Theo thống kê của Hội Y học Dự phòng, năm 2016 cả nước ghi nhận được gần 22.000 ca mắc bệnh; năm 2017 tăng 45,9%, chạm mốc 39.000 trường hợp mắc bệnh thủy đậu và vào năm 2018, Việt Nam có hơn 31.000 ca mắc.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2024, thành phố ghi nhận gần 200 trường hợp mắc thủy đậu.
1. Bệnh thuỷ đậu là gì?
Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng do virus varicella-zoster gây ra. Nó dễ dàng lan truyền từ người sang người qua xúc tiếp trực tiếp hoặc qua không khí khi ho hoặc thở hơi. Người mắc bệnh sẽ phát ban, nổi mụn nước nhỏ có chứa đầy dịch, gây ngứa kèm theo sốt, mệt mỏi, viêm sưng.
Thủy đậu nổi mụn nước nhỏ có chứa đầy dịch
2. Các biến chứng của bệnh thuỷ đậu
Các biến chứng do thủy đậu có thể xảy ra nhưng chúng không phổ biến ở những người khỏe mạnh mắc bệnh.
Những đối tượng có thể mắc bệnh thủy đậu nghiêm trọng và có nguy cơ cao bị biến chứng cao hơn, bao gồm:
- Trẻ sơ sinh: còn đang trong quá trình phát triển, chưa hoàn thiện, không đủ khả năng chống lại sự tấn công từ bên ngoài.
- Thanh thiếu niên: nhóm đối tượng thường bị quên các mũi tiêm nhắc lại và các loại vắc xin cần tiêm trong độ tuổi.
- Người lớn: thường mắc bệnh thủy đậu với diễn biến bệnh lý nặng nề hơn và khó phục hồi hơn so với trẻ em, dễ biến chứng.
- Phụ nữ đang mang thai: do cơ thể bị thay đổi nhiều về sinh lý, hệ miễn dịch bị suy giảm, khả năng đào thải và chống lại sự tấn công của các tác nhân gây bệnh bị suy yếu trầm trọng.
- Những người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như:
- Người nhiễm HIV/AIDS hoặc ung thư
- Những bệnh nhân đã được phẫu thuật cấy ghép
- Những người đang điều trị hóa trị, dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc sử dụng steroid lâu dài.
Các biến chứng nghiêm trọng do bệnh thủy đậu bao gồm:
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm, bao gồm nhiễm trùng liên cầu nhóm A
- Nhiễm trùng huyết: Khi nốt thủy đậu bị vỡ, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu qua mụn nước, từ đó gây nhiễm trùng máu.
- Viêm phổi: biến chứng thường xảy ra ở người trưởng thành với triệu chứng ho nhiều, ho ra máu, khó thở, tức ngực, xuất hiện vào ngày 3-5 sau khi bệnh khởi phát.
- Viêm não: Biến chứng thường xảy ra ở trẻ em và người lớn nhưng người lớn gặp nhiều hơn. Nó có thể gây tử vong nếu không chữa trị kịp thời. Biến chứng thường xuất hiện sau 1 tuần người bệnh nổi mụn nước. Khi gặp biến chứng này, người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng sốt cao, hôn mê, co giật, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu.
Viêm não là một biến chứng của thủy đậu
- Zona thần kinh: sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, siêu vi thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ đông). Nhiều năm sau đó, khi có điều kiện thuận tiện như sức đề kháng cơ thể kém hay có bệnh nền,… thì siêu vi này sẽ tái hoạt động trở lại và gây ra bệnh zona (còn gọi là giời leo).
- Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì sẽ dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, virus dễ gây sẩy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh… Còn nếu bị trong những ngày sắp sinh hay sau sinh trẻ bị lây bệnh sẽ bệnh rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi, viêm đường hô hấp..
Một số người bị biến chứng nghiêm trọng do thủy đậu có thể bị bệnh nặng đến mức phải nhập viện, thậm chí gây tử vong.
3. Làm thế nào để không bị biến chứng do thủy đậu
Để hạn chế biến chứng do thủy đậu, người bệnh nên:
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn các thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả.
- Vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.
- Hạn chế ra gió, thay quần áo và tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm sạch.
- Mặc quần áo mềm, rộng rãi, thoáng mát.
- Tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo, gây mất thẩm mỹ, nếu đã vỡ dùng dung dịch xanh methylen bôi lên.
- Hạn chế vận động mạnh gây tốn sức để tránh tác động lực lớn lên vết thương.
- Cách ly người bệnh, tránh tiếp xúc với người khác và tránh đi đến những nơi đông người để hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
- Tiêm vắc xin ngừa thủy đậu cho trẻ em và người lớn để hạn chế nguy cơ mắc thủy đậu và các biến chứng do thuỷ đậu gây ra.
Tiêm vaccine phòng ngừa thủy đậu
Bệnh thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, nhưng bạn hoàn toàn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa đơn giản. Đầu tiên, hãy đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và uống đủ nước mỗi ngày. Vệ sinh cá nhân, đặc biệt là mũi họng, và giữ cơ thể sạch sẽ bằng nước ấm cũng rất quan trọng. Hãy mặc quần áo thoáng mát và tránh gãi vết phỏng để không gây nhiễm trùng hay tạo sẹo. Việc tiêm vắc xin phòng ngừa thủy đậu là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bệnh này. Nếu không may mắc bệnh, hãy cách ly và nghỉ ngơi hợp lý để tránh lây lan trong cộng đồng.