Bệnh ung thư tủy sống là tình trạng xuất hiện những khối u nằm trong tủy sống. Khi những khối u này phát triển to lên, chúng có thể chèn ép vào các dây thần kinh tại đây. Khối u tủy sống có thể là u lành tính hoặc u ác tính. Bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy có cách nào phòng ngừa bệnh ung thư tủy sống không? Hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Thực trạng người mắc bệnh ung thư tủy sống hiện nay
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị bệnh u tủy sống. Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc u tủy sống thường rất ít, chỉ chiếm khoảng 2% so với tỷ lệ người có các khối u khác trong cơ thể. So với tỷ lệ người bệnh có khối u ở hệ thống thần kinh trung ương thì tỷ lệ người bị u tủy sống chiếm khoảng 15%.
Giữa u tủy và u não thì số người bị u não cao gấp 4-6 lần so với người bị u tủy. Tình trạng u tủy sống cũng thường gặp ở người lớn, rất ít trường hợp trẻ em u tủy.
U tủy có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong ống sống như: cổ, ngực, thắt lưng. Trong đó, u vùng cột sống thắt lưng chiếm tỷ lệ thấp nhất, chỉ khoảng 15-25% với tình trạng khối u hay gặp nhất là tại vị trí rễ thần kinh. U vùng cột sống cổ cũng chiếm một tỷ lệ thấp, khoảng xấp xỉ 25% còn u vùng cột sống ngực chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng trên 60%.
Bệnh có triệu chứng khởi phát không rõ ràng, thường tiến triển chậm, có thể sau vài năm mới khởi phát những triệu chứng nghiêm trọng nên dễ bị bỏ qua những dấu hiệu trong giai đoạn đầu.
Triệu chứng của bệnh ung thư tủy sống
Triệu chứng ung thư tủy sống tùy từng giai đoạn như sau:
- Giai đoạn đầu: Phần lớn bệnh nhân chỉ xuất hiện một số triệu chứng tại chỗ và một số triệu chứng của rễ thần kinh. Nhưng rất khó để phát hiện những triệu chứng này vì chúng thường rất mơ hồ. Hơn nữa, bệnh thường tiến triển chậm, có thể sau vài năm mới khởi phát những triệu chứng nghiêm trọng như đau buốt từng cơn, chứ không đau dữ dội. Những cơn đau sẽ lan rộng theo đường dây thần kinh bị khối u chèn ép lên. Bên cạnh đó là cảm giác tê hay yếu cơ,…
Trên thực tế, rất dễ nhầm với bệnh xương khớp thông thường như bệnh tê tay chân hoặc thoát vị đĩa đệm, đến khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
- Giai đoạn sau: Bệnh ngày càng tiến triển và những khối u ở tủy sống có thể đã phát triển to lên nhiều, đồng thời chèn ép một nửa tủy, có thể đẩy tủy sống sang một bên. Người bệnh sẽ có thể bị liệt một bên người và mất cảm giác khi tiếp xúc với môi trường nóng lạnh. Giai đoạn này tiến triển nhanh và chuyển sang giai đoạn toàn phát.
- Giai đoạn toàn phát: Bệnh nhân có thể gặp phải những triệu chứng rối loạn ở cả 2 bên cơ thể, gây rối loạn cảm giác, rối loạn vận động, bên cạnh đó là một số triệu chứng như bí tiểu, tiểu khó, táo bón,…
Biện pháp phòng ngừa ung thư tủy sống
Do ung thư tủy sống không có nguyên nhân cụ thể chính vì vậy về việc ngăn ngừa ung thư cũng rất hạn chế vì nguyên nhân không rõ ràng. Tuy nhiên, sau đây là những cách gián tiếp có thể ngăn ngừa được ung thư tủy sống:
- Duy trì lối sống lành mạnh: Chế độ ăn khoa học, đầy đủ dinh dưỡng; luyện tập thể dục đều đặn hằng ngày, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, stress; không dùng các chất kích thích,…
- Giống như các loại ung thư khác thì không có thực đơn giúp bạn loại bỏ hoàn toàn nguy cơ gây ung thư tủy sống, để duy trì chế độ ăn uống lành mạnh giúp bạn giảm nguy cơ gây ung thư thì các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên giảm lượng chất béo và tăng cường các loại trái cây và rau củ quả trong các bữa ăn hằng ngày.
- Tập thể dục thể thao không nhất thiết phải là tập những bài tập khó mà bạn chỉ cần thực hiện những động tác nhẹ nhàng như đi bộ, yoga,… nhằm cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể, ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư. Ngoài tác dụng trên, luyện tập thường xuyên sẽ giúp bạn giữ được cơ xương luôn chắc khỏe. Từ đó sẽ làm chậm đi quá trình lão hóa tự nhiên.
- Những chất độc trong thuốc lá không chỉ gây ung thư phổi mà còn làm tăng nguy cơ gây nên nhiều loại ung thư như ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày và trong đó có ung thư tủy sống. Để ngăn ngừa mối nguy hại này thì tốt nhất nên tránh xa thuốc lá bao gồm cả thuốc lá thông thường và thuốc lá điện tử.
- Có thể sử dụng một số loại thảo dược từ thiên nhiên như bột nghệ, trà xanh, nhân sâm sẽ có khả năng phòng ngừa bệnh, tuy nhiên tuyệt đối không được tự ý quyết định mà nên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc
- Tránh tiếp xúc với chất gây ung thư như: hóa chất độc hại, bức xạ và thuốc trừ sâu,…
- Kiểm tra gen di truyền: Nếu trong gia đình của bạn có người mắc ung thư tủy xương hãy thông báo cho bác sĩ và làm các xét nghiệm tầm soát.
- Khám sức khỏe định kỳ, nhận biết sớm các triệu chứng u tủy sống để kịp thời can thiệp và điều trị tốt nhất.
Tóm lại, ung thư tủy sống là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được can thiệp kịp thời có thể gây liệt nửa người hay thậm chí tử vong. Vì vậy mỗi chúng ta hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, nếu có các dấu hiệu u tủy sống hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị.