyển dần sang màu đỏ và nổi lên da càng rõ. Các vết không tập trung một chỗ mà phát triển toàn thân. Trong trường hợp nhẹ, vết phát ban chỉ tồn tại khoảng một ngày, nếu nặng hơn thì thường kéo dài.
- Sưng hạch thường hay bị sưng hạch sau tai, hạch cổ, dưới chẫm, có thể kèm theo đau khớp
Ngoài những triệu chứng điển hình trên, người bệnh còn gặp tình trạng chán ăn, mệt mỏi, tiêu chảy nhẹ, ho…
Biện pháp phòng ngừa bệnh sốt phát ban
- Tiêm phòng: Trẻ cần được tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh sởi, rubella, và các bệnh khác theo chương trình tiêm chủng quốc gia.
- Giữ vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với người bệnh.
- Tránh tiếp xúc với người bệnh: Hạn chế tiếp xúc với người bị sốt phát ban để giảm nguy cơ lây nhiễm. Cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh
- Giữ gìn vệ sinh môi trường: Làm sạch và khử trùng đồ chơi, bề mặt và vật
- Cung cấp đủ chất dinh dưỡng trong chế độ ăn hằng ngày, uống đủ nước.
- Bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết để cơ thể tăng cường sức đề kháng.
- Không để trẻ vui chơi ở những khu vực bụi rậm, ẩm ướt để tránh bị côn trùng cắn.
Trẻ bị sốt phát ban khi được chăm sóc đúng cách sẽ nhanh chóng đẩy lùi cơn sốt và khỏe mạnh trở lại. Cần lưu ý nếu chăm sóc trẻ sốt phát ban không đúng cách thì vẫn có thể gặp phải các biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, đi ngoài ra máu, viêm não… Do đó, khi trẻ bị sốt phát ban, cha mẹ cần:
Cách chăm sóc trẻ khi bị sốt phát ban:
- Hạ sốt cho trẻ: Cần theo dõi thân nhiệt của trẻ. Khi sốt cao trên 38,5 độ C, bố mẹ nên cho trẻ dùng Paracetamol đường uống hoặc đặt hậu môn với liều 10 – 15mg/kg/lần cách nhau 4 – 6 tiếng
- Nới lỏng quần áo, chườm ấm để hạ sốt cho trẻ, mỗi lần không quá 10 phút.
- Cần đảm bảo bù đủ nước, điện giải cho trẻ bằng cách cho trẻ uống nhiều nước như nước ép hoa quả, canh súp, nước oresol.
- Hạn chế để bé lấy tay gãi lên da
Trong thời gian bé bị sốt phát ban cũng cần bổ sung dưỡng chất đầy đủ, dưới đây là một số gợi ý giúp con dễ ăn uống hơn trong những ngày ốm:
- Trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi hoặc còn bú sữa mẹ thì tiếp tục cho bé bú, thậm chí cho bé bú nhiều hơn vì prôtêin có trong sữa mẹ sẽ giúp trẻ có sức đề kháng, giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn và hấp thu tốt hơn
- Trẻ lớn hơn đã ăn dặm thì cho trẻ ăn cháo loãng, chia nhiều bữa ăn
- Nếu trẻ trên 6 tháng tuổi thì mẹ có thể bổ sung Vitamin C cho trẻ thông qua nước ép cam, nước ép ổi, kiwi, dâu tây, súp lơ. Mẹ lưu ý chỉ cho bé uống 1 – 2 lần/ngày, mỗi lần tối đa 100ml. Uống quá nhiều có thể làm trẻ bị tiêu chảy nên mẹ cần lưu ý
- Bổ sung nước dừa giúp bổ sung natri, kali hay bù điện giải. Nước dừa còn giúp quá trình đào thải virus nhanh hơn giúp bé nhanh khỏi bệnh hơn. Tùy vào độ tuổi, mẹ có thể bổ sung nước dừa như sau:
- Trẻ 6 tháng – 1 tuổi: uống 1 – 2 lần/ngày, mỗi lần khoảng 15ml (3 muỗng cà phê)
- Trẻ 1 – 2 tuổi: uống 1 – 2 lần/ngày, mỗi lần 50ml
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi không uống được nước dừa, thay vào đó mẹ hãy tăng cường cho bé bú mẹ
- Nước dừa khi cho bé uống nên là nước dừa tươi, không nên sử dụng nước dừa đóng chai, không tiếp để qua đêm hay tiếp xúc không khí quá lâu để đảm bảo an toàn
- Cuối cùng là mật ong, mật ong chứa acid amin, khoáng chất, sắt, vitamin, kẽm giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp trẻ sốt phát ban mau khỏi bệnh hơn. Mẹ có thể pha mật ong theo tỷ lệ 1 thìa mật ong với 50ml nước ấm và cho trẻ uống hằng ngày trước bữa ăn 2 – 3 tiếng. Tuy nhiên các bé dưới 12 tháng tuổi thì không nên uống vì có thể gây ngộ độc
Nếu trẻ có các biểu hiện dưới đây cần đưa đến trung tâm y tế gần nhất hoặc bệnh viện để được các bác sĩ xử trí kịp thời :
- Sốt cao trên 39 độ C hoặc sốt cao không hạ dù đã dùng thuốc hạ sốt
- Phát ban không thấy chuyển biến tốt sau 3 ngày
- Bé có hệ miễn dịch yếu
- Tiêu chảy, mất nước
- Có biểu hiện lừ đừ, co giật, thở gấp, khó thở
Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn đọc sẽ có kiến thức và không lo lắng khi con bị sốt phát ban. Hãy tiếp tục đón chờ các bài viết khác của Pharmacity về sức khỏe trên trang web pharmacity.vn nhé.